Tự do ăn uống - 'vũ khí' giúp giảm mỡ, eo thon

Admin

Tự do ăn uống, phương pháp với cái nhìn tích cực về cơ thể và thái độ ăn uống lành mạnh có thể giúp giảm cân so với các cách ăn kiêng độc hại khác.

Thống kê cho thấy tình trạng rối loạn ăn uống toàn cầu tăng từ 3,4% trong năm 2023 lên 7,8% trong năm 2024. Nhiều chuyên gia cho rằng một phần nguyên nhân là các chế độ ăn kiêng hà khắc, từ đó tạo mối quan hệ xấu giữa người ăn kiêng và thực phẩm.

Ngành công nghiệp ăn kiêng trị giá hàng tỷ USD quảng bá "hình ảnh lý tưởng về cơ thể mảnh mai", đề cao những cách giảm cân không lành mạnh, khuyến khích những hình thức ăn cực đoan, khiến nhiều người bị rối loạn ăn uống.

Nhiều bằng chứng cho thấy việc ăn kiêng không giúp mọi người giảm cân bền vững. Họ thường tăng cân trở lại trong vòng một đến 5 năm. Khoảng 33% số người từng ăn kiêng thậm chí tăng cân nhiều hơn một thời gian sau đó. Vì vậy, các chuyên gia nhắc đến khái niệm "tự do ăn uống" như một giải pháp.

Thế nào là "tự do ăn uống"?

"Tự do ăn uống" là một thuật ngữ phức tạp, có nhiều định nghĩa, từ việc thoát khỏi văn hóa ăn kiêng độc hại và chế độ ăn uống nghiêm ngặt, đến việc tăng cường sức khỏe bằng cách tự trồng thực phẩm. Một số người cho rằng đây là phương pháp mới nhằm giải quyết tình trạng rối loạn ăn uống, thúc đẩy giảm cân có chủ đích. Khái niệm mang tính cách mạng này thách thức các chuẩn mực xã hội về việc ăn kiêng và tiêu chuẩn hình thể truyền thống (càng gầy càng đẹp).

Chuyên gia dinh dưỡng Shana Spence, trung tâm Health and Mental Hygiene, sử dụng các nền tảng kiến thức của mình để định nghĩa lại "sức khỏe". Bà cho rằng cần gạt bỏ các tiêu chuẩn không thể đạt về ngoại hình, sức khỏe được ngành công nghiệp ăn kiêng tạo dựng. Tiến sĩ Kera Nyemb-Diop ủng hộ quan điểm này. Theo bà, người ăn kiêng nên tôn trọng cơ thể, ăn uống mà không có cảm giác tội lỗi, coi các di sản về ẩm thực như một phần không thể thiếu của lối sống lành mạnh.

Nhiều người mắc chứng rối loạn ăn uống chỉ tìm đến bác sĩ khi bệnh đã nghiêm trọng. Ảnh: Alamy

Nhiều người mắc chứng rối loạn ăn uống chỉ tìm đến bác sĩ khi bệnh đã nghiêm trọng. Ảnh: Alamy

Khái niệm "tự do ăn uống" bắt nguồn từ đâu?

Tự do ăn uống được coi như một phương pháp điều trị rối loạn ăn uống, phát triển từ nhu cầu trị bệnh mà không dùng thuốc. Phương pháp này nhấn mạnh vào thay đổi hành vi, chẳng hạn nhìn cơ thể với quan điểm tích cực và có thái độ ăn uống lành mạnh.

Nghiên cứu năm 2017 cho thấy ăn kiêng hà khắc đi kèm với cảm giác không hài lòng về cơ thể, theo đuổi tiêu chuẩn thân hình mảnh mai làm tăng nguy cơ phát triển rối loạn ăn uống như và rối loạn nôn mửa.Thậm chí, việc ăn kiêng ở những người gầy bẩm sinh cũng làm tăng nguy cơ phát triển chứng rối loạn ăn uống quá độ (anorexia nervosa).

Ăn kiêng cực đoan gây ra các vấn đề về tâm lý như rối loạn ăn uống. Ngược lại, tự do ăn uống như một phương pháp lâm sàng dựa trên chánh niệm, có thể giải quyết tình trạng ăn không điều độ, ăn theo cảm xúc. Nó cũng giúp mọi người tránh phản ứng với các tín hiệu bên ngoài như mùi thức ăn, khi không đói về mặt thể chất.

Tự do ăn uống, ăn uống trực quan và ăn uống có ý thức

Trong quá trình hướng dẫn mọi người cách ăn uống lành mạnh, các chuyên gia thường đề cập đến ba thuật ngữ: tự do ăn uống, ăn uống trực quan và ăn uống có ý thức. Dù có thể sử dụng thay thế, ba thuật ngữ này vẫn có sự khác biệt nhỏ.

Ăn uống có ý thức bắt nguồn từ thực hành chánh niệm của Phật giáo. Đây là một dạng thiền định dựa trên kết nối tâm - thân, thúc đẩy trạng thái nhận thức không phán xét. Việc ăn uống được thực hiện dựa trên các giác quan như thị giác, khứu giác, vị giác và cảm nhận trong bữa ăn.

Tương tự, ăn uống trực quan nuôi dưỡng kết nối tâm - thân, nhưng đặc biệt chú ý đến mối liên hệ giữa cân nặng và sức khỏe. Ăn uống trực quan dựa trên 10 nguyên tắc, trong đó quan trọng nhất là tôn trọng cơ thể, từ chối văn hóa ăn kiêng, giữ mối quan hệ tốt với thực phẩm và tôn vinh sức khỏe thông qua dinh dưỡng nhẹ nhàng.

Mô hình ăn uống trực quan tiêu biểu là Health at Every Size. Đây là lối sống khuyến khích ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất tự nguyện, bài trừ giảm cân bằng các hình thức ăn kiêng cực đoan.

Nghiên cứu năm 2006 của các chuyên gia tại Bộ Nông nghiệp Mỹ đã phân tích sức khỏe của 78 phụ nữ béo phì. Họ được chia thành hai nhóm.

Nhóm đầu tiên ăn uống theo chế độ nghiêm ngặt, đếm calo hàng ngày, giảm lượng thức ăn nạp vào và tập thể dục nhiều.

Nhóm thứ hai (nhóm Health at Every Size) được khuyến khích ăn khi đói, trân trọng cảm giác no, lựa chọn thực phẩm lành mạnh và tập môn thể thao họ ưa thích. Họ không được cung cấp "danh sách thực phẩm bị cấm ăn" như nhóm đầu, cũng không được yêu cầu tập thể dục theo chương trình bài bản để giảm cân. Nhóm này cũng được hướng dẫn xây dựng lòng tự trọng và cách tăng sự tự tin vào cơ thể.

Sau hai năm, hai nhóm đều có cân nặng gần như nhau. Phụ nữ trong nhóm đầu tiên giảm cân trong 6 tháng, sau đó tăng cân trở lại sau hai năm. Phụ nữ ở nhóm Health at Every Size có huyết áp ổn định, lượng cholesterol thấp hơn và hoạt động thể chất nhiều hơn.

Mẹo để theo đuổi tự do ăn uống

Tự do ăn uống là cách bảo vệ sức khỏe mà không cần ăn kiêng, từ đó giải phóng người thực hiện khỏi tiêu chuẩn về thân hình mảnh mai, văn hóa ăn kiêng độc hại và các hành vi quản lý cân nặng thiếu lành mạnh. Theo Healthline, để làm được điều đó, mọi người cần loại bỏ tư tưởng về "thực phẩm tốt" và "thực phẩm xấu". Thay vào đó, họ nên tập trung vào mục đích mà thực phẩm mang lại thời điểm ăn, như niềm vui, năng lượng và dinh dưỡng.

Tương tự, bạn nên loại bỏ ý tưởng về đạo đức từ thực phẩm, hiểu rằng bạn không phải là người xấu khi ăn một món ăn ngon miệng, lựa chọn về thực phẩm không khiến một người thấp kém hoặc cao sang hơn những người xung quanh.

"Cho phép bản thân thưởng thức các món ăn ngon miệng thường xuyên. Bằng cách này, bạn sẽ không cảm thấy mất kiểm soát khi gặp một số loại thực phẩm nhất định.Tập trung vào các thói quen thúc đẩy sức khỏe như uống đủ nước và tham gia vào hoạt động thể chất vui vẻ. Sức khỏe không chỉ là con số trên cân", tiến sĩ Kim Rose-Francis, chuyên gia dinh dưỡng của Healthline cho biết.

Thục Linh (Theo Healthline)