Trí tuệ nhân tạo và nỗi lo thao túng

Admin

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ đe dọa công việc của nhiều ngành nghề mà còn khiến những người dùng Internet có nguy cơ bị thao túng hình ảnh theo những cách khác nhau.

 Ngược với những mặt tích cực, AI, nếu rơi vào tay kẻ xấu có thể bị đánh cắp hình ảnh từ tài khoản mạng xã hội của cá nhân và biến chúng thành những thứ liên quan không mong muốn. Thí dụ, các trang web khiêu dâm có thể sử dụng hình ảnh của các cá nhân mà không cần sự đồng ý. 

Trí tuệ nhân tạo và nỗi lo thao túng - Ảnh 1.

AI tạo sinh ngày càng thu hút sự chú ý của thế giới. Ảnh: Getty.

Đó là cảnh báo của TS Hadi Salman - Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) khi chia sẻ: “Chúng ta đang ở trong thời đại của deepfake. Giờ đây, bất kỳ ai cũng có thể thao túng hình ảnh và video để khiến mọi người làm điều gì đó mà thực ra họ không làm”.

Deepfake được hiểu là một kỹ thuật tổng hợp hình ảnh, âm thanh hoặc video để tạo ra những nội dung giả mạo.

Bà Eveline Frohlich, sống ở Stuttgart (Đức), là một trong số những nghệ sĩ đang làm hết sức mình chống lại sự xâm phạm quá mức của AI. Tuy nhiên, những nỗ lực ấy đã không đủ để bảo vệ những đứa con tinh thần của bà trên không gian mạng.

Anh Jon Lam, nghệ sĩ thị giác ở California (Mỹ), cho biết để giúp bảo vệ tác phẩm nghệ thuật trực tuyến của mình khỏi bị sử dụng anh phải sử dụng nhiều ứng dụng cho tất cả các tác phẩm nghệ thuật khi chia sẻ lên mạng. Trong khi đó, bà Shira Perlmutter - Giám đốc Phòng đăng ký bản quyền Mỹ (USCO) cho rằng nếu các yếu tố truyền thống về quyền tác giả của một tác phẩm được tạo ra bởi một cỗ máy, thì tác phẩm đó không có quyền tác giả của con người.

Còn TS Geoffrey Hinton - người được biết đến với biệt danh “bố già AI” cho rằng nguy cơ của AI còn khẩn cấp hơn biến đổi khí hậu.

Bên cạnh “nỗi lo thao túng” thì ngược lại, AI cũng đã nhận được nhiều sự ủng hộ của các chính phủ cũng như các tập đoàn công nghệ. Lý do là không việc gì phải sợ hãi trước AI vì chúng là sản phẩm của con người tạo ra nên con người có thể tận dụng cũng như khống chế được chúng.

“Vài tháng trước, chúng ta đã run rẩy trước ChatGPT, nhưng nay mọi người đang quen dần với nó. Có sao đâu khi nó đang làm giảm bớt sự nhọc nhằn của chúng ta” - M.Refey, chuyên gia công nghệ đến từ Chicago (Mỹ) nói.

Thực ra thì cuộc sống luôn đặt ra nhiều thử thách mà mỗi người phải đối diện và vượt qua. Như người ta thường nói nếu chỉ đứng trên bờ mà không xuống nước thì không bao giờ biết bơi. Với công nghệ cũng vậy, sợ bị thao túng thì tốt hơn cả là phải tìm hiểu để rồi tiến tới làm chủ nó.