ThS.BS Hồ Đức Lộc, Đơn vị Chấn thương Chỉnh hình, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, giải thích corticoid hoạt động theo cơ chế ức chế các chất gây viêm, giúp giảm sưng tấy, tạo điều kiện cho khớp vận động linh hoạt hơn và tác động lên các thụ thể cảm giác đau, giảm đau hiệu quả.
Viêm là phản ứng phòng vệ bình thường của cơ thể đối với chấn thương, nhiễm trùng hoặc bệnh tật. Tuy nhiên, bệnh kéo dài và tình trạng viêm trở thành mạn tính gây sưng đau, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người bệnh. Lúc này, người bệnh có thể được chỉ định tiêm nội khớp, trong đó, corticoid là một trong những loại thuốc tiêm được sử dụng phổ biến.
Corticoid dạng tiêm được sử dụng để điều trị nhiều vấn đề về xương khớp như viêm khớp, viêm bao hoạt dịch, viêm gân, hội chứng ống cổ tay, đau thần kinh tọa... và nhiều loại chấn thương khác. Thông thường, hiệu quả của thuốc phát huy trong vòng 24 giờ sau khi tiêm và kéo dài khoảng 2-3 tháng.
Bác sĩ Lộc cho biết khi thuốc hết tác dụng, các triệu chứng viêm đau, cứng khớp có thể xuất hiện trở lại và người bệnh lại có nhu cầu tiêm lần nữa. "Đây là lý do khiến nhiều người có xu hướng lạm dụng corticoid, tiêm thuốc nhiều lần", bác sĩ Lộc nói. Tình trạng lạm dụng corticoid có thể gây ra nhiều tác dụng phụ và biến chứng nghiêm trọng bao gồm teo cơ và loãng xương, thoái hóa sụn khớp, dẫn đến tổn thương vĩnh viễn. Nhiễm trùng và suy yếu hệ miễn dịch cũng có thể xảy ra, gây phù nề, chảy máu, mỏng da tại vị trí tiêm. Người dùng nhiều corticoid còn có thể bị rách gân hoặc dính mô xung quanh khu vực viêm...
Bác sĩ Lộc lưu ý khoảng cách giữa các mũi tiêm corticoid tối thiểu là 6 tuần và không quá 3 mũi mỗi năm. Phương pháp điều trị này không phù hợp với người bệnh đang dùng thuốc kháng đông hay chống kết tập tiểu cầu. Phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ cần ngưng cho con bú trong 24 giờ đầu sau tiêm. Tuy hiếm gặp, tiêm corticoid có thể gây ra một số tác dụng phụ như đau nhức tại chỗ tiêm, sưng tấy, mẩn đỏ... Người bệnh có triệu chứng bất thường cần theo dõi và thông báo cho bác sĩ để được xử lý kịp thời.
Tiêm corticoid chỉ là phương pháp tạm thời, người bệnh nên tuân thủ chỉ định của bác sĩ về thời gian và số lượng mũi tiêm, tránh sử dụng quá thường xuyên. Nếu các phương pháp điều trị bảo tồn không phát huy hiệu quả như mong đợi, người bệnh nên cân nhắc phẫu thuật để giải quyết tình trạng đau, sưng khớp, ngăn ngừa biến chứng lâu dài.
Hiện, các phương pháp phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM như thay khớp háng SuperPath, ABMS; thay khớp gối gióng trục động học; mổ điều trị các bệnh lý về gân... đều xâm lấn tối thiểu. Người bệnh được bảo tồn tối đa chức năng của hệ thống gân cơ, giảm mất máu, phục hồi nhanh. Người bệnh có thể đi lại trong vài ngày đầu sau mổ và xuất viện sau khoảng một tuần, tiết kiệm chi phí điều trị, nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường.
Phi Hồng
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |