"Thủ phủ" công nghiệp của cả nước đón thêm khu công nghiệp rộng hơn 520ha, quy mô 26.000 người lao động

Admin

HĐND tỉnh Bình Dương vừa ban hành Nghị quyết số 36/NQ-HĐND thống nhất thông qua Đồ án Quy hoạch chung xây dựng (tỷ lệ 1/5.000) Khu công nghiệp Đất Cuốc tại huyện Bắc Tân Uyên.

"Thủ phủ" công nghiệp của cả nước đón thêm khu công nghiệp rộng hơn 520ha, quy mô 26.000 người lao động- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo đó, khu vực quy hoạch Khu công nghiệp Đất Cuốc có vị trí tại xã Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên. Phía Đông giáp đất dân và cách đường ĐH.436 khoảng 100m; phía Tây giáp đất nông nghiệp và suối Tân Lợi; phía Nam giáp đất nông nghiệp và đất dân; và phía Bắc giáp đất cao su.

Khu công nghiệp Đất Cuốc được quy hoạch với diện tích 523,22 ha, quy mô lao động khoảng 26.000 người.

Định hướng phát triển khu công nghiệp Đất Cuốc theo hướng tập trung, đa ngành nghề với các loại hình công nghiệp thu hút các dự án đầu tư có các ngành nghề theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Được biết, hiện tỉnh Bình Dương có 31 khu công nghiệp với tổng diện tích 12.721ha, trong đó có 29 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 11.021ha, tỷ lệ lấp kín đạt trên 70%; các khu công nghiệp thu hút 2.965 dự án, bao gồm 2.309 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 24,3 tỷ USD và 656 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 76.608 tỷ đồng.

Bình Dương còn sở hữu nhiều khu công nghiệp nổi tiếng như: Khu công nghiệp Sóng Thần 1; Khu công nghiệp Việt Hương; Khu công nghiệp Nam Tân Yên; Khu công nghiệp VSIP1…

Riêng trong năm 2023, các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương đã thu hút 5.780 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, đạt 482% kế hoạch và 1,22 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, đạt 100% kế hoạch năm 2023.

Về định hướng, tỉnh Bình Dương phấn đấu đạt vị thế thủ phủ công nghiệp hàng đầu Việt Nam, sớm trở thành đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.

Từ nay đến năm 2030, tỉnh đã quy hoạch định hướng khoảng 18.500 ha đất đô thị công nghiệp và cần khoảng 18.000 - 20.000 ha cho phát triển đô thị, dịch vụ dọc các đường vành đai, cao tốc để hình thành hành lang kinh tế cho cả Vùng từ cửa khẩu Tây Ninh - cảng Cái Mép và sân Bay Long Thành. Dự kiến, từ nay đến năm 2030, đơn vị sẽ xúc tiến phát triển thêm 10 khu công nghiệp mới.