Tiếng nói đáng sợ dày vò thiếu nữ tâm thần

Admin

Hà NộiMột ngày khi đang lái xe máy về nhà, Tâm, 25 tuổi, nghe thấy nhiều tiếng nói nhỏ đan xen vang lên trong đầu, không rõ nội dung gì.

"Nghe giống như tiếng radio giữa các đài phát thanh với rất nhiều tiếng nhiễu", cô gái nhớ lại hôm 20/11, khi tham dự khóa thiền dành cho bệnh nhân tâm thần phân liệt, tổ chức tại Bệnh viện Mai Hương.

Thời gian trôi qua, những giọng nói trở nên rõ ràng hơn, là lời cười nhạo, chỉ trích những vấn đề riêng tư, khiến cô rất đau khổ. "Em cảm giác mọi người xung quanh, cha mẹ đều đang đánh giá em, đọc được suy nghĩ của em", Tâm kể. Đó là lúc bệnh nhân bắt đầu nghi ngờ tất cả mọi người, luôn ngủ trong ánh đèn sáng, không bao giờ dám bước vào trong bóng tối.

Cô gái nghỉ việc, thường xuyên đi lang thang để chạy trốn âm thanh. Phát hiện con gái có dấu hiệu bất thường, bố mẹ nhốt cô trong phòng, nhưng Tâm liên tục gào thét và đập phá. Khi kiệt sức với bàn tay rớm máu, Tâm bịt tai, ngồi thu mình, đối thoại với những ảo thanh. Người nhà bước vào, cô ném đồ đạc, rồi lại ngồi sụp bên một góc tường, bịt tai, sống trong thế giới riêng của mình. Có khi, cô vùng vẫy, muốn bỏ chạy.

Tình trạng này ảnh hưởng trí nhớ và khả năng hoạt động, khiến người phụ nữ không thể tự chăm sóc bản thân, giấc ngủ thất thường, rối loạn ăn uống. Những ảo thanh bắt đầu xui khiến, dẫn dắt cô có những hành động vô thức, mất kiểm soát. Gia đình tìm mọi cách ép con đến bệnh viện khám.

"Khi nhận chẩn đoán bị tâm thần, em đã không tin và cố gắng trốn thoát khỏi bệnh viện", Tâm nói, cho rằng bản thân khỏe mạnh. Dần dần, khi uống thuốc an thần kèm liệu pháp sốc điện, Tâm thấy sức khỏe tốt lên. Cô gái cũng được gia đình cho tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau như tập luyện thể chất, vui chơi, thiền, chánh niệm...

Hiện, sau ba năm điều trị, cô không còn nghe thấy những tiếng chửi bới, đe dọa, theo dõi vang lên trong đầu. Các hứng thú trước kia như đi dạo trong công viên, nghe nhạc, nói chuyện với bố mẹ quay lại. Nhưng, phản ứng của cơ thể cô gái dường như chậm chạm, cảm xúc khô lạnh, không vui, không buồn.

Bệnh nhân trong giờ học thiền tại bệnh viện. Ảnh: Thúy Quỳnh

Bệnh nhân trong giờ học thiền tại bệnh viện. Ảnh: Thúy Quỳnh

Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, người điều trị trực tiếp, cho biết tâm thần phân liệt có thể xảy ra ở nhiều nhóm người nhưng chủ yếu gặp ở người trẻ tuổi, khởi phát từ 15-28 tuổi. Bệnh này chiếm 0,5 % dân số, theo thống kê Bộ Y tế công bố năm 2023.

Đây là một rối loạn tâm thần khiến người bệnh có những ý tưởng không phù hợp với thực tế, thường gặp nhất là những ảo giác lời nói. Họ nghe được tiếng nói không có thật và thường chống lại chúng. Có lúc lời nói làm người bệnh nghi ngờ và xa lánh mọi người, có khi người bệnh tự mỉm cười không duyên cớ. Một số dấu hiệu khác như cách ly với xã hội, giảm hiệu suất làm việc, bận tâm quá mức với cơ thể, trầm cảm.

Bệnh nhân được chữa trị nội trú trong vòng 1-3 tháng, các triệu chứng có thể sẽ biến mất, song cần theo dõi và tái khám hằng tháng, bởi bệnh tâm thần rất dễ tái phát. Nhiều trường hợp bị bệnh từ khi còn rất trẻ và kéo dài suốt cả cuộc đời do không tuân thủ điều trị.

"Nhiều lần như thế, bệnh nhân sa sút dần, trở thành một vòng luẩn quẩn, cứ tái phát, lại sa sút, lại tái phát", bác sĩ nói. Tuy nhiên, cũng có nhiều bệnh nhân ổn định, có thể làm chủ mọi giao tiếp, vận động, sinh hoạt.

Hiện chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh, nhưng có thể do một số yếu tố nọi sinh phối hợp, bao gồm di truyền (cha mẹ bị tâm thần phân liệt thì tỷ lệ các con mắc bệnh tăng 12%); chất hóa học trong não như dopamine góp phần gây bệnh; yếu tố môi trường xung quanh quá nhiều stress có thể thúc đẩy bệnh tái phát nhanh hơn.

Bác sĩ khuyến cáo mọi người khi có dấu hiệu bất thường về tâm thần nên đi khám sớm tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Bệnh nhân cần tuân thủ và kiên trì điều trị, không nên theo đuổi các phương pháp chữa truyền miệng, mê tín dị đoan, có thể dẫn đến tiền mất tật mang.

Thúy Quỳnh