Trợ lực đã có, người trẻ vẫn "đuối sức" với nhà ở

Admin

Dù nhu cầu mua nhà cao, người trẻ vẫn e ngại vay do giá nhà đắt, lãi suất chưa hấp dẫn và thu nhập không đủ đáp ứng việc tất toán khoản vay.

Trong bối cảnh giá nhà tăng nhanh và vượt xa tốc độ tăng thu nhập, việc sở hữu nhà ở – đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội, Tp.HCM... đang trở thành một thách thức lớn với nhiều người trẻ. Để hỗ trợ nhóm đối tượng này, Nhà nước và các tổ chức tín dụng đã triển khai nhiều chính sách và gói vay ưu đãi. 

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: những trợ lực hiện tại liệu đã đủ để giúp người trẻ an cư?

Chính sách hỗ trợ từ Nhà nước và ngân hàng

Năm 2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 33/NQ-CP về phát triển thị trường bất động sản, triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng (sau đó mở rộng lên 145.000 tỷ đồng) nhằm hỗ trợ chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà công nhân và cải tạo chung cư cũ. Gói vay này có lãi suất thấp hơn từ 1–2% so với lãi vay thương mại cùng kỳ hạn tại các ngân hàng tham gia chương trình.

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, từ 1/7/2023 đến hết 31/12/2025, lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội là 5,9%/năm trong 5 năm đầu. Người dưới 35 tuổi cũng được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi, góp phần mở rộng cơ hội tiếp cận vốn cho nhóm người trẻ.

Dù vậy, tiến độ giải ngân của gói hỗ trợ này còn chậm. Tính đến giữa năm 2025, tổng vốn giải ngân mới đạt khoảng 3.800 tỷ đồng, tương đương 2 – 3% tổng gói. Nguyên nhân chính là nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế và thủ tục vay vốn vẫn khá phức tạp.

Bên cạnh các chính sách từ Nhà nước, nhiều ngân hàng thương mại cũng tung ra các gói vay ưu đãi dành cho người mua nhà lần đầu. 

Người trẻ mua nhà - Bài 2: Trợ lực đã có, người trẻ vẫn "đuối sức" với nhà ở - Ảnh 1.

Nhiều ngân hàng đồng loạt tung ra các gói vay hỗ trợ người trẻ mua nhà.

Chẳng hạn, Vietcombank có gói "Nhà mới thành đạt" với lãi suất từ 5,2%/năm, thời hạn vay lên đến 40 năm, ân hạn gốc 5 năm; SHB ưu đãi từ 3,99%/năm, thời hạn vay 35 năm, hỗ trợ đến 90% giá trị căn nhà...

Một số ngân hàng khác như TPBank, SeABank, BIDV, VietinBank... cũng có các gói vay với lãi suất thấp trong thời gian đầu, kèm theo ưu đãi về ân hạn gốc và phí trả nợ trước hạn.

Tuy nhiên, mức lãi suất sau thời gian ưu đãi thường dao động từ 8% đến 11%/năm, tùy ngân hàng và điều kiện cụ thể. Điều này khiến áp lực trả nợ về trung và dài hạn là vấn đề đáng cân nhắc, đặc biệt với người trẻ có thu nhập chưa cao và ổn định.

Người trẻ vẫn gặp nhiều rào cản

Dù các gói vay được triển khai ngày càng đa dạng và linh hoạt, nhưng thực tế cho thấy việc tiếp cận nhà ở vẫn là bài toán khó đối với người trẻ. Nguồn cung nhà ở xã hội và nhà giá rẻ hiện chưa đáp ứng được nhu cầu.

Theo Bộ Xây dựng, đến giữa năm 2025, các dự án nhà ở xã hội mới chỉ đáp ứng khoảng 25% nhu cầu thực tế trên cả nước.

Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Cao Thị Thanh Hương - Quản lý cấp cao Dịch vụ Tư vấn và Nghiên cứu Savills Tp.HCM người trẻ hiện nay gặp rất nhiều rào cản trong việc tiếp cận nhà ở, đặc biệt tại các đô thị lớn như Tp.HCM. 

Người trẻ mua nhà - Bài 2: Trợ lực đã có, người trẻ vẫn "đuối sức" với nhà ở - Ảnh 2.

Đánh giá về các chính sách hỗ trợ hiện hành, bà Cao Thị Thanh Hương - đại diện Savills Việt Nam cho rằng các trợ lực cho người trẻ đến từ Nhà nước và thị trường hiện nay vẫn chưa đủ mạnh để tạo ra chuyển biến rõ rệt.

Thứ nhất, giá nhà sơ cấp liên tục tăng cao, hiện trung bình khoảng 90 triệu đồng/m2 tại Tp.HCM, trong khi thu nhập phổ biến của người trẻ chỉ ở mức 10 – 20 triệu đồng/tháng. Với mức tích lũy hạn chế, việc mua nhà gần như không khả thi nếu không có hỗ trợ từ gia đình hoặc các gói vay ưu đãi. 

Thứ hai, nguồn cung sản phẩm phù hợp cũng rất hạn chế. Phân khúc nhà dưới 2–3 tỷ đồng vốn phù hợp với khả năng chi trả của người trẻ chỉ chiếm dưới 20% tổng nguồn cung sơ cấp và chủ yếu nằm ở khu vực ngoại ô. Nhà ở xã hội là một giải pháp được đặt nhiều kỳ vọng lại triển khai chậm do vướng thủ tục pháp lý, thiếu quỹ đất và vốn đầu tư. 

Thứ ba, tín dụng dù có ưu đãi nhưng lãi suất chỉ hấp dẫn trong thời gian ngắn, sau đó điều chỉnh tăng khiến rủi ro tài chính vẫn cao. Nhiều ngân hàng đã có các gói vay riêng cho người dưới 35 tuổi, nhưng cần đồng bộ và linh hoạt hơn để thực sự phát huy hiệu quả. 

Ngoài ra, các mô hình như thuê dài hạn hoặc thuê mua vốn có thể giúp người trẻ giảm gánh nặng tài chính hiện vẫn chưa phổ biến. 

Việc hạ tầng giao thông công cộng chậm hoàn thiện cũng khiến các khu dân cư mới khó thu hút người dân, ảnh hưởng đến việc giãn dân và phát triển đô thị vệ tinh.

Đánh giá về các chính sách hỗ trợ hiện hành, bà Hương cho rằng các trợ lực từ Nhà nước và thị trường hiện nay vẫn chưa đủ mạnh để tạo ra chuyển biến rõ rệt. 

"Giá nhà và lãi suất vay vẫn ở mức cao, trong khi thủ tục tiếp cận các gói vay ưu đãi của Nhà nước còn phức tạp, khiến tỉ lệ giải ngân thấp. Mặt khác, thủ tục hành chính trong phê duyệt dự án, cấp phép xây dựng, giải ngân vốn thường kéo dài nhiều năm, làm tăng chi phí đầu tư và đẩy giá nhà thương mại lên cao", bà Hương phân tích.

Đối với nhà ở xã hội, nhiều doanh nghiệp không mặn mà tham gia do lợi nhuận bị giới hạn ở mức 10%, chi phí đầu vào cao, thiếu hỗ trợ từ địa phương, trong khi các quỹ đất thường nằm ở vị trí xa trung tâm, ít thu hút người dân.

Người trẻ dưới 35 tuổi mua NOXH sẽ được vay với lãi suất 5,9%/năm từ 1/7Người trẻ dễ dàng hiện thực giấc mơ an cư tại The FelixNhững “trợ lực” cần thiết để người trẻ hiện thực hóa giấc mơ an cư

Từ phía thị trường, một số chủ đầu tư lớn với tiềm lực tài chính mạnh đã đưa ra nhiều chính sách bán hàng linh hoạt trong 3 năm qua nhằm hỗ trợ người mua, trong đó có người trẻ. 

Các chương trình như thanh toán trước 30%–50% giá trị hợp đồng để nhận nhà (với dự án đã hoàn thiện), kéo dài lịch thanh toán đến 5 năm cho dự án hình thành trong tương lai, tặng phí quản lý, hoặc hỗ trợ lãi suất vay là những mô hình được đánh giá tích cực. 

Tuy vậy, theo bà Hương để tạo chuyển biến thực sự, các chính sách cần được triển khai rộng rãi, nhất quán và có sự đồng hành từ các bên như Nhà nước, ngân hàng và chủ đầu tư.

Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia mặt bằng giá neo cao đang khiến người dân ngần ngại vay mua nhà, ảnh hưởng đến sức mua chung của thị trường. 

Theo vị chuyên gia, tính đến cuối năm 2024, tăng trưởng tín dụng cho các doanh nghiệp đầu tư địa ốc đạt 18%, trong khi tín dụng cho cá nhân vay mua nhà chỉ đạt 6,5%. Điều này phản ánh tâm lý e ngại vay vốn của người dân khi thu nhập chưa đủ để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ trong dài hạn.

Các chính sách hỗ trợ người trẻ mua nhà hiện nay đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt ở khía cạnh lãi suất ưu đãi, thời gian vay linh hoạt và mở rộng nhóm đối tượng. 

Tuy nhiên, những trở ngại lớn như mức giá nhà quá cao, thu nhập chưa theo kịp, nguồn cung hạn chế và thủ tục hành chính rườm rà vẫn đang là những rào cản đáng kể. Để người trẻ thực sự có thể an cư, cần một hệ sinh thái hỗ trợ đồng bộ hơn, từ chính sách đất đai, quy hoạch đô thị, đến nguồn vốn và phát triển nguồn cung nhà phù hợp.