Theo Sở Y tế TP.HCM, đến 7 giờ tối ngày 24/5, 6 lọ thuốc giải độc tố Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) về đến sân bay Tân Sơn Nhất. Sở Y tế TP.HCM đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án, cùng với lãnh đạo Cục Quản lý Dược và đại diện các đơn vị tiếp nhận thuốc, đến 9 giờ tối ngày 24/5, các thủ tục giao nhận khẩn cấp hoàn tất.
Đến 9 giờ tối ngày 24-5, các thủ tục giao nhận khẩn cấp thuốc giải độc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) hoàn tất. Ảnh Sở Y tế TP.HCM
Tuy nhiên, rất đáng tiếc khi đã có một bệnh nhân do bị biến chứng nặng và quá thời gian chỉ định dùng thuốc giải độc nên đã không qua khỏi. Cụ thể, bệnh nhân tử vong là người đàn ông 45 tuổi, được điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Ngành Y tế Thành phố mong rằng các lọ thuốc BAT sẽ góp phần cứu chữa cho các bệnh nhân còn lại bị ngộ độc còn trong thời gian chỉ định dùng thuốc giải độc.
Qua trường hợp này, Sở Y tế TP.HCM mong Bộ Y tế sớm có giải pháp về dự trữ thuốc hiếm cho những trường hợp cấp cứu, tối khẩn cấp không có thuốc thay thế.
Theo nguồn tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy, hai anh em ruột (18 tuổi và 26 tuổi) đang điều trị tại đây đều đã qua “thời gian vàng” sử dụng thuốc giải độc. Trước đó, các bệnh nhân được chính thức chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu ngày 15/5 với tình trạng yếu cơ, khó nuốt, nhìn đôi… Xét nghiệm và hội chẩn liên viện sau đó xác định các bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum.
Các chuyên gia chống độc cho biết, “thời gian vàng” sử dụng thuốc BAT cho bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum, giúp họ thoát khỏi nguy cơ bị liệt hoặc thở máy là từ 48-72 giờ. Trong khoảng thời gian này, nếu bệnh nhân thở máy sẽ mất khoảng 5-7 ngày phục hồi sau khi dùng thuốc giải độc.
Trước đó, như VOV đã đưa tin , Bệnh viện Chợ Rẫy cùng Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP.HCM) hội chẩn phát hiện thêm 3 ca nghi ngộ độc Botulinum, trong đó có 2 anh em ruột 18 tuổi và 26 tuổi ngộ độc vì ăn bánh mì chả lụa, người còn lại là nam 45 tuổi, ăn mắm để lâu ngày./.