Thúc đẩy tính công khai, minh bạch thông qua chuyển đổi số

Admin

Việc ứng dụng chuyển đổi số, thúc đẩy hoạt động quản trị công ty, nâng cao tính công khai minh bạch sẽ quyết định cho sự năng động và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Sau đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp niêm yết đã tổ chức đại hội cổ đông trực tiếp trở lại. Và để đảm bảo quyền lợi và sự minh bạch đối với các cổ đông không có điều kiện tham gia trực tiếp, nhiều doanh nghiệp và các ngân hàng đã song song tổ chức đại hội cổ đông với hình thức trực tuyến, giúp các nhà đầu tư có thể tham dự, tương tác và bầu cử từ xa.

Trước đó, trong Hội nghị Bàn tròn châu Á - OECD về quản trị công ty, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đánh giá, các doanh nghiệp đại chúng ngày càng gia tăng ứng dụng công nghệ giúp nâng cao hoạt động quản trị công ty, nâng cao tính công khai, minh bạch…qua đó đảm bảo quyền lợi của các cổ đông và sự lâu bền của doanh nghiệp. Còn trong buổi Hội thảo kết thúc Dự án "Nâng cao năng lực về cải thiện tính công bằng và minh bạch của thị trường cổ phiếu Việt Nam", ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, việc đảm bảo tính công bằng và minh bạch là một tiêu chí quan trọng, xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán. Do đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ như công nghệ AI… để tăng cường năng lực giám sát và quản lý trong thời gian tới.

Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8 về vấn đề này, các chuyên gia đánh giá, trong bối cảnh hồi phục và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau đại dịch COVID-19, việc ứng dụng chuyển đổi số, thúc đẩy hoạt động quản trị công ty, nâng cao tính công khai minh bạch sẽ là một trong những nhân tố quan trọng, quyết định cho sự năng động và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

Thúc đẩy tính công khai, minh bạch thông qua chuyển đổi số - Ảnh 1.

BTV Mùi Khánh Ly: Hai ông cũng đã thấy, các doanh nghiệp, các ngân hàng ngày càng chú trọng hoạt động chuyển đổi số. Hai ông đánh giá như thế nào về xu hướng chuyển đổi số ở lĩnh vực này hiện nay?

Ông Bùi Đình Giáp, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành AkaBot, FPT IS:

Tôi đánh giá mức độ chuyển đổi số hiện nay của các doanh nghiệp đang ở trong giai đoạn có thể nói là nhanh nhất từ trước đến nay, và nó được thúc đẩy rất lớn bởi đại dịch COVID-19. Thời gian vừa qua, rất nhiều doanh nghiệp từ tài chính, bảo hiểm rồi ngân hàng tìm đến chúng tôi để tìm các giải pháp giúp họ thúc đẩy chuyển đổi số, ví dụ như việc tối ưu hóa vận hành doanh nghiệp, tự động hóa, rồi eKYC hay là giải pháp đại hội cổ đông trực tuyến, khi mà hiện nay có nhiều cổ đông ở xa không thể đến tham dự. 

Để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các cổ đông thì các doanh nghiệp đã tính các phương án đại hội cổ đông trực tuyến rồi bỏ phiếu từ xa… Hiện nay, đã có hơn 40% doanh nghiệp trong VN30 sử dụng các giải pháp chuyển đổi số, và nếu tính trong 3 năm vừa rồi thì chúng tôi đã phục vụ cho hơn một triệu cổ đông và số lượng liên tục tăng gấp đôi hằng năm. Với những tín hiệu như vậy, có thể thấy, tốc độ chuyển đổi số của các doanh nghiệp hiện nay, cũng như mức độ sẵn sàng đã gia tăng mạnh mẽ.

Ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank):

Đúng là chuyển đổi số là một yêu cầu nhất thiết và quan trọng đối với các hoạt động của doanh nghiệp và ngân hàng. Chúng tôi cũng đã sớm nhận thức được điều đó và sớm triển khai chuyển đổi số thông qua việc đầu tư cơ sở hạ tầng, phương tiện thanh toán cũng như là tuyển dụng các nhân sự cao cấp, các nhân sự có chuyên môn về chuyển đổi số. 

Năm 2020, chúng tôi đã thành lập một trung tâm chuyển đổi số DTC, sự ra đời của trung tâm này thể hiện quyết tâm của chúng tôi trong việc tăng cường các hoạt động chuyển đổi số phục vụ cho khách hàng cũng như là tăng cường hiệu quả hoạt động của ngân hàng, trong đó, các khách hàng có thể thực hiện các giao dịch thanh toán, chuyển khoản giao dịch ngoại hối, thanh toán quốc tế và mua bán ngoại tệ… đều có thể thực hiện trên hệ thống online hay qua app, giúp cho các khách hàng, đặc biệt là các khu vực nông thôn họ có thể tiếp cận được dễ dàng thay vì họ phải đến trực tiếp ngân hàng hoặc là phải giao dịch với cán bộ ngân hàng. 

BTV Mùi Khánh Ly: Vậy theo hai ông, vai trò của việc gia tăng chuyển đổi số đã giúp doanh nghiệp, ngân hàng nâng niêm yết nâng cao tính công khai, minh bạch với các nhà đầu tư, cũng như mang lại những lợi ích khác như thế nào?

Ông Bùi Đình Giáp, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành AkaBot, FPT IS:

Tôi cho rằng, một trong những lợi ích lớn nhất của chuyển đổi số đó là tính minh bạch, bởi vì khi đấy thì thông tin được lưu trữ một cách đầy đủ trong từng bước một và việc sử dụng các công nghệ mới như là eKYC, AI hay là Big Data chẳng hạn, giúp cho việc phục vụ một cách rất nhanh, cũng như đưa ra các số liệu gần như là theo thời gian thực cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đấy, có nhiều lợi ích khác nữa như là giúp cho việc triển khai các dịch vụ của các doanh nghiệp một cách nhanh nhất, bảo mật và giảm thiểu sự phụ thuộc vào con người. Khi mà chúng ta nhìn thấy trong đại dịch COVID-19 vừa rồi thì việc phụ thuộc vào con người là một việc có thể ảnh hưởng đến sự vận hành liên tục của doanh nghiệp.

Thúc đẩy tính công khai, minh bạch thông qua chuyển đổi số - Ảnh 2.

Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp niêm yết, một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay, đó là sự công bằng giữa các cổ đông. Hiện nay, một số cổ đông không có điều kiện để tham dự trực tiếp, dẫn đến là họ sẽ bị thiệt thòi thì việc đại hội cổ đông trực tuyến giúp cho các nhà đầu tư có thể tiết kiệm chi phí, đảm bảo tính quyền lợi của họ trong việc tham gia phiếu bầu. Ngoài ra, cũng sẽ tiết kiệm cả thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank):

Đúng vậy, đối với doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt như là ngân hàng chúng tôi thì việc cung cấp thông tin và tính minh bạch của các hoạt động kinh doanh luôn luôn phải đảm bảo. Việc chúng tôi triển khai công tác chuyển đổi số và các hoạt động cập nhật trên hệ thống website cũng như trên các app đã giúp cho khách hàng, các cổ đông và cơ quan chức năng có thể cập nhật được các thông tin một cách sớm nhất, nhanh nhất. Thực chất là hoạt động của doanh nghiệp đã phải minh bạch rồi, nhưng việc ứng dụng chuyển đổi số truyền tải các thông tin dẫn đến cho phép những người quan tâm sẽ được cập nhật sớm nhất. 

Đối với các hoạt động chung của ngân hàng và các thông tin hoạt động tài chính, thì chúng tôi thường xuyên cập nhật về kết quả kinh doanh hàng quý cũng các số liệu trên website, qua đó các khách hàng, các cổ đông cũng như là các cơ quan chức năng có thể dễ dàng tìm kiếm. 

Hiện chúng tôi có 24.000 cổ đông, con số này đã tăng rất nhiều lần sau khi 5 năm mà ngân hàng chúng tôi thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán. Và với số lượng cổ đông đông như vậy thì ngân hàng rất khó có thể tiếp cận từng cổ đông được. Do đó, vào đại hội cổ đông ngày 26/4 vừa qua, chúng tôi cũng triển khai hai hình thức hoạt động cổ đông vừa là trực tiếp, vừa là online. Qua các hoạt động online, các cổ đông có thể tham gia bầu phiếu trực tuyến và không hạn chế, cũng như có thể thực hiện ở bất cứ một nơi nào dù là ở Việt Nam hay trên thế giới.

BTV Mùi Khánh Ly: Bên cạnh đó, một nghiên cứu đã chỉ ra, nếu ngành công nghệ số tăng trưởng với tốc độ khoảng 10% mỗi năm, lợi ích lũy kế của nền kinh tế sẽ đạt trên 200 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2045. Như vậy, theo hai ông, việc các doanh nghiệp, các ngân hàng gia tăng chuyển đổi số sẽ còn gián tiếp thúc đẩy nền kinh tế nói chung như thế nào?

Ông Bùi Đình Giáp, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành AkaBot, FPT IS:

Hiện nay, chúng ta có thể thấy nền kinh tế của Việt Nam cũng như thế giới trong giai đoạn này đang có những khó khăn nhất định và các doanh nghiệp hiện đang có xu hướng thiên về phòng thủ nhiều hơn. Một trong những yếu tố giúp họ phòng thủ đó là tiết kiệm chi phí. Việc thúc đẩy chuyển đổi số giúp họ tối ưu hóa vận hành và tiết kiệm chi phí vận hành nhiều hơn. Một trong những chỉ số có thể đo lường được vấn đề này đó là Cost to Income Ratio hay là chỉ số chi phí trên doanh thu thì các doanh nghiệp hay ngân hàng, họ đã thúc đẩy việc chuyển đổi số và giảm được chỉ số này xuống, tức là doanh thu có thể tăng nhiều hơn nhưng chi phí sẽ tăng thấp hơn so với tốc độ tăng doanh số. 

Ở Việt Nam, một số ngân hàng vừa rồi cũng đã công bố các báo cáo cho thấy họ đã đưa được con số này về dưới mức 30%, tôi đánh giá đó là những tác động tích cực của chuyển đổi số đến nền kinh tế chung. Mỗi doanh nghiệp chúng ta có thể hiểu họ chính là một hạt nhân để hình thành nên nền kinh tế của chúng ta, khi mỗi doanh nghiệp mà chuyển đổi số mạnh, cả nền kinh tế của chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ.

Thúc đẩy tính công khai, minh bạch thông qua chuyển đổi số - Ảnh 3.

Ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank)

Ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank):

Những điều có thể thấy là công tác chuyển đổi số sẽ giúp cho hoạt động của các doanh nghiệp tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh thì sẽ dẫn đến gia tăng thêm các hoạt động về nền kinh tế nói chung. Đấy là ở góc độ vĩ mô, còn đối với ngân hàng chúng tôi thì công tác chuyển đổi số sẽ giúp cho tương tác với cổ đông và các cơ quan chức năng, cũng như các khách hàng gần gũi hơn, nắm bắt được nhiều thông tin về ngân hàng hơn. Qua đó, họ có thể hiểu được các hoạt động của chúng tôi và có thể có những định hướng đầu tư một cách đúng đắn hơn.

BTV Mùi Khánh Ly: Thực tế, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã có nhiều chính sách giúp thúc đẩy các doanh nghiệp gia tăng chuyển đổi số. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận là vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng chuyển đổi số, theo các ông là vì sao?

Ông Bùi Đình Giáp, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành AkaBot, FPT IS:

Thời gian vừa qua, Chính phủ và cũng như các cơ quan quản lý nhà nước đã tích cực thúc đẩy cũng như đưa ra các chương trình chuyển đổi số quốc gia, các giải thưởng Make in Việt Nam… Theo đánh giá của chúng tôi thì hiện nay các doanh nghiệp lớn về mặt chuyển đổi số đang làm tương đối tốt và tôi cho là điều này vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong giai đoạn sắp tới. Tuy nhiên, ở Việt Nam có khoảng hơn 90% doanh nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ thì khối doanh nghiệp này, mặc dù họ cũng đang rất mong muốn được chuyển đổi số, tuy nhiên họ đang gặp rất nhiều khó khăn về mặt chi phí ban đầu và việc tìm các giải pháp phù hợp. 

Hiện nay, tại Việt Nam, các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu tập trung cung cấp các giải pháp cho mảng doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng cách đưa lên cloud rồi cung cấp các giải pháp với chi phí hợp lý. Và cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, cùng chung tay với các doanh nghiệp cung cấp giải pháp thì tôi cho là doanh nghiệp vừa và nhỏ này cũng sẽ tăng trưởng, tăng tốc việc chuyển đổi số để đuổi kịp các doanh nghiệp lớn.

Ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank):

Chúng ta thấy rằng chuyển đổi số là xu thế tất yếu của nền kinh tế ở Việt Nam cũng như của toàn cầu. Hiện nay, thông qua các phương tiện thanh toán, trước đây giao dịch thanh toán tiền mặt rất lớn nhưng gần đây có thể thấy rằng các hoạt động thanh toán không tiền mặt, dùng app, dùng các công cụ chuyển tiền trực tuyến cũng như thanh toán thông qua hệ thống mạng đã phát triển rất nhiều. Đấy là một cơ sở để thấy rằng công tác chuyển đổi số của Việt Nam đã có những bước tiến rất lớn và có những tác động sâu rộng đến nền kinh tế nói chung. Tất nhiên, phải hình dung rằng công tác đầu tư vào các hoạt động chuyển đổi số cũng là một quan ngại của một số các doanh nghiệp và đôi khi họ cũng thấy rằng việc đầu tư đó quá lớn so với các hoạt động kinh doanh thông thường của họ. 

Tuy nhiên, cá nhân tôi thấy rằng doanh nghiệp cũng nên mạnh dạn đầu tư, có thể là những chi phí đầu tư ban đầu khá lớn, tuy nhiên hiệu quả áp dụng như việc tăng năng suất lao động, tăng chất lượng sản phẩm cũng như phục vụ khách hàng tốt hơn thì cũng sẽ đem lại hiệu quả cao hơn cho doanh nghiệp. Yếu tố thứ hai, công tác chuyển đổi số quá nhanh cũng sẽ dẫn đến việc tìm được các nguồn nhân lực phù hợp để thực hiện chuyển đổi số cũng khó khăn… nhưng chúng ta đang có những bước tiến rất nhanh trong các hoạt động chuyển đổi số và tôi tin rằng trong tương lai, chúng ta cũng sẽ đạt được những kết quả, thành tựu rất tốt trong công tác chuyển đổi số.

BTV Mùi Khánh Ly: Vậy theo hai ông, đâu sẽ là những giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số nhiều hơn trong thời gian tới, qua đó thúc đẩy tính minh bạch cho doanh nghiệp, gia tăng niềm tin của nhà đầu, cũng như thúc đẩy thị trường và nền kinh tế?

Ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank):

Tôi có một số đề xuất về các giải pháp như sau, thứ nhất là các doanh nghiệp phải cần có chiến lược cụ thể, các mục tiêu cụ thể trong công tác chuyển đổi số là gì, và chúng ta cần có định hướng liên quan đến các hoạt động tiếp theo để giúp cho việc hoạt động chuyển đổi số tốt hơn. Yếu tố thứ hai liên quan đến việc đầu tư cơ sở, các phương tiện, các công nghệ hiện đại mới giúp cho công tác chuyển đổi số như tôi đã đề cập ở trên. 

Nếu chúng ta dùng các công nghệ cũ thì chắc chắn là sẽ bị giảm hiệu quả công tác chuyển đổi số. Yếu tố tiếp theo là chúng ta cần phải có nguồn nhân lực, đây là một yếu tố rất quan trọng. Còn các yếu tố khác nữa như chúng ta cần phải thay đổi tư duy liên quan đến tư duy số của từng các thành viên trong một doanh nghiệp đó, gọi là thay đổi văn hóa doanh nghiệp. 

Ngoài ra, khi triển khai công tác chuyển đổi số, chúng ta phải triển khai các chương trình gọi là các quy trình tự động hóa, để làm sao tăng được năng suất, tăng được hiệu quả. Chúng ta cũng cần phải lưu ý tận dụng các trí tuệ nhân tạo cũng như các dữ liệu lớn Big Data để phân tích, triển khai để tạo ra hiệu quả, hiệu ứng tốt nhất trong công tác chuyển đổi số.

Ông Bùi Đình Giáp, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành AkaBot, FPT IS:

Bên cạnh các đề xuất của ông Nam thì tôi cũng có một số các đề xuất khác như việc chúng ta rất cần các quy định cụ thể hơn từ các cơ quan quản lý của nhà nước. Tôi lấy ví dụ như các nước Đông Nam Á, như là Singapore, Malaysia hay Thái Lan thì họ có những quy định cụ thể về việc khi các doanh nghiệp niêm yết tổ chức đại hội cổ đông, cần phải có thêm kênh trực tuyến để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư khi họ không có điều kiện đến tham gia trực tiếp.

Ngoài ra, từ phía các đơn vị cung cấp giải pháp cũng cần phải đưa ra các giải pháp có khả năng triển khai một cách nhanh chóng hơn, với chi phí rẻ hơn và được chuẩn hóa, có thể triển khai rộng cho hàng trăm, hàng nghìn doanh nghiệp tại cùng một thời điểm. 

BTV Mùi Khánh Ly: Xin cảm ơn hai ông về những thông tin trên!