Từ G-Dragon đến cơn bão đại sứ thương hiệu xa xỉ ồ ạt tiến vào Kpop

Admin

Số lượng thần tượng trở thành đại sứ thương hiệu tăng mạnh trong những năm gần đây. Việc này có cả hiệu ứng tích cực và tiêu cực, theo truyền thông Hàn Quốc.

Theo Sports Seoul, khi cơn sốt Kpop ngày càng mạnh mẽ trên toàn thế giới, sự cạnh tranh giữa các thương hiệu xa xỉ toàn cầu để mời ngôi sao thần tượng làm đại sứ cũng ngày càng gay gắt.

Vai trò của đại sứ là quảng bá thương hiệu thông qua các hoạt động trình diễn thời trang, chụp ảnh và mạng xã hội. Không giống những người mẫu quảng cáo thông thường, đại sứ sẽ giúp nâng tầm hình ảnh thương hiệu.

Việc được lựa chọn trở thành đại sứ thương hiệu cao cấp là thước đo mức độ nổi tiếng của một ngôi sao. Do đó, các công ty giải trí Hàn Quốc đang tích cực lăng xê thần tượng đồng thời tiếp xúc với nhiều thương hiệu khác nhau.

Nhà mốt xa xỉ chiêu mộ ngôi sao Kpop

Năm 2015, G-Dragon trở thành người đàn ông châu Á đầu tiên được chọn làm đại sứ của Chanel. Lúc đó, khái niệm đại sứ thương hiệu còn khá xa lạ với thị trường Kpop.

Sau đó, đàn em cùng công ty với G-Dragon là Jennie cũng trở thành đại sứ của Chanel, thậm chí có biệt danh Human Chanel. Ngoài ra, các thành viên còn lại của BlackPink gồm Jisoo (Dior), Rosé (Saint Laurent) và Lisa (Celine) đều đang hoạt động tích cực với tư cách đại sứ toàn cầu.

Đây được coi là chiến lược “đôi bên cùng có lợi”. Ca sĩ có được hình ảnh sang trọng nhờ sản phẩm xa xỉ. Trong khi đó, các thương hiệu có thể "mượn" ngoại hình trẻ trung, sành điệu đặc trưng của các ngôi sao Kpop để quảng bá sản phẩm.

dai su thuong hieu anh 1

G-Dragon hợp tác với Chanel trong nhiều năm. Ảnh: Elle.

Độ tuổi của các đại sứ thương hiệu cao cấp đang ngày càng trẻ hóa. Năm 2022, tất cả thành viên của New Jeans được chọn làm đại sứ thương hiệu chỉ sau 9 tháng ra mắt. Năm nay, nhóm nhạc mới Riize của SM thu hút sự chú ý khi được chọn làm đại sứ cho Louis Vuitton chỉ 98 ngày sau khi ra mắt.

Đáng nói, một thương hiệu có thể chọn nhiều nghệ sĩ Hàn khác nhau làm đại sứ. Chẳng hạn, Louis Vuitton ngoài Riize còn hợp tác với J-Hope của BTS, Le Sserafim, Felix (Stray Kids).

Nhóm IVE có Jang Won Young được chọn làm đại sứ toàn cầu cho Miu Miu và Fred, Ahn Yu Jin trở thành đại sứ ở Hàn Quốc cho Fendi. aespa đang hoạt động với tư cách đại sứ toàn cầu cho Givenchy và Chopard. Jimin của BTS và TXT ký kết với Dior. Hyunjin của Stray Kids là đại sứ toàn cầu cho Versace. Sana (TWICE), Jeon Somi và nhóm Enhypen đại diện cho Prada.

Sản phẩm do thần tượng mặc cháy hàng

Lý do các thương hiệu cao cấp tích cực tuyển dụng thần tượng là họ có thể thúc đẩy mức độ yêu thích đồ hiệu của người hâm mộ trẻ tuổi, từ đó tăng doanh số bán hàng ở đối tượng Gen MZ - nhóm fan chính của Kpop hiện giờ.

Năm 2021, Dior chứng kiến ​​​​doanh số bán hàng tại Hàn Quốc tăng gấp đôi so với năm 2020. 2021 cũng là thời điểm Jisoo (BlackPink) bắt đầu trở thành đại sứ của thương hiệu này. Chủ tịch Dior Pietro Beccari cũng thể hiện tình cảm đặc biệt với chị cả BlackPink khi nói: “Nếu YG Entertainment sa thải Jisoo, tôi sẽ đưa cô ấy về”.

Khi V (BTS) trở thành đại sứ Cartier, người hâm mộ đã ghé thăm các cửa hàng trực tuyến và mua số lượng lớn dây chuyền trị giá 34,4 triệu won. Calvin Klein cháy hàng tại Nhật Bản sau khi chọn Jungkook làm đại sứ.

Một chuyên gia trong ngành thời trang cho biết: “Khi mức tiêu thụ hàng xa xỉ của thế hệ MZ tăng nhanh trong năm ngoái, các thương hiệu dường như càng thích các thần tượng trẻ tuổi làm đại sứ hơn. Vì thế, số lượng ngôi sao trẻ tích cực quảng bá bản thân trên nhiều phương tiện truyền thông khác nhau cũng tăng đáng kể”.

Không chỉ nhãn hàng, thần tượng cũng hưởng lợi lớn khi trở thành đại sứ. Một chuyên gia trong ngành âm nhạc nhận định: “Các công ty giải trí đang tích cực gặp gỡ và trao đổi với thương hiệu cao cấp để ký hợp đồng đại sứ cho nghệ sĩ. Đây là cơ hội để thần tượng Kpop nâng cao hình ảnh bản thân đồng thời gặp gỡ nghệ sĩ nổi tiếng ở nước ngoài”.

Mặt trái

Sports Seoul nhận định việc idol trở thành đại sứ có nhiều lợi ích nhưng tác dụng phụ cũng rất nghiêm trọng. Khi độ tuổi của các đại sứ ngày càng nhỏ, giới chuyên môn lo ngại việc này kích thích thanh thiếu niên tiêu thụ quá mức hàng hóa xa xỉ.

dai su thuong hieu anh 4

Jisoo (BlackPink) tại một sự kiện của Dior. Ảnh: Sports Seoul.

Một người trong ngành cho biết: “Thần tượng có tác động lớn tới thanh thiếu niên từ vấn đề trang điểm đến quần áo, lời nói và hành vi. Trong khi đó, thanh thiếu niên thường phải làm việc bán thời gian hoặc xin cha mẹ giúp đỡ để có thể mua những sản phẩm xa xỉ do ngôi sao họ yêu thích làm đại sứ. Điều này khiến tôi thấy lo lắng".

Việc được lựa chọn làm đại sứ thương hiệu cao cấp còn được xem là tiêu chí để phân chia đẳng cấp thần tượng trong lòng người hâm mộ. Số lượng thần tượng trở thành đại sứ ngày càng tăng nhưng hầu hết tập trung vào các công ty lớn. Việc này dẫn đến sự mất cân bằng trong ngành âm nhạc.

“Hiện giờ, số lượng ca sĩ thần tượng mặc hàng hiệu sang trọng ngày càng tăng. Điều đó gây áp lực lên các công ty vừa và nhỏ. Các công ty giải trí nhỏ thường nhận rất nhiều lời phàn nàn từ người hâm mộ rằng tại sao thần tượng của họ không mặc đồ xa xỉ", một nhân vật trong giới bày tỏ.

Chuyên mục Giải trí giới thiệu loạt sách về thời trang: Thanh lịch kiểu Pháp là một trong ba tác phẩm đình đám về chủ đề phong cách Pháp - Parisian Chic. Quỷ cái vận đồ Prada mang lại cái nhìn cận cảnh vào thế giới của tạp chí và thời trang. Dress Code đưa ra những cách kết hợp thường ngày cho những bộ trang phục bình dị.