Trung Tâm đô thị mới Nhơn Trạch (Đồng Nai) sau hơn 30 năm hình thành vẫn “dậm chân tại chỗ”

Admin

Nếu Bình Dương vươn mình phát triển sau 27 năm thành lập thì trung tâm đô thị mới Nhơn Trạch (Đồng Nai) dù có vị trí tốt hơn nhưng vẫn “dậm chân tại chỗ” suốt 30 năm qua.

“Lép vế” suốt nhiều năm

Gần đây, khi đi thực tế tại Nhơn Trạch, và làm phép so sánh với Bình Dương, chúng tôi nhận thấy sự khác biệt giữa hai khu vực.

Năm 1994, huyện Nhơn Trạch được thành lập với diện tích khoảng 410 km2, gồm 11 đơn vị hành chính. Từ một vùng đất thuần nông nghèo khó, Nhơn Trạch đã từng bước phát triển định hình cho một đô thị mới. Tuy nhiên, sau 30 năm hình thành và phát triển, nơi đây vẫn chưa có nhiều sự đổi thay như kì vọng.

Trung Tâm đô thị mới Nhơn Trạch (Đồng Nai) sau hơn 30 năm hình thành vẫn “dậm chân tại chỗ”- Ảnh 1.

Có nhiều tiềm năng về hạ tầng, vị trí nhưng khu đô thị mới Nhơn Trạch suốt nhiều năm không có sự thay đổi như kì vọng.

Mới đây nhất, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 9/1/2023 của Ban TVTU về phát triển đô thị Nhơn Trạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.

Theo đó, giai đoạn đến năm 2025, huyện Nhơn Trạch phấn đấu đạt các tiêu chí đô thị loại III. Giai đoạn từ năm 2026-2030, phấn đấu nâng 7 xã Long Thọ, Phước Thiền, Long Tân, Phú Hội, Phú Thạnh, Phú Đông và Đại Phước lên phường. Thành lập TP.Nhơn Trạch, đầu tư để hoàn thành các tiêu chí cơ bản của đô thị loại II đến năm 2030. Giai đoạn từ năm 2030-2040, tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị đạt các tiêu chí đô thị loại I.

Kế hoạch đề ra nhưng sự chú trọng đầu tư chưa tương xứng khiến Nhơn Trạch nhiều năm “thụt lùi” so với các khu vực khác. Nếu làm phép so sánh, Nhơn Trạch là địa phương có nhiều lợi thế hơn so với Bình Dương ở cả vị trí lẫn tiềm năng về kinh tế - xã hội.

Nơi đây sát cạnh Tp.HCM, giáp ranh Bà Rịa – Vũng Tàu, sở hữu nhiều cảng biển, có hàng không quốc tế Long Thành và loạt khu công nghiệp quy mô lớn… phù hợp với phát triển du lịch sông nước; phát triển thị trường bất động sản gắn liền khu công nghiệp, sân bay.

Vùng đất này được đánh giá là có vị trí đắc địa, là cửa ngõ lưu thông kết nối khu Đông vào Tp.HCM qua Tp.Thủ Đức và kết nối Khu Nam qua Quận 7. Dẫu có nhiều tiềm năng phát triển song suốt những năm qua, Nhơn Trạch vẫn luẩn quẩn, chưa tạo sự đột phá. Bức tranh kinh tế -xã hội, thị trường bất động sản nơi đây vẫn “chậm một bước” so với các khu vực lân cận Tp.HCM.

Trung Tâm đô thị mới Nhơn Trạch (Đồng Nai) sau hơn 30 năm hình thành vẫn “dậm chân tại chỗ”- Ảnh 2.

Tại Nhơn Trạch, không hiếm gặp những khu đô thị bỏ hoang suốt nhiều năm.

Ở chiều ngược lại, người “anh em” sát cạnh là Bình Dương dù thành lập sau (năm 1997) nhưng lại đang vươn mình dẫn trước về các chỉ số. Đặc biệt, thành phố mới Bình Dương hình thành năm 2010, sau 14 năm phát triển đã “thay da đổi thịt” từng ngày. Từ vùng đất hoang sơ, đến nay Thành phố mới Bình Dương trở nên khang trang, hàng loạt dự án bất động sản, khu đô thị lớn – nhỏ được khởi công đồng bộ làm thay đổi diện mạo khu vực. Các tiện ích sống được chú trọng đầu tư bài bản đã thu hút được cư dân kéo về đây ở. Bình Dương cũng là tỉnh phía Nam thu hút được dân cơ học về sinh sống thuộc top cao nhất cả nước.

Trung Tâm đô thị mới Nhơn Trạch (Đồng Nai) sau hơn 30 năm hình thành vẫn “dậm chân tại chỗ”- Ảnh 3.

Trong khi người “anh em” Bình Dương hình “thay da đổi thịt” từng ngày.

Gần đây, Thành phố Mới Bình Dương liên tục động thổ các công trình trọng điểm tại trung tâm. Các dự án bất động sản cũng mọc lên, kéo được lượng đầu tư về mua - bán nhộn nhịp. Mới nhất là khởi công công trình vòng xoay lớn nhất Đông Nam Á tại Thành phố Mới Bình Dương. Đây được đánh giá là công trình điểm nhấn cho du khách khi tới tham quan Thành phố Mới.

Trung Tâm đô thị mới Nhơn Trạch (Đồng Nai) sau hơn 30 năm hình thành vẫn “dậm chân tại chỗ”- Ảnh 4.

Một góc Thành phố mới Bình Dương. Công trình vòng xoay lớn nhất Đông Nam Á được khởi công tại Thành phố Mới Bình Dương.

Suốt những năm qua, khác với đô thị mới Nhơn Trạch, Thành phố mới Bình Dương minh chứng cho sự phát triển vượt bậc trong kinh tế nhờ đầu tư hạ tầng kết nối đi trước một bước. Đây được xem là tỉnh đi đầu trong phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực phía Nam. Từ đó, trợ lực rất lớn cho thị trường bất động sản phát triển. Nhờ có những định hướng đúng đắn, và tầm nhìn chiến lược đã đưa tỉnh này đạt được những thành tựu to lớn về mặt kinh tế - xã hội.

Những tòa nhà xây dở dang, đứng hình tại Nhơn Trạch

Khu đô thị mới Nhơn Trạch có vị trí địa lý quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Đồng Nai, chỉ cách trung tâm Tp.HCM 30 km và nằm giữa vùng tam giác kinh tế gồm Tp.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu, khiến nơi đây trở thành cuộc đua của các dự án phát triển khu đô thị với hàng trăm dự án bất động sản. Để triển khai quy hoạch dự án Khu đô thị mới Nhơn Trạch, đã có 74 dự án lớn với gần 5.000 ha đất được giao cho các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, hơn 30 năm qua, nơi đây không khác gì “thành phố ma” với loạt dự án xây dở dang, đứng hình, tạo nên bức tranh bất động sản đìu hiu suốt nhiều năm.

Trung Tâm đô thị mới Nhơn Trạch (Đồng Nai) sau hơn 30 năm hình thành vẫn “dậm chân tại chỗ”- Ảnh 5.

Tại Nhơn Trạch có một số dự án được cấp phép dựng rồi lại đứng hình. Một số dự án chỉ dừng lại ở mặt chủ trương rồi lại không được triển khai.

Anh C, một người từng ở quận 7 (Tp.HCM) cho biết, do công ty chuyển về KCN Nhơn Trạch hoạt động nên từ năm 2018, anh phải chuyển về đây sinh sống để tiện làm việc từ năm 2018. “Suốt thời gian từ đó đến nay, nhiều lần tôi nghe nói Nhơn Trạch sắp xây cầu, làm đường… nên rất mừng vì sẽ thuận tiện cho gia đình tôi cũng như người dân nơi đây di chuyển đi các khu vực. Tuy nhiên, tất cả chỉ là thông tin trên giấy hoặc hô hào, mãi vẫn chưa thấy đầu tư hay làm gì…”, anh C chia sẻ.

Cùng tâm sự, Anh K chuyển cả gia đình từ Tp.Thủ Đức về Nhơn Trạch mua đất xây nhà từ năm 2015. Gần 10 năm, theo anh K khẳng định, Nhơn Trạch là vùng đất không chịu phát triển. Ngần ấy thời gian gia đình anh sinh sống tại đây, mọi sự thay đổi rất chậm về đường xá, hạ tầng. Một số khu đô thị mọc lên nhưng không có người về ở, các tuyến đường lổm chổm, không được đầu tư khang trang như các nơi khác.

“Mỗi năm tôi đều nghe huyện có kế hoạch nâng cấp lên thành phố nhưng mọi thứ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội vẫn không khác thời điểm trước bao nhiêu, tôi chưa thấy dấu hiệu của một thành phố đang chuyển mình”, anh K chia sẻ.

Ghi nhận cho thấy, những tòa nhà xây dang dở rồi đứng hình không hiếm gặp tại Nhơn Trạch.

Điển hình là Khu đô thị Long Thọ - Phước An do Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) làm chủ đầu tư, có diện tích 223 ha. Khu đô thị này được xây dựng với cơ sở hạ tầng đồng bộ hoàn chỉnh như đường giao thông, cấp thoát nước, điện, bưu chính viễn thông, cây xanh, phòng cháy chữa cháy, nhà máy cấp nước… Thế nhưng, đến nay, hàng chục căn biệt thự, nhà liên kế có giá tiền tỷ đã xây xong nhưng đang bỏ không cho cỏ mọc, cửa kính và tường đã bị hư hỏng.

Trung Tâm đô thị mới Nhơn Trạch (Đồng Nai) sau hơn 30 năm hình thành vẫn “dậm chân tại chỗ”- Ảnh 6.

Khu đất thuộc xã Phước An, Nhơn Trạch được Quy hoạch làm nhà ở Xã Hội do tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư đã bị bỏ hoang làm nơi trồng mì xuất bao nhiêu năm.

Trung Tâm đô thị mới Nhơn Trạch (Đồng Nai) sau hơn 30 năm hình thành vẫn “dậm chân tại chỗ”- Ảnh 7.

Hình ảnh thực tế hoang tàn tại dự án thuộc Trung Tâm Nhơn Trạch với tên gọi “Dự án nhà ở Thương Mại - Dịch Vụ Cao Cấp Thành Phố Nhơn Trạch" do công ty cổ phần Thái Dương và Công ty Cổ phần Đầu tư – Kinh doanh nhà Intresco làm chủ đầu tư.

Trung Tâm đô thị mới Nhơn Trạch (Đồng Nai) sau hơn 30 năm hình thành vẫn “dậm chân tại chỗ”- Ảnh 8.

Dãy shophouse tại dự án luôn trong tình trạng cửa kín then cài. Mặc dù đã bán hết nhưng theo ghi nhận cư dân chưa về ở được là do thiếu điện, thiếu nước, xung quanh chưa có tiện ích.

Trung Tâm đô thị mới Nhơn Trạch (Đồng Nai) sau hơn 30 năm hình thành vẫn “dậm chân tại chỗ”- Ảnh 9.

Trung Tâm đô thị mới Nhơn Trạch (Đồng Nai) sau hơn 30 năm hình thành vẫn “dậm chân tại chỗ”- Ảnh 10.

Tuyến đường bên trong dự án dù đã cấp sổ nhưng công ty chưa hoàn thiện điện nước, thậm chí chưa thảm nhựa bàn giao hạ tầng đường và vỉa hè cho cư dân, đã gây bức xúc cho cư dân thời gian qua.

Sát bên dự án này những căn nhà biệt thự thuộc công trình khu Dân cư 7,8ha xã Phú Hội do công ty Samco làm chủ đầu tư cũng rơi vào cảnh tương tự. Những ngôi nhà xây dang dở, không hoàn công được cho khách hàng, không hoàn thiện hạ tầng, điện nước... nhiều khách hàng muốn xây dựng nhà ở nhưng chưa đủ pháp lý để hoàn công khi xây xong.

Trung Tâm đô thị mới Nhơn Trạch (Đồng Nai) sau hơn 30 năm hình thành vẫn “dậm chân tại chỗ”- Ảnh 11.

Khách mua không thể ra sổ hồng riêng khiến mua ở cũng không được, bán cũng không xong.

Bên cạnh đó, công trình bệnh viện Đa khoa Nhơn Trạch là nơi khám chữa bệnh với khoảng hơn 4.000.000 người dân trên địa bàn, nhưng nhìn nhếch nhác và xuống cấp. Mặc dù dự án đã có chủ trương xây mới từ rất lâu nhưng mới chỉ là trên giấy. Hầu hết người dân Nhơn Trạch có nhu cầu khám chữa bệnh đều phải qua Tp.HCM hoặc khu vực Long thành, Biên Hoà khá xa sôi.

Trung Tâm đô thị mới Nhơn Trạch (Đồng Nai) sau hơn 30 năm hình thành vẫn “dậm chân tại chỗ”- Ảnh 12.

Mới đây, tại Nhơn Trạch một số dự án giao thông mang tính kết nối đang được triển khai như 25B, 25C, cao tốc Bến Lức Long Thành và vành đai 3 được kỳ vọng là những tuyến giao thông huyết mạch đưa Nhơn Trạch phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, những dự án giao thông trọng điểm kết nối ra khu vực trung tâm Nhơn Trạch vẫn rất im lìm, không có dấu hiệu của sự hồi sinh chuyển mình trong suốt nhiều năm.

Trung Tâm đô thị mới Nhơn Trạch (Đồng Nai) sau hơn 30 năm hình thành vẫn “dậm chân tại chỗ”- Ảnh 13.

Thiếu tiện ích sinh sống như: Khu vui chơi, Trung tâm Thương Mại, trường học, bệnh viện, công viên..... nên Nhơn Trạch dù là nơi có vị trí chiến lược lại khó thu hút cư dân về đây sinh sống.

Mặc dù tại Nhơn Trạch đã xuất hiện những khu đô thị được xây dựng quy mô nhưng lại thiếu đầu tư về mặt tiện ích nên hầu như khách mua đầu tư rồi bỏ hoang, rất khó khai thác cho thuê hoặc kéo được dân cư về đây sinh sống. Nhiều dự án hiện chỉ là những dãy nhà "phơi nắng mưa", và không có sự sống suốt hàng chục năm qua.

Việc loay hoay trong khâu quy hoạch, thiếu sự đầu tư bài bản là một trong những lý do khiến Nhơn Trạch mãi "dậm chân tại chỗ".  Để kinh tế - xã hội cũng như thị trường bất động sản nơi đây phát triển bền vững cần có sự quan tâm, hoạch định chiến lược rõ ràng và tầm nhìn dám nghĩ dám làm của ban ngành các cấp. Bởi lẽ, nếu không có sự bứt phá quyết liệt, thị trường bất động sản đây chỉ mãi được tô vẽ bởi hoạt động đầu cơ, khó lôi kéo được nhu cầu ở thực về sinh sống. Từ đó hình thành nên những khu đô thị ma, quỹ đất đẹp vẫn mãi hoang hoá, lãng phí nguồn lực đất đai.