Sáng nay (15/8), Brand Finance - tổ chức hàng đầu thế giới về định giá thương hiệu phối hợp Mibrand Vietnam - Agency chuyên sâu về tư vấn thương hiệu & nghiên cứu thị trường đã tổ chức diễn đàn “Brand Finance - Mibrand Vietnam Forum 2023” .
Viettel 8 năm liên tiếp là thương hiệu giá trị nhất Việt Nam
Trong khuôn khổ sự kiện lần này, Top 100 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam đã được Brand Finance và Mibrand Việt Nam trao chứng nhận chính thức về giá trị thương hiệu, thứ hạng, chỉ số sức mạnh thương hiệu và ghi nhận các thành tựu của các thương hiệu trong bảng xếp hạng.
Bảng xếp hạng năm nay cho thấy sự chuyển đổi mạnh mẽ về giá trị thương hiệu của các ngành tại Việt Nam. Trong đó, Viễn thông, Ngân hàng và Thực phẩm là những ngành có đóng góp nhiều nhất vào tổng giá trị bảng xếp hạng với tỉ trọng lần lượt là 31%, 30%, 10%...
Đáng chú ý, Viettel ghi nhận mức tăng trưởng giá trị thương hiệu thêm 2% đạt 8,9 tỷ USD, trở thành thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 8 năm liên tiếp.
Sự công nhận này là minh chứng cho những thành công của Viettel trong việc tạo dựng một thương hiệu uy tín và đáng tin cậy trong khu vực, bằng chứng là Viettel đạt điểm số rất cao trong các chỉ số đo lường phễu thương hiệu của Brand Finance, bao gồm “Mức độ quen thuộc”, “Cân nhắc” và “Khuyến nghị” với điểm số rất cao là 9/10. Khi đánh giá tiềm năng phát triển của Viettel tại Đông Nam Á và toàn cầu, một yếu tố quan trọng là việc Viettel đã nỗ lực mở rộng ra thị trường quốc tế.
Viettel hiện đang kinh doanh tại 10 thị trường nước ngoài, trong đó các thị trường Campuchia, Lào, Burundi, Timor Leste, Myanmar chiếm số 1 về thị phần di động. Bên cạnh đó, sự cống hiến của Viettel cho chuyển đổi số và đầu tư vào các công nghệ tiên tiến, chẳng hạn như 5G, thể hiện cách tiếp cận tư duy tiến bộ của Viettel. Sức mạnh công nghệ này tạo ra rất nhiều cơ hội cho sự phát triển và đổi mới của Viettel không chỉ ở khu vực Đông Nam Á mà còn trên phạm vi toàn cầu.
Xếp ngay sau Viettel ở vị trí thứ 2 là Vinamilk , với giá trị thương hiệu đạt 3 tỷ USD và tăng 6% so với năm 2022. Theo báo cáo tài chính quý 1-2023, tổng doanh thu hợp nhất của Vinamilk đạt 13.954 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2022, và lợi nhuận trước thuế đạt 2.312 tỉ đồng, hoàn thành lần lượt 22% và 22,1% so với kế hoạch năm.
Khả năng tạo ra giá trị gia tăng từ hoạt động kinh doanh đã giúp Vinamilk duy trì uy tín và vị thế vững chắc của mình trong ngành Công nghiệp sữa Việt Nam trong suốt hành trình phát triển kéo dài gần nửa thế kỷ. Bên cạnh sự phát triển về hiệu quả kinh doanh, thành công của thương hiệu thực phẩm này có được là nhờ việc triển khai một loạt các giải pháp phát triển xanh những năm gần đây.
Nổi bật là Mô hình phát triển bền vững “Vinamilk Green Farm”, kết hợp các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp tái tạo và công nghệ tiên tiến để giảm thiểu tác động đến môi trường, giảm lượng khí thải, sử dụng các nguồn tài nguyên tái tạo và bảo vệ hệ sinh thái.
Với mức tăng trưởng vượt bậc (+105%, chiếm 2% tổng giá trị), ngành Công nghệ đã và đang nổi lên như một ngành có tiềm năng lớn trước thời đại chuyển đổi số. Đứng đầu ngành là FPT với giá trị thương hiệu lên đến 594.5 triệu USD, tăng 52%. Sự thành công này là kết quả của nỗ lực đổi mới, tập trung vào nghiên cứu và phát triển công nghệ. Đồng thời, việc thiết lập đối tác chiến lược với các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đã giúp FPT tạo ra môi trường hợp tác và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, CMC Corp vươn lên đạt Top 2 Thương hiệu Công nghệ có chỉ số sức mạnh cao nhất Việt Nam.
Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng, các thương hiệu ngân hàng tại Việt Nam đã chứng tỏ khả năng phục hồi trước những thách thức kinh tế bằng cách triển khai số hóa và cải thiện dịch vụ khách hàng. Nền kinh tế Việt Nam đã phải đối diện với một khởi đầu khó khăn nửa đầu năm 2023 khi xuất khẩu suy giảm và lãi suất toàn cầu tăng.
Ghi nhận mức tăng trưởng giá trị thương hiệu chung là 47%, Ngành Ngân hàng chiếm 30% tổng giá trị toàn ngành, với sự đóng góp vượt bậc của các thương hiệu Vietcombank (1,9 tỷ USD), Agribank (1,4 tỷ USD), BIDV (1,4 tỷ USD), Techcombank (1,4 tỷ USD), VP Bank (1,3 tỷ USD), MB (803,4 triệu USD), TPBank (424,9 triệu USD)… Ngoài ra, 09 thương hiệu ngân hàng lần đầu tiên lọt vào bảng xếp hạng của Brand Finance năm nay gồm có TPBank, LPBank, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải Việt Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (OCB), Eximbank, Ngân hàng Thương mại Kiên Long, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt và NCB.
Vietcombank là thương hiệu mạnh nhất trong bảng xếp hạng với xếp hạng sức mạnh thương hiệu cải thiện từ AAA lên AAA+. Giá trị thương hiệu tăng vượt bậc thêm 43% đạt 1,9 tỷ USD, tăng ba bậc lên vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng. Đây là một sự thăng tiến rõ rệt, cho thấy những nỗ lực trong việc cải thiện chất lượng dịch vụ của Vietcombank đã thu hút được lòng tin của khách hàng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam ( BIDV ) có giá trị thương hiệu tăng mạnh ở mức 69% đạt 1,4 tỷ USD và là thương hiệu tăng trưởng nhanh nhất. Thương hiệu này cũng tăng sáu bậc lên vị trí thứ 7 và có xếp hạng sức mạnh thương hiệu cải thiện từ AA+ lên AAA-. Giá trị thương hiệu của BIDV tăng trưởng phần lớn là nhờ sức mạnh thương hiệu được cải thiện khi thương hiệu liên tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong năm vừa qua.
Alex Haigh, Giám đốc điều hành – Khu vực châu Á Thái Bình Dương của Brand Finance, nhận xét: “Bất chấp những khó khăn thách thức về kinh tế, các thương hiệu ngân hàng tại Việt Nam đã thể hiện mức tăng trưởng vượt bậc trong bảng xếp hạng 100 thương hiệu hàng đầu Việt Nam của Brand Finance năm nay. Chúng tôi thấy cam kết của họ đối với nhiệm vụ số hóa và nâng cao dịch vụ khách hàng đã mang lại kết quả. Chúng tôi cũng xin chúc mừng Viettel, Vietcombank và BIDV lần lượt đứng đầu bảng xếp hạng với thương hiệu giá trị nhất, mạnh nhất và tăng trưởng nhanh nhất”.