Ngày 13/2, Công an tỉnh Hà Tĩnh thông tin, đơn vị vừa phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công an, Cơ quan đại diện Bộ Công an tại Campuchia, Công an tỉnh Tây Ninh, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Mộc Bài bắt giữ 30 đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Thủ đô Phnom Penh (Campuchia).
Đồng thời, đơn vị phối hợp lực lượng Cảnh sát Philippines và Đồn Công an Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài, bắt giữ thêm 26 đối tượng khi các đối tượng nhập cảnh vào Việt Nam.
Đây là đường dây lừa đảo dưới hình thức đầu tư tiền điện tử Bitcoin (BTC) trên ứng dụng UNISAT và lừa đảo làm nhiệm vụ TikTok, hoạt động tinh vi, xuyên quốc gia, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho nhiều nạn nhân.
Kết quả điều tra cho thấy, từ cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, nhiều công dân Việt Nam đã sang Philippines làm việc cho tổ chức lừa đảo do người Trung Quốc cầm đầu tại Thủ đô Manila (Philippines). Nhóm này tổ chức các văn phòng lừa đảo chuyên nghiệp, phân chia thành nhiều bộ phận với quản lý, tổ trưởng, nhân viên và đội kỹ thuật hậu thuẫn. Các đối tượng liên tục thay đổi nơi làm việc và chỗ ở để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Tang vật vụ án. (Ảnh: Công an Hà Tĩnh)
Để thực hiện hành vi lừa đảo, nhóm này lập các tài khoản Facebook ảo, giả danh doanh nhân thành đạt, khoe hình ảnh về sự giàu có để tạo lòng tin với nạn nhân.
Sau khi làm quen, các đối tượng dụ dỗ bị hại tải ứng dụng "UNISAT", tham gia đầu tư đồng tiền điện tử Bitcoin với mức tối thiểu 8 triệu đồng để hưởng lợi nhuận cao trong thời gian ngắn.
Để lấy lòng tin của nạn nhân, bị hại ban đầu được phép rút cả gốc lẫn lãi, nhưng khi đầu tư số tiền lớn hơn, các đối tượng viện lý do lỗi hệ thống, tiền thuế, phí bảo hiểm… để yêu cầu nộp thêm tiền, sau đó chặn liên lạc và chiếm đoạt toàn bộ số tiền bị hại đã nộp.
Các đối tượng được phân công nhiệm vụ rõ ràng, từ lập tài khoản Facebook, nuôi dưỡng hình ảnh lừa đảo, điều phối hoạt động nạp, rút tiền.
Khi có người mới tham gia, tổ trưởng sẽ cung cấp kịch bản lừa đảo, hướng dẫn cách tương tác với bị hại. Với những cách thức hoạt động tinh vi, chuyên nghiệp, tổ chức này đã lừa đảo hàng nghìn bị hại là người Việt Nam, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.
Theo tài liệu, chứng cứ điều tra, trong số các đối tượng cầm đầu có Nguyễn Thế Anh (sinh năm 1996, trú tại tỉnh Yên Bái) tham gia tổ chức lừa đảo tại Philippines từ tháng 4/2023.
Nguyễn Thế Anh giữ vai trò quản lý, điều hành toàn bộ hoạt động lừa đảo của hơn 80 người Việt Nam dưới sự chỉ đạo của chủ người Trung Quốc. Đối tượng trực tiếp quản lý các tổ trưởng, hướng dẫn nhân viên thực hiện hành vi lừa đảo, cấp máy tính, điện thoại, tài khoản Facebook ảo cho các tổ lừa đảo sử dụng.
Ngoài ra, hệ thống còn có các đối tượng như: Nguyễn Văn Đồng (sinh năm 2000, trú tại thôn Nhân Lý, xã Trường Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang), Nguyễn Quang Phương (sinh năm 1995, trú tại Bắc Giang) trong vỏ bọc "doanh nhân thành đạt" trên mạng xã hội Facebook…

Lực lượng chức năng các nước phối hợp bắt giữ các đối tượng lừa đảo. (Ảnh: Công an Hà Tĩnh)
Các đối tượng thường dụ dỗ nạn nhân đầu tư số tiền nhỏ và cho phép rút lợi nhuận đến 30% để tạo sự tin tưởng. Khi nạn nhân tiếp tục rót tiền vào hệ thống, đường dây lừa đảo sẽ đưa họ vào danh sách theo dõi diễn biến tâm lý.
Nếu nạn nhân có dấu hiệu nghi ngờ hoặc không còn khả năng đầu tư, tổ chức lừa đảo này sẽ tiến hành "giết khách" như chặn liên lạc, khóa tài khoản giao dịch, chiếm đoạt toàn bộ số tiền của nạn nhân rồi biến mất.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long, Ban Giám đốc Công an Hà Tĩnh đã xây dựng phương án chi tiết, huy động tổng lực, phối hợp chặt chẽ với cảnh sát Campuchia, cảnh sát Philippines, cơ quan đại diện Bộ Công an tại Campuchia, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Mộc Bài, Đồn An ninh sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tây Ninh và nhiều đơn vị nghiệp vụ khác. Các mũi trinh sát đồng loạt áp sát, triển khai phương án đánh úp từ nhiều hướng.
Tại Phnom Penh, lực lượng chức năng bất ngờ ập vào nơi trú ẩn của các đối tượng, khống chế, bắt giữ 30 nghi phạm khi chúng còn chưa kịp trở tay.
Cùng thời điểm, tại các sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài, những tổ công tác bí mật chốt chặn, nhanh chóng khống chế thêm 26 đối tượng vừa từ Philippines đặt chân về nước trước khi sang Campuchia. Chiến dịch được triển khai chính xác, đồng bộ, khóa chặt toàn bộ đường lui của các đối tượng trong đường dây.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố 50 bị can về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" liên quan đến hình thức đầu tư tiền điện tử Bitcoin và lừa đảo làm nhiệm vụ TikTok.
Công an tỉnh Hà Tĩnh đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án.