Tháng 1/2023, thử thách có tên "100 envelope challenge" lan truyền nhanh chóng trên TikTok. Nhiều TikToker trẻ tuổi cho biết họ đã tiết kiệm được 5.000-15.000 USD sau vài tháng thực hiện thử thách.
Cụ thể, người tham gia có 100 phong bì và 100 ngày để hoàn thành việc tiết kiệm. Ngày đầu tiên, họ được hướng dẫn bỏ 1 USD vào bì thư số 1, ngày thứ 2, bỏ 2 USD vào phong bì thứ 2. Cứ tiếp tục như vậy cho đến ngày thứ 100 và bạn sẽ có tổng số tiền là 5.050 USD.
Một TikToker tuyên bố đã thực hiện thử thách ba lần và tiết kiệm được hơn 15.000 USD.
Tuy nhiên, các bài báo trên CNN, TIME cho thấy rằng các TikToker chỉ đang phóng đại về 100 envelope challenge và trên thực tế thử thách tiết kiệm này hoàn toàn không khả thi.
Theo Bankrate, 57% người trưởng thành ở Mỹ không đủ khả năng chi trả 1.000 USD chi phí khẩn cấp, khoản chi tiêu không có kế hoạch trước đó đối với các tình huống xảy ra đột ngột như tai nạn, thảm họa, bệnh tật hay sự cố trong gia đình hoặc công việc.
Gen Z và Millennials thậm chí còn gặp khó khăn trong trang trải các chi phí cơ bản, chứ chưa nói đến việc tiết kiệm.
TikTok đưa ra vô số lời khuyên tài chính đáng ngờ. Như rất nhiều thử thách, lời khuyên tài chính khác trên nền tảng, các clip của 100 envelope challenge chỉ đang đánh vào tâm lý muốn làm giàu, thành công nhanh chóng của người trẻ.
"Trên TikTok, ai cũng có thể thành chuyên gia"
Theo cuộc khảo sát của Forbes Advisor và công ty nghiên cứu thị trường Prolific, gần 80% người Mỹ 18-41 tuổi đã tham khảo lời khuyên tài chính từ mạng xã hội.
Cuộc khảo sát của Pay.UK cho thấy 58% Gen Z, những người từ 18-24 tuổi, đang tìm kiếm lời khuyên tài chính, tiền bạc, cách làm giàu thông qua TikTok.
Nghiên cứu cũng chỉ ra một tỷ lệ lớn Gen Z tin tưởng vào những gì nghe được từ những người có ảnh hưởng trên TikTok.
40% nói rằng những người có ảnh hưởng trên TikTok đưa ra lời khuyên tốt hơn so với phương tiện truyền thống, 34% cho biết lời khuyên trên TikTok tốt hơn bạn bè và 26% cảm thấy hữu ích hơn thông tin nhận được từ nhà tư vấn tài chính chuyên nghiệp.
58% Gen Z đang tìm kiếm lời khuyên tài chính, cách làm giàu thông qua TikTok. Ảnh minh họa: CNN. |
Chia sẻ lương thưởng, tài chính cá nhân, kế hoạch làm giàu với người lạ trên mạng không phải là điều gì mới mẻ.
Trong năm 2010-2011, các blogger cũng đã tạo nội dung tương tự khi đưa ra những câu chuyện cá nhân về việc thoát khỏi nợ nần và đạt được các cột mốc tài chính quan trọng. Điều đó cũng giống những gì người có ảnh hưởng trên TikTok đang làm ngày nay.
Tuy nhiên, các cố vấn tài chính cảnh báo những cạm bẫy từ xu hướng mới trên TikTok.
Nhà lập kế hoạch tài chính Lazetta Rainey Braxton nói rằng thật "tuyệt vời" khi những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội thúc đẩy mọi người quản lý tài chính cá nhân, nhưng phần lớn không chuyên sâu và có thể đưa đến quan điểm sai lầm.
"Mọi người đều muốn làm ít nhưng kiếm được nhiều. Đó là lý do các clip nói về thành công, làm giàu của người trẻ trên TikTok lại hấp dẫn đến vậy".
Còn David A. Gelinas, người có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn tín dụng, quản lý nợ, nói rằng trên TikTok ai cũng có thể tự nhận mình là chuyên gia, nên người dùng phải thật sáng suốt khi nghe các lời khuyên về tiền bạc.
Gelinas nói thêm không có tổ chức chính thức nào giám sát TikTok để kiểm tra xem người sáng tạo có đưa ra lời khuyên tài chính hợp lệ hay không. Việc chọn lọc thông tin chủ yếu dựa vào lý trí của người dùng.
Cẩn thận với lời khuyên làm giàu nhanh chóng
Hiện các clip có hashtag #personalfinance (tài chính cá nhân) thu hút 8,1 tỷ lượt xem trên TikTok, trong khi nội dung #personalfinancetips (mẹo tài chính cá nhân) có 258 triệu lượt xem, tăng gần 8 lần so với thống kê vào tháng 6/2021 của CBS.
Sự gia tăng của các cuộc thảo luận về tiền bạc trên TikTok, với hơn 1 tỷ người dùng hàng tháng, cho thấy rất nhiều người đang mong muốn được trợ giúp về cách kiếm tiền, chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư trên mạng xã hội.
Tori Dunlap và Delyanne Barros là những huấn luyện viên tài chính và sự nghiệp được chứng nhận. Cả hai tìm đến mạng xã hội với mong muốn giúp những người ở độ tuổi 20-30 tìm hiểu các nguyên tắc cơ bản về đầu tư và quản lý tài sản.
Tuy nhiên, clip họ chia sẻ không bao giờ phổ biến bằng nội dung của những người dùng không đủ tiêu chuẩn và thiếu kinh nghiệm.
Phần lớn lời khuyên tài chính trên TikTok không chuyên sâu, có thể đưa đến quan điểm sai lầm về đầu tư và tiền bạc. Ảnh minh họa: latimes. |
Một trong những xu hướng không thể đánh bại trên nền tảng là các mẹo "làm giàu nhanh chóng".
"Nó làm sai lệch ý nghĩa của việc đầu tư, và một số người trẻ bắt đầu nghĩ: 'Tại sao phải đầu tư trong 20 năm khi mà tôi có thể kiếm được số tiền này chỉ sau một đêm?'", Barros nói.
Dunlap khuyên mọi người nên đầu tư dài hạn, nhưng nhận ra rằng điều đó có thể mâu thuẫn với loại nội dung phổ biến nhất trên TikTok.
"Định nghĩa về đầu tư là bỏ thời gian, mồ hôi và công sức vào một thứ gì đó trong thời gian dài. Đầu tư không nên chỉ hấp dẫn trước mắt, mà phải nhất quán và ổn định", Dunlap nói.
Nhà hoạch định tài chính Brian Walsh nói rằng giống như mọi thứ trên mạng xã hội, không phải tất cả lời khuyên của “chuyên gia” mà bạn thấy đều nhất thiết đúng. Những gì một người dùng nói có thể phù hợp với tài chính của họ, nhưng sẽ không thể áp dụng cho hàng triệu người xem TikTok khác.
Theo Walsh, TikTok tràn ngập các clip về cách làm giàu nhanh thông qua bất động sản, chứng khoán, tiền ảo, thu nhập thụ động..., nhưng thực tế không có con đường nào ngắn và dễ dàng như vậy.
"Các kế hoạch làm giàu nhanh chóng có vẻ phổ biến như chế độ ăn kiêng sẽ giúp bạn giảm tất cả số cân nặng không mong muốn chỉ sau một đêm. Tuy nhiên, thật không may, chúng cũng nguy hiểm và tai hại không kém", chuyên gia nhận định.
Nên đầu tư tiền vào đâu?
Trong hơn 200 năm qua, mặc dù trải qua nhiều thăng trầm, thị trường chứng khoán vẫn là nơi tốt nhất để các nhà đầu tư dài hạn xây dựng sự sung túc. Nhưng để thành công trong mảng này, cần hiểu rõ các quy luật của thị trường, hiểu các mùa hoạt động của nó. Câu hỏi lớn nhất về tài chính trong tâm trí tất cả chúng ta ngày nay là gì? Theo kinh nghiệm của tác giả Anthony Robbins trong cuốn Đầu tư thông minh, chúng ta đều đang tìm kiếm câu trả lời cho cùng một vấn đề: “Tôi nên đặt tiền của mình vào đâu?”.