Sau khi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc từ tháng 9/2022, sầu riêng Việt Nam nhanh chóng xâm nhập thị trường này. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) hầu hết chủng loại rau quả xuất khẩu của nước ta đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng tốt trong 4 tháng đầu năm 2023. Đặc biệt, giá trị xuất khẩu sầu riêng đạt 190,5 triệu USD, tăng đột biến 573,1% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm tới 84,5%.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn cũng đã làm thủ tục thông quan cho hơn 1.600 lô hàng sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, tương đương gần 60.000 tấn. Trong đó, riêng tháng 5/2023 đã đạt trên 17.500 tấn.
Điều này cũng được ghi nhận tại các cửa khẩu đường bộ của Trung Quốc, đặc biệt là Hữu Nghị Quan và Đông Hưng ở Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây.
Theo đánh giá của ông Nông Úy Bằng, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác xuyên biên giới thuộc Ban Quản lý Khu vực Sùng Tả của Khu Thương mại Tự do Thí điểm Quảng Tây Trung Quốc, nơi có cửa khẩu Hữu Nghị Quan, tình hình nhập khẩu sầu riêng Việt Nam năm nay tương đối khả quan.
“Theo thống kê, 95% sầu riêng nhập từ Việt Nam là qua cửa khẩu của chúng tôi. Với quy trình hẹn trước 24 giờ và dành riêng một số điểm kiểm tra chuyên dụng, chúng tôi có thể đảm bảo sầu riêng Việt Nam và các loại trái cây khác, như thanh long, dừa, nhãn, vải, dưa hấu được thông quan nhanh chóng” - ông Nông Úy Bằng nói.
Bà Trần Hiểu, Giám đốc Trung tâm dịch vụ cửa khẩu thành phố Đông Hưng, cũng có chung nhận xét: “Sầu riêng của Việt Nam mới được nhập khẩu qua cửa khẩu chúng tôi từ năm ngoái, chủ yếu ở cầu Bắc Luân 2, ngoài ra còn nhập qua chợ biên giới. Sầu riêng Thái Lan thì chỉ có thể qua cửa khẩu. Về lượng nhập khẩu, do mới nhập nên hiện nay tương đương với Thái Lan. Tuy nhiên, với xu thế này, tại Đông Hưng, sầu riêng Việt Nam có thể vượt Thái Lan, do nhu cầu trong nước tương đối lớn”.
Ngoài đường bộ, sầu riêng Việt còn được nhập vào Trung Quốc qua đường sắt và đường biển, dù số lượng khiêm tốn.
Theo anh Hoàng Văn Hàn, cán bộ Phòng kinh doanh Bằng Tường thuộc Trung tâm vận chuyển hàng hóa Nam Ninh của Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc chi nhánh Nam Ninh, thời kỳ đầu mới xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, lượng sầu riêng của Việt Nam và Thái Lan là tương đương, mỗi nước chiếm khoảng 50%. Tuy nhiên, nay con số này đã giảm đáng kể.
“Hiện tại, trái cây nhập khẩu qua cửa khẩu đường sắt Bằng Tường chủ yếu là từ Thái Lan với hơn 90%, chỉ có khoảng 5% từ Việt Nam” - anh Hoàng Văn Hàn nói.
Chị Lương Lệ Thủy, Trưởng nhóm kinh doanh của Công ty TNHH Cảng Container Quốc tế Vịnh Bắc Bộ Quảng Tây, cũng cho biết kể từ khi cảng Khâm Châu được phê duyệt đủ điều kiện nhập khẩu trái cây vào năm 2017, các loại hoa quả nhập khẩu qua đây đã từ một vài loại nâng lên thành nhiều loại, gồm cả sầu riêng, mít, thanh long…
“Cảng Khâm Châu chúng tôi đã thiết lập một tuyến vận tải nhanh dành riêng cho trái cây, hiệu quả thông quan tổng thể rất cao, về cơ bản thực hiện được kiểm tra và thông quan trong cùng một ngày. Hiện tại, tuyến tàu biển trái cây từ thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam đến cảng Khâm Châu có hai chuyến một tuần” - chị Lương Lệ Thủy nói.
Được mệnh danh là loại trái cây vua ở Trung Quốc. Dù đã thu hoạch được một lượng nhỏ tầm 50 tấn ở đảo Hải Nam trong tháng 6 và đang trồng hàng loạt ở Quảng Tây, Hải Nam… song Trung Quốc vẫn xem xét tiếp tục mở rộng thị trường nhập khẩu sang cả Philippines, Campuchia và có thể cả Indonesia trong tương lai.
Trước nhu cầu nhập khẩu sầu riêng tươi hiện vẫn khá lớn, theo tiết lộ của ông Lưu Nghiệp Khoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển thành phố Sùng Tả, Trung Quốc đang tập trung xây dựng một khu kho lạnh kết hợp chế biến tại đây, nơi chỉ cách biên giới với Việt Nam gần 100km.
Ông nhấn mạnh, thương mại hoa quả, đặc biệt là sầu riêng, là một mảng rất quan trọng trong các loại hàng hóa xuất nhập khẩu của Sùng Tả: “Để tăng thương mại xuất nhập khẩu trái cây, thành phố Bằng Tường thuộc Sùng Tả đang xây dựng một khu công nghiệp hậu cần. Trong đó, chúng tôi sẽ thiết lập một số cơ sở chuỗi lạnh, kho chứa, bán buôn bán lẻ. Ngoài cơ sở này, còn có các khu chế biến để nâng cao giá trị và chất lượng đầu ra”.
Theo quan chức này, đầu tư trong giai đoạn I cho cơ sở này sẽ vào khoảng 1,8 tỷ nhân dân tệ (254 triệu USD) và thời điểm đưa vào sử dụng dự kiến là khoảng năm 2025. Hiện chính quyền Sùng Tả và Quảng Tây đang cùng phía Việt Nam bàn bạc cùng nhau phát triển cơ sở này.
Với kỳ vọng tiêu thụ sầu riêng sẽ tiếp tục tăng, các quan chức địa phương và thương nhân Trung Quốc cho biết, các cải tiến trong phương thức vận tải và thông quan hàng hóa sẽ cho phép sầu riêng Việt Nam đến tất cả các vùng ở nước này trong vòng từ một đến ba ngày.