Chiều nay (16/6), đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn làm Trưởng đoàn làm việc với Sở GD&ĐT Hà Nội về công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết chỉ còn hơn một tuần nữa kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ diễn ra trên phạm vi cả nước.
Mỗi năm, chúng ta có nhiều kỳ thi, nhưng kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông có quy mô lớn nhất, phạm vi toàn quốc, được xã hội đặc biệt quan tâm, kết quả thi được sử dụng cho nhiều mục đích, với số lượng hơn 1 triệu thí sinh dự thi.
Vì tính thống nhất cao trên phạm vi toàn quốc nên công tác chuẩn bị cho kỳ thi này có nhiều việc phải làm. Bộ cũng đã có những chỉ đạo cụ thể, Ban Chỉ đạo quốc gia cũng đã có cuộc họp trao đổi với ban chỉ đạo các tỉnh, thành phố trên cả nước về công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp.
Với Hà Nội, một thành phố có nhiều điểm đặc thù, cần có sự quan tâm đặc biệt, nên Bộ GD&ĐT muốn lắng nghe những chia sẻ của ban chỉ đạo thi của thành phố.
Hà Nội có số lượng thí sinh dự thi đông, đến hơn 1/10 số lượng thí sinh trên cả nước, địa bàn thành phố rộng, số lượng quận, huyện nhiều, dân số đông, giao thông phức tạp, yêu cầu với Thủ đô là cần có sự mẫu mực nên công tác chuẩn bị luôn được quan tâm.
Cùng với đó, Hà Nội là địa phương có thí sinh thuộc đối tượng miễn thi môn Tiếng Anh lớn, Bộ trưởng nhấn mạnh, Sở GD&ĐT cần phổ biến để thí sinh và phụ huynh nắm được các chính sách mới, trong đó có văn bản bổ sung về việc sử dụng chứng chỉ để miễn thi môn ngoại ngữ, tránh tâm lý lo lắng cho thí sinh, phụ huynh.
Bên cạnh đó, Hà Nội cần tiếp tục rà soát việc chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, sát sao với bộ phận coi thi, in sao đề và chấm bài trắc nghiệm để tránh rủi ro đến từ những yếu tố kỹ thuật.
Bộ trưởng cũng phân tích về các nội dung, phần việc quan trọng như phòng chống gian lận thi cử công nghệ cao, điều tiết giao thông, phòng chống cháy nổ và những tình huống thời tiết bất thường (nắng nóng, mưa lớn, ngập úng....).
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết toàn thành phố có 102.095 lượt thí sinh đăng ký dự thi.
Thành phố dự kiến bố trí 4.263 phòng thi, trong đó có 176 phòng thi ghép; số phòng chờ là 170 phòng, số phòng thi dự phòng là 378 phòng. Bố trí 189 Điểm thi trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã.
Sở GD&ĐTT Hà Nội đánh giá, phương thức tổ chức kỳ thi năm nay ổn định, không gây xáo trộn trong quá trình tổ chức dạy học, ôn tập và các phương án tổ chức thi của địa phương. Quy chế ban hành kịp thời giúp cho các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch triển khai.
Tuy nhiên, do thời gian tổ chức nhiều khâu của kỳ thi trùng với các kỳ thi, tuyển sinh của địa phương do kế hoạch các kỳ thi, tuyển sinh của địa phương đã được xây dựng và thông tin với nhân dân từ đầu năm học.
Công văn 2472 hướng dẫn "bảo đảm các vật dụng mang vào phòng thi (bao gồm cả các vật dụng thiết yếu liên quan đến việc bảo đảm sức khỏe bản thân) phải không chứa thông tin phục vụ mục đích gian lận thi cử và không có các tính năng lưu giữ, thu phát, truyền, nhận thông tin, hình ảnh dưới mọi hình thức" gây khó khăn trong công tác coi thi khi cán bộ coi thi không có đủ năng lực phát hiện các thiết bị gia lận công nghệ cao.
Việc không quy định danh mục máy tính cầm tay được phép mang vào phòng thi gây khó khăn cho cán bộ coi thi khi kiểm soát vật dụng thí sinh mang vào phòng thi.
Với đặc thù là địa phương có quy mô kỳ thi tốt nghiệp THPT lớn nhất cả nước, lại tổ chức nhiều kỳ thi trong khoảng thời gian rất ngắn, lực lượng mỏng nên Hà Nội đề xuất Bộ GD&ĐT quy định thời gian tổ chức kỳ thi ngay trong khung kế hoạch thời gian của năm học, công bố từ đầu năm học để các địa phương được chủ động trong xây dựng kế hoạch năm học, nhất là kỳ thi, tuyển sinh của địa phương.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT có hướng dẫn cụ thể hơn về “các vật dụng thiết yếu liên quan đến việc bảo đảm sức khỏe bản thân" cho phép thí sinh mang vào phòng thi, có hướng dẫn danh mục máy tính cầm tay được mang vào phòng thi.