
Tờ Financial Times (FT) cho hay Samsung đang phải chuyển hướng sang phụ thuộc vào các tập đoàn công nghệ Trung Quốc khi gặp khó khăn ở mảng bán dẫn. Dù đã đầu tư 100 tỷ USD vào Mỹ nhưng tập đoàn Hàn Quốc này vẫn đang phải vật lộn để giữ chân khách hàng.
Xin được nhắc rằng vào năm 2019, Samsung đã dần dịch chuyển các nhà máy của mình tại Trung Quốc sang nước khác, đồng thời mất gần như hoàn toàn thị phần điện thoại vào tay các thương hiệu nội địa.
Thế nhưng vào tháng 3/2025, tập đoàn điện tử Hàn Quốc này tiết lộ rằng giá trị xuất khẩu của họ sang Trung Quốc đã tăng 54% trong giai đoạn 2023-2024 khi các công ty Trung Quốc nhanh chóng nhập chip bán dẫn từ Hàn Quốc trước lệnh cấm vận của Mỹ.
Thời thế đổi thay
Samsung từng là thương hiệu dẫn đầu tại thị trường Trung Quốc trong những năm đầu, nhưng dần dần đã mất thị phần do sự cạnh tranh khốc liệt từ các thương hiệu nội địa như Huawei, Xiaomi, Oppo và Vivo.

Từ khoảng 15% thị phần ở năm 2013, Samsung đã giảm xuống chỉ còn khoảng 1% vào năm 2019 do người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng các sản phẩm giá rẻ của thương hiệu nội địa.
Ngoài ra, Samsung cũng quyết định rút dần các hoạt động sản xuất của mình khỏi Trung Quốc bằng cách đóng cửa dần các nhà máy sản xuất điện thoại—trong đó nhà máy cuối cùng tại Huizhou đã đóng cửa vào năm 2019. Đồng thời, công ty giảm số lượng công ty con và nhân viên không phải người Trung Quốc tại đây.
Tuy nhiên riêng trong năm 2024, Samsung đã cung ứng lượng khuôn logic (một thành phần quan trọng trong sản xuất chip AI) bằng hơn 3 năm trước cộng lại cho Kunlun, công ty con thiết kế bán dẫn của tập đoàn công nghệ Trung Quốc Baidu.
"Samsung và Trung Quốc cần nhau. Khách hàng Trung Quốc đã trở nên quan trọng hơn đối với Samsung, nhưng sẽ không dễ để hợp tác kinh doanh", giám đốc CW Chung tại Nomura cho biết khi tập đoàn Hàn Quốc gặp khó ở Mỹ, muốn quay lại thị trường mà họ từng bỏ rơi.
Năm 2024, Samsung đã công bố đầu tư 40 tỷ USD để mở rộng các cơ sở sản xuất và đóng gói chip tiên tiến tại Texas, đồng thời hãng cũng đang đổ ít nhất 100 tỷ USD vào các nhà máy chế tạo chip ở Arizona.
Trớ trêu thay, tờ FT cho biết mảng kinh doanh sản xuất chip theo hợp đồng của Samsung đã phải vật lộn để giành được các khách hàng lớn tại Mỹ vốn đang chuyển hướng dần sang TSMC.
Samsung cũng đã tụt hậu so với đối thủ địa phương SK Hynix trong cuộc đua bộ nhớ băng thông cao (HBM), một thành phần quan trọng khác trong chip AI.
Vốn là nhà cung cấp HBM hàng đầu để Nvidia sử dụng, lợi nhuận hoạt động theo quý của SK Hynix năm ngoái đã vượt qua Samsung lần đầu tiên trong lịch sử của hai công ty.
Trước tình hình này, khách hàng Trung Quốc trở thành cứu cánh cuối cùng cho Samsung dù hãng từng bỏ rơi thị trường này.
"Các công ty Trung Quốc thậm chí không có cơ hội mua HBM của SK Hynix vì nguồn cung đã bị các nhà sản xuất chip AI hàng đầu như Nvidia, AMD, Intel và Broadcom mua hết", cố vấn cấp cao Jimmy Goodrich cho viện nghiên cứu Rand Corporation.
Như một hệ quả tất yếu, ông Goodrich cho hay những gì Samsung đang sản xuất là "hàng kém chất lượng hơn" nhưng vẫn đủ tốt cho người Trung Quốc vì vẫn chưa có sản phẩm thay thế HBM tại địa phương.

Theo công ty tư vấn SemiAnalysis, Samsung là "nhà cung cấp HBM lớn nhất vào Trung Quốc", được sử dụng chủ yếu trong dòng chip AI Ascend 910 của Huawei.
Mảng sản xuất chip theo hợp đồng của Samsung cũng đã hợp tác với Kunlun để sản xuất Core P800, một chip AI được phát hành vào tháng 2/2025.
Nguồn tin của FT cho hay Samsung đã hy vọng hợp tác với Kunlun để sản xuất một chip AI tiên tiến hơn nữa, nhưng dự án đã bị hoãn lại do các hạn chế mới của Mỹ có hiệu lực vào tháng 1/2025.
Theo cố vấn Goodrich, điều này đồng nghĩa các công ty Trung Quốc "sẽ lấy bất cứ thứ gì họ có thể có vì các hãng sản xuất trong nước của họ chưa làm cung ứng được linh kiện theo yêu cầu".
Bồi tội
Nói về câu chuyện thời thế đổi thay của Samsung thì không thể không nhắc đến câu chuyện bồi tội của CEO Lei Jun thuộc Xiaomi.
Tại thời điểm năm 2016, Samsung chiếm tới 99% nguồn cung màn hình AMOLED toàn cầu và là hãng độc quyền trên thị trường. Do đó tập đoàn Hàn Quốc này dễ dàng áp đặt quyền kiểm soát lên thị trường smartphone Trung Quốc mà Xiaomi là ví dụ tiêu biểu nhất.
Việc Samsung cắt nguồn cung AMOLED khiến Xiaomi rơi vào khủng hoảng đứt gãy chuỗi cung ứng và sản phẩm Note 2 của hãng trở thành nạn nhân. Phía Xiaomi buộc phải thay màn hình Note 2 sang nhà cung ứng LG và hệ quả là hàng loạt lỗi xảy ra, từ độ sáng yếu, màu sắc không chuẩn cho đến khiến người dùng khó nhìn.
Trước tình thế đó, dù vào cuối tuần nhưng CEO Lei Jun buộc phải liên hệ với ban giám đốc Samsung chi nhánh Trung Quốc rất nhiều lần nhưng không hề được tiếp đón.
Cuối cùng đích thân CEO Lei Jun phải gọi điện đến số cá nhân cho vị giám đốc Samsung này với đề nghị: "Bao giờ ngài rảnh? Tôi sẽ bay trực tiếp đến Thâm Quyến để xin lỗi ngài".
Ngay chiều thứ 2 hôm sau, CEO Lei Jun đã phải đến Thâm Quyến và uống hết 5 chai rượu vang để bồi tội cùng ban lãnh đạo Samsung trong bữa tối.
Theo cuốn tự truyện, CEO Lei Jun đã quàng vai vị giám đốc Samsung và liên tục nhắc lại: "Chúng tôi đã làm sai và thái độ đó không thể đại diện cho Xiaomi".

Cùng ngày hôm đó, nhà sáng lập Xiaomi cũng đã phải liên hệ CEO Lu Weibing của Gionee, nhà sáng lập Chen Mingyong của OPPO cùng 2 nhà cung ứng thân thiết khác để hỗ trợ chuyển lời xin lỗi đến ban lãnh đạo cấp cao Samsung.
Thậm chí sau đó, đích thân nhà sáng lập được ví như "Steve Jobs của Trung Quốc" này phải bay đến trụ sở Samsung tại Hàn Quốc vài lần để liên tục xin lỗi.
Bất chấp điều đó, phải đến vài tháng sau phía Samsung mới đồng ý cung ứng lại màn hình AMOLED cho Xiaomi nhưng với điều kiện là phải đợi 2 năm nữa do "hợp đồng khách hàng đặt trước đã kín chỗ".
Thế nhưng sự kiêu ngạo của Samsung đã chỉ còn là quá khứ.
Các hãng điện thoại Trung Quốc giờ đây đã tự chủ được nguồn cung màn hình, trong khi Samsung không còn gây được nhiều ảnh hưởng tại thị trường tỷ dân này.
Năm 2024, thị phần màn hình điện thoại di động AMOLED sản xuất tại Trung Quốc đã chiếm gần 50% toàn cầu trong khi Samsung là 43% và vẫn đang giảm xuống. Chi phí sản xuất rẻ của Trung Quốc và tính cạnh tranh thay vì độc quyền khiến màn hình AMOLED của Samsung dần thất sủng trong mắt các doanh nghiệp.
Thậm chí trong suốt 2 năm qua, rất hiếm có điện thoại nội địa Trung Quốc nào còn dùng màn hình của Samsung.
Tệ hơn, không chỉ thua về màn hình AMOLED, Samsung còn bị các hãng Trung Quốc cạnh tranh cả về bán dẫn, đóng tàu, sản xuất smartphone, thiết bị gia dụng, ắc quy...
Đặc biệt, trong khi Trung Quốc vươn mình với trí thông minh nhân tạo (AI) thì Samsung lại tụt hậu ở mảng này, lặng nhìn Huawei, Xiaomi, Alibaba hay các hãng công nghệ của xứ sở tỷ dân ra mắt hàng loạt ứng dụng AI.
Trong vòng 1 năm qua, cổ phiếu của Samsung Electronics đã giảm gần 1/3 khiến Chủ tịch Lee Jae Yong phải họp các giám đốc để chấn chỉnh tình hình, đồng thời cho biết tập đoàn đang trong giai đoạn "sống còn" khi bỏ lỡ xu thế AI.
Trái ngược với Samsung, tình hình của Xiaomi lại ngày càng tốt hơn kể từ khi CEO Lei Jun chấp nhận bồi tội. Tổng doanh số bán smartphone của hãng hiện đứng thứ 3 thế giới trong khi mảng xe điện bán được hơn 200.000 chiếc.
Doanh thu của hãng đang ở mức cao kỷ lục còn giá cổ phiếu liên tiếp phá kỷ lục, tổng vốn hóa cũng đã vượt 1,4 nghìn tỷ Dollar Hong Kong (HKD) lần đầu tiên trong lịch sử.
Giờ đây sau 10 năm gặp lại, CEO Lei Jun đã không còn phải cúi mình trước Samsung nữa mà ngược lại, chính Chủ tịch Lee mới là người sang thăm nhà máy xe điện của Xiaomi để mở đường hợp tác cho đôi bên.
Rõ ràng, thời thế đã đổi thay và Samsung quay trở lại Trung Quốc trong vị thế đã không còn được như xưa.
*Nguồn: FT