Triệu chứng ung thư thực quản kín đáo, khó phát hiện

Admin

Ung thư thực quản thường được phát hiện ở giai đoạn tiến triển, khối u to, không thể phẫu thuật, để lại nhiều hệ lụy cho người mắc.

Thông tin được PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện K, cho biết tại hội thảo khoa học Những tiến bộ của phẫu thuật xâm lấn tối thiểu trong điều trị ung thư thực quản, ngày 30/10 tại Hà Nội. Đây là dịp các chuyên gia trong nước và quốc tế trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn về phẫu thuật ung thư thực quản.

Thực quản là phần trên của ống tiêu hóa, giúp chuyển thức ăn từ miệng xuống dạ dày. Ung thư thực quản là khối u ác tính được hình thành từ niêm mạc thực quản. Khi phát triển, khối u sẽ xâm lấn vào các cấu trúc xung quanh và di căn.

Theo Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) năm 2022, Việt Nam có hơn 3.600 người mắc mới và 3.400 người chết vì bệnh này. Ung thư thực quản đứng thứ 5 trong các loại ung thư tiêu hóa, sau ung thư dạ dày, đại tràng, trực tràng và gan. Khoảng 70% bệnh nhân đến viện khi đã ở giai đoạn muộn, khối u thực quản xâm lấn xung quanh hoặc di căn xa.

"Dấu hiệu sớm ung thư thực quản rất nghèo nàn, kín đáo, khi người bệnh khó nuốt, nuốt đau thì bệnh đã ở giai đoạn tiến triển", PGS Bình nói, thêm rằng các yếu tố nguy cơ cao gây bệnh là thuốc lá, rượu bia. Những người bị trào ngược dạ dày lâu ngày, người béo phì hoặc uống phải các chất độc hại.

Các bác sĩ Bệnh viện K sử dụng robot phẫu thuật ung thư thực quản. Ảnh: Hà Trần

Các bác sĩ Bệnh viện K sử dụng robot phẫu thuật ung thư thực quản. Ảnh: Hà Trần

Điều trị ung thư thực quản hiện nay là phối hợp phẫu thuật, hóa, xạ trị, miễn dịch, điều trị đích. Trong đó, điều trị ngoại khoa vẫn đóng vai trò quan trọng nhất, mang tính chất triệt căn. Song, cách này gặp khó do hầu hết bệnh nhân đến ở giai đoạn tiến triển, khối u to, di căn. Khi đó, bác sĩ không thể phẫu thuật, buộc hóa, xạ trị.

Còn ở giai đoạn sớm, khối u chỉ khu trú ở lớp niêm mạc, bác sĩ chỉ cần cắt hớt niêm mạc qua nội soi ống mềm. Tỷ lệ sống có thể đạt đến 90% sống trên 5 năm với chẩn đoán sớm.

Nội soi đường tiêu hóa là phương pháp để phát hiện những tổn thương của bệnh giai đoạn sớm. Nếu phát hiện các tổn thương sùi loét trong thực quản, bác sĩ sẽ sinh thiết, từ đó đưa hướng xử trí.

Như trường hợp người đàn ông 42 tuổi quê Hải Dương, tình cờ phát hiện bệnh khi khám định kỳ dù không có triệu chứng bệnh. Qua nội soi thực quản – dạ dày, bác sĩ phát hiện tổn thương sớm, kết quả giải phẫu bệnh ung thư biểu mô vảy, chỉ định phẫu thuật. Sáng 30/10, các bác sĩ Bệnh viện K đã sử dụng robot phẫu thuật thành công cho bệnh nhân này.

"Phẫu thuật nội soi bằng robot có nhiều ưu điểm vượt trội so với mổ nội soi thông thường như xâm lấn tối thiểu, bảo vệ tối đa tổ chức mô lành xung quanh, kiểm soát mất máu trong mổ tốt, bệnh nhân phục hồi nhanh chóng ngay sau mổ", PGS Bình nói.

PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện K, chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Lê Nga

PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện K, chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Lê Nga

Bác sĩ khuyến cáo việc phát hiện sớm rất quan trọng trong điều trị ung thư thực quản. Khi có các dấu hiệu như nghẹn khi ăn, khó nuốt, đau ngực, khàn tiếng, sụt cân nên đến cơ sở y tế để khám, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Nếu có bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản cần điều trị triệt để. Người có yếu tố gia đình mắc bệnh, hay có các yếu tố nguy cơ cao như hút thuốc lá, uống rượu, béo phì,... nên tầm soát bệnh sớm.

Lê Nga