Ngày 12/6/2023, CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố Top 10 Công ty Công nghệ thông tin – viễn thông uy tín năm 2023. Căn cứ xếp hạng dựa trên kết quả đánh giá năng lực tài chính doanh nghiệp, đánh giá uy tín doanh nghiệp trên truyền thông bằng phương pháp Media Coding, khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện trong tháng 5-6/2023.
Theo đó, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel tiếp tục giữ vững ngôi đầu bảng. 2 vị trí tiếp theo cũng công thay đổi so với bảng xếp hạng năm 2022, lần lượt là Tập đoàn FPT và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT.
Nhìn chung, Top 10 năm nay không có nhiều thay đổi so với năm ngoái, chỉ khác thứ tự của một số doanh nghiệp, chẳng hạn như Vinaphone tụt từ vị trí thứ 4 xuống thứ 6, sau MobiFone và CMC Corp. Ngoài ra, CTCP Viễn thông Hà Nội (Hanoi Telecom) không còn trong Top 10, thay vào đó là CTCP Công nghệ Tiên Phát (Tpcoms).
Bên cạnh danh sách trên, Vietnam Report còn đưa ra Top 10 Công ty Công nghệ cung cấp Dịch vụ, giải pháp phần mềm & Tích hợp hệ thống uy tín năm 2023, với 2 cái tên dẫn đầu đều thuộc Tập đoàn FPT là FPT Software và FPT IS.
Triển vọng và thách thức với ngành CNTT Việt Nam
Trong bối cảnh xuất hiện nhiều thách thức mới nổi và chuyển biến bất ngờ trên các khía cạnh kinh tế vĩ mô toàn cầu, ngành Công nghệ thông tin – Viễn thông (CNTT – VT) vẫn là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu lĩnh vực công nghiệp CNTT năm 2022 ước đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng 8,7%; trong khi số lượng doanh nghiệp công nghệ số đăng ký năm 2022 là khoảng 70.000 doanh nghiệp, tăng 9,5% so với 2021.
Năm qua còn đánh dấu mốc Việt Nam có tên trong danh sách số ít quốc gia sản xuất được chip trên thế giới, đồng thời ra mắt hệ sinh thái điện toán đám mây lớn nhất cả nước. Một dấu ấn tích cực khác của ngành là các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam đã chuyển hướng từ đầu tư cho gia công sang đầu tư cho nghiên cứu phát triển, bằng việc thiết lập các trung tâm R&D tại Việt Nam.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, các doanh nghiệp CNTT dần “ngấm đòn” từ sức cầu yếu do rủi ro suy thoái kinh tế thế giới và áp lực lạm phát. Quý 1/2023, doanh thu công nghiệp CNTT cũng như kim ngạch xuất khẩu phần cứng - điện tử Việt Nam giảm so với cùng kỳ.
Kết quả khảo sát do Vietnam Report tiến hành hồi tháng 3/2023 cho thấy CNTT - VT dẫn đầu top 7 ngành được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng tốt trong ít nhất 2-3 năm tới, với tỷ lệ 63,6% số doanh nghiệp lựa chọn.
Tuy nhiên, với kết quả từ quý đầu năm và diễn biến của những cơn gió ngược trên thị trường thế giới, triển vọng tăng trưởng đã thấp đi đáng kể.
Theo khảo sát vào tháng 5-6/2023, tất cả các doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành đều không có kỳ vọng vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành CNTT - VT. 71,4% nhận định sẽ duy trì đà tăng trưởng và 28,6% cho rằng sẽ có sự suy giảm đà tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2023.
Khảo sát còn chỉ ra top 4 khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp trong ngành đã, đang và sẽ phải đối mặt trong năm nay, bao gồm:
- Tuyển dụng và giữ chân nhân tài;
- Thiếu chính sách, quy chế, khung pháp lý rõ ràng, đồng bộ cho sản phẩm, dịch vụ phát triển trên các nền tảng công nghệ mới;
- Cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp trong ngành;
- Hạn chế tiếp cận nguồn vốn đầu tư.
Cũng theo khảo sát của Vietnam Report, top 6 chiến lược ưu tiên được thực hiện trong năm 2023 bao gồm:
- Nâng cao năng lực cạnh tranh so với những đối thủ công nghệ khác (85,7%)
- Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (71,4%)
- Tăng cường hoạt động R&D (64,3%)
- Nâng cao uy tín, hình ảnh của doanh nghiệp trên truyền thông (53,8%)
- Nâng cao hệ thống quản trị, đặc biệt là hệ thống quản trị rủi ro (51,7%)
- Cải thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (50,0%).