Thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm nhờ mô hình chăn nuôi không cần bỏ một đồng tiền vốn

Admin

Khi tham gia vào hoạt động chăn nuôi này, người nông dân không phải bỏ bất kỳ một đồng tiền vốn nào, cán bộ kỹ thuật xuống tư vấn và giám sát thường xuyên.

Đối với việc chăn nuôi, 2 trở ngại lớn nhất đối với những người nông dân là dịch bệnh và đầu ra cho đàn vật nuôi. So với việc trồng trọt thì chăn nuôi vất vả và tiềm ẩn rủi ro hơn rất nhiều. Nguyên nhân là bởi chi phí đầu tư cho chăn nuôi lớn hơn rất nhiều so với trồng trọt. Ngoài ra, nếu không đảm bảo được đầu ra cho sản phẩm thì khi rơi vào tình trạng sản lượng lớn nhưng mất giá hoặc gặp phải dịch bệnh thì thiệt hại với nông dân rất lớn.

Tuy nhiên, tất cả những khó khăn đó đã được giải quyết. Bởi lẽ, trang trại nuôi heo của hộ nông dân Nguyễn Văn Bình ở thôn Yên Thành, xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng đang chăn nuôi gia công cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP.

Khi bắt tay vào chăn nuôi, anh Bình đã quyết định theo hướng xây chuồng trại đạt chuẩn và hợp tác với Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP.

Anh Bình cho biết, nuôi gia công cho công ty nghĩa là heo giống, thuốc, thức ăn các loại đều của công ty giao cho nông dân. Gia đình anh chỉ có chuồng và chăm sóc đúng quy trình do công ty quy định. Tới ngày theo kế hoạch, công ty đến cân heo và trả cho nông dân số tiền công trên số trọng lượng heo.

Tuy nhiên, một điều lưu ý cho các hộ gia đình khi nuôi heo gia công cho các doanh nghiệp là chuồng trại nuôi heo phải đúng chuẩn, đúng hướng gió, thoáng mát. Quy trình chăm sóc đảm bảo một chiều ra - vào, khử trùng và giám sát bệnh dịch chặt

Trong quá trình chăn nuôi, công ty có cán bộ kỹ thuật xuống tư vấn và giám sát thường xuyên, heo khi cân được kiểm tra máu để đảm bảo chất lượng chuẩn, không được sử dụng cám hoặc thuốc không do công ty cung cấp. Heo phải được chăm sóc trong điều kiện tốt, thông thoáng, không có côn trùng chích… lớn nhanh và khỏe.

Thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm nhờ mô hình chăn nuôi không cần bỏ một đồng tiền vốn - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Văn Bình kiểm tra máy cho heo ăn. Ảnh: Báo Lâm Đồng.

Công ty CP. Việt Nam bắt đầu phát triển hệ thống chăn nuôi lợn gia công với người chăn nuôi Việt Nam từ năm 2001. Hệ thống chăn nuôi lợn của CP. được tổ chức theo 2 loại hình chính là chăn nuôi lợn nái sinh sản và chăn nuôi lợn con giai đoạn sau cai sữa đến xuất chuồng. Hệ thống chăn nuôi lợn nái sinh sản có quy mô từ 600 con đến 2.400 con/trại. Hệ thống chăn nuôi lợn sau cai sữa được tổ chức với quy mô từ 1.000 con 10.000 con/trại. Trại nuôi gia công có thể là của một hộ hoặc của nhiều hộ dưới hình thức góp vốn cổ phần.

Trong một bài chia sẻ trước đó, đại diện CP cho biết: "Với việc đảm bảo nguồn thức ăn sạch, con giống tốt, kỹ thuật chăn nuôi theo chuẩn quốc tế, trang trại đáp ứng những yêu cầu về chất lượng môi trường, hỗ trợ bà con về kỹ thuật lẫn đầu ra cho sản phẩm... Mô hình này không chỉ tạo ra nguồn cung ứng thịt đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng mà còn đảm bảo lợi nhuận cho người chăn nuôi".

Hiện tại, gia đình anh Bình đang nuôi gia công lứa heo 1.400 con. Trung bình một con heo đạt trọng lượng 115 kg, với thời gian 5 tháng/lứa. Với giá công ty trả 3.000 đồng/kg heo hơi, gia đình anh có thể thu nhập hàng tỷ đồng/năm với rủi ro rất thấp.

"Nuôi gia công thì không trúng giá như nuôi tự do nhưng bù lại, người nông dân chăn nuôi ổn định và có thể tính được số thu nhập của gia đình", anh Bình chia sẻ trên tờ Báo Lâm Đồng.

Bên cạnh tiền công nuôi heo, gia đình anh cũng có một khoản rất lớn từ việc bán phân heo cho các nông hộ trồng trọt với giá 30 ngàn đồng/bao.

Tham gia nuôi gia công heo từ năm 2008 đến nay, thu nhập từ công việc này giúp gia đình anh đủ để nuôi con cái học hành trong nước và du học, mua đất đai, nhà cửa.

Thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm nhờ mô hình chăn nuôi không cần bỏ một đồng tiền vốn - Ảnh 2.

Biến động giá lợn hơi trên thị trường.

Ngành chăn nuôi lợn trong thời gian gần đây đã có dấu hiệu phục hồi khi giá lợn hơn đã tăng và dần ổn định. Theo báo cáo của Công ty chứng khoán VnDirect, giá lợn tháng 5/2023 hơi tăng 10,9% so với tháng trước và chạm mức cao nhất kể từ đầu năm do sản lượng bán tháo heo chạy dịch từ các hộ nông dân giảm so với những tháng đầu năm và thị trường lo ngại về việc thiếu nguồn cung khi số lượng hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong tháng 3/2023 giảm 50% so với năm 2021.

Các doanh nghiệp sản xuất thịt đã niêm yết trên thị trường chứng khoán đều nhìn nhận những gì khó khăn nhất đã diễn ra trong quý 4/2022 và quý 1/2023 và triển vọng ngành sẽ tích cực hơn từ quý 3/2023.

"Theo quan điểm của chúng tôi, giá lợn hơi sẽ tăng 9,7% so với quý trước trong quý 2/2023 và cải thiện rõ rệt hơn ở mức 11,6%/4,0% so với quý trước trong quý 3 và quý 4/2023 lên mức 62.000 - 65.000/kg nhờ nhu cầu tiêu thụ phục hồi và nguồn cung từ các hộ nông dân nhỏ lẻ còn hạn chế tới quý 3/2023. Trong 2023 chúng tôi kỳ vọng giá lợn hơi bình quân tăng 5% so với cùng kỳ lên mức 59.000/kg", VnDirect nhận định.