Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 23/5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa uỷ quyền của Chính phủ báo về việc giao danh mục, mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch Đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia.
Còn đùn đẩy, né tránh trách nhiệm
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tại Nghị quyết số 43, Quốc hội đã quyết nghị tăng chi từ nguồn ngân sách Nhà nước tối đa 176.000 tỷ đồng, thực hiện chủ yếu trong hai năm (2022 và 2023) để hỗ trợ, đầu tư các nhiệm vụ, dự án trong từng ngành, lĩnh vực.
Căn cứ các kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng đã giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương của chương trình khoảng 161.848 tỷ đồng. Số vốn còn lại chưa phân bổ là 14.152 tỷ đồng.
Kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2023 đã được Quốc hội quyết nghị là 338.415 tỷ đồng, trong đó bố trí cho các nhiệm vụ, dự án của Chương trình là 137.844 tỷ đồng. Phần lớn các dự án thuộc Chương trình là dự án khởi công mới, khó có thể giải ngân hết số vốn được giao trong năm 2023.
Về kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 còn lại chưa phân bổ, Quốc hội đã quyết nghị tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 2.870.000 tỷ đồng. Trong đó, số vốn ngân sách Nhà nước được phép phân bổ chi tiết 2.720.000 tỷ đồng (không bao gồm dự phòng chung 150.000 tỷ đồng).
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao chi tiết cho từng nhiệm vụ, dự án của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương là 2.440.007 tỷ đồng. Số vốn còn lại phải báo cáo Quốc hội cho ý kiến trước khi giao theo quy định là 279.992 tỷ đồng. Tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án của các bộ, cơ quan, địa phương từ số vốn ngân sách Trung ương còn lại chưa phân bổ là 142.992 tỷ đồng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, kế hoạch đầu tư nguồn vốn ngân sách Trung ương còn lại năm 2023 của các chương trình mục tiêu quốc gia là 1.208,188 tỷ đồng.
Dự kiến phân bổ 183,1 tỷ đồng vốn trong nước thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho 4 bộ, cơ quan Trung ương; 1.025 tỷ đồng vốn nước ngoài theo cam kết với nhà tài trợ để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho 16 tỉnh tham gia thực hiện Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn để hỗ trợ.
Bộ trưởng nhấn mạnh, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã tạo ra không gian phát triển mới, động lực mới, năng lực mới cho các ngành, lĩnh vực, địa phương, góp phần quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi và phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, việc hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án, việc phân bổ vốn vẫn còn chậm so với yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 69 có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.
Trong đó, công tác chuẩn bị dự án chưa được quan tâm đúng mức, còn tư duy nhiệm kỳ, nhiệm kỳ trước chưa chuẩn bị cho kỳ sau, dẫn đến nhiều dự án khởi công mới sau khi Quốc hội phê duyệt Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 mới tiến hành chuẩn bị đầu tư, hoặc phải điều chỉnh dự án, gây chậm trễ đến tiến độ phân bổ vốn.
"Năng lực trong triển khai thực hiện ở một số nơi còn yếu, chưa quyết liệt, chưa hiệu quả; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được thể hiện rõ; chưa sâu sát, thiếu đôn đốc, kiểm tra; còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; cùng một mặt bằng pháp luật nhưng có nơi làm tốt, có nơi làm chưa tốt", Bộ trưởng nêu.
Cân nhắc phân bổ các nguồn vốn
Tại báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, việc giải ngân nguồn vốn của Chương trình rất chậm, từ nay đến hết năm 2023 chỉ còn 6 tháng để hoàn thành việc thực hiện, giải ngân theo yêu cầu của Nghị quyết 43 là áp lực rất lớn.
Đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách kiến nghị Chính phủ hết sức cân nhắc phân bổ các nguồn vốn, cần căn cứ trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng về tiến độ giải ngân thực tế của từng bộ, ngành, địa phương để đề xuất phân bổ vốn cho những dự án đủ điều kiện, có khả năng giải ngân, bảo đảm tính khả thi, tránh tình trạng không giải ngân hết, không đáp ứng được yêu cầu Nghị quyết 43.
Một số ý kiến khác cho rằng, việc giải ngân các dự án thuộc Chương trình trong năm 2022, 2023 là không khả thi; đề nghị báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện đến năm 2024, 2025.
Về phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, các bộ, địa phương đã chuẩn bị, hoàn thiện thủ tục đầu tư các nhiệm vụ, dự án theo quy định của Luật Đầu tư công và Nghị quyết số 29 của Quốc hội.
Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với đề xuất của Chính phủ, trình Quốc hội phân bổ kế hoạch vốn cho các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, bảo đảm nguyên tắc, tiêu chí theo quy định của Luật Đầu tư công và Nghị quyết của Quốc hội.
Đa số ý kiến nhất trí trình Quốc hội phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị rà soát, cân nhắc khả năng giải ngân vốn của chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2023; đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm, phân bổ vốn sớm để có cơ sở thực hiện, đảm bảo khả năng giải ngân sớm.
Có ý kiến cho rằng, qua thực tế triển khai cho thấy, tiến độ thực hiện giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia chậm, nhiều địa phương còn lúng túng trong triển khai thực hiện do chưa đầy đủ văn bản hướng dẫn thực hiện.
Do đó, các ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, ban hành văn bản hướng dẫn còn thiếu và sửa đổi, bổ sung các văn bản còn bất cập để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia để đảm bảo hiệu quả quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện; cân đối, bố trí đủ vốn đối ứng thực hiện; có cơ chế để huy động tối đa nguồn lực để thực hiện được các mục tiêu đã đề ra, đạt hiệu quả thiết thực.