Thiếu tá Công an mở lớp tiếng Anh, trẻ nơi xa ùn ùn kéo đến học

Admin

Ban đầu, lớp học của thiếu tá Chính chỉ có 6 học sinh nhưng sau một năm đã thu hút hơn 50 em từ các bản làng xa xôi. Lớp học hoàn toàn miễn phí.

Lớp học tiếng Anh miễn phí của anh Vũ Văn Chính. Ảnh: VietNamNet.

Trước khi được điều động đến công tác tại xã Nậm Ban theo chủ trương tăng cường lực lượng Công an cho các xã biên giới của Bộ Công an, thiếu tá Vũ Văn Chính là giảng viên môn tiếng Anh tại Đại học Phòng cháy Chữa cháy.

Hành trình lên biên giới và lớp học tiếng Anh

Khi nhận nhiệm vụ tại xã biên giới vào năm 2022, anh Chính coi đây là cơ hội để cống hiến cho Tổ quốc và nhân dân trong một bối cảnh hoàn toàn mới.

“Tôi luôn mong muốn tuổi trẻ được cống hiến hết mình. Hai năm ở Nậm Ban là thời gian quý báu để tôi làm được điều gì đó có ích cho vùng đất này”, anh Chính chia sẻ.

Nậm Ban là xã biên giới nằm cách Hà Nội hơn 500 km, có 6 bản với 11 dân tộc cùng sinh sống, trong đó 3 dân tộc chính là Mông, Mảng, Hà Nhì với hơn 400 hộ dân và trên 2.200 nhân khẩu. Đời sống kinh tế của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Qua những chuyến công tác địa bàn, thiếu tá Chính cảm nhận rõ sự thiếu thốn và thiệt thòi của trẻ em nơi đây.

Một trong những dấu ấn đặc biệt của thiếu tá Chính tại Nậm Ban là sáng kiến mở lớp học tiếng Anh miễn phí cho trẻ em nghèo. Từ khi đặt chân đến vùng đất này, anh nhanh chóng nhận thấy những khó khăn, thiệt thòi của học sinh vùng cao trong việc tiếp cận tiếng Anh.

“Thật ra đây cũng là cách để mình có thêm niềm vui khi xa nhà. Ở biên giới xa xôi này, việc học tiếng Anh cũng khó. Thôi thì thầy đi tìm trò chứ không nhất thiết phải trò đi tìm thầy”, thiếu tá Vũ Văn Chính tâm sự.

Ban đầu, lớp học trên của thiếu tá Chính chỉ có 6 học sinh, nhưng với phương pháp giảng dạy hấp dẫn, sau một năm, lớp học đã thu hút hơn 50 em nhỏ từ các bản làng xa xôi đến. Lớp học không chỉ là nơi học chữ mà còn khơi dậy ước mơ thoát nghèo và xây dựng một tương lai tươi sáng.

“Thầy dạy rất dễ hiểu và rất vui. Nhờ thầy, em đã học thêm được nhiều từ vựng mới và hiểu bài hơn trên lớp. Thầy đã giúp chúng em vượt qua nỗi sợ khi học môn tiếng Anh”, em Lường Trà My, học sinh lớp 9, hào hứng chia sẻ.

“Hiện tại lớp ở trung tâm xã, nhưng nếu thời gian tới tại bản xa tập hợp thêm được các cháu, mình sẽ lên đó mở thêm lớp vào dịp cuối tuần. Mỗi buổi, thấy các cháu tiến bộ hơn, ham học hơn một chút là niềm vui rất lớn với tôi. Sau mỗi tiết học trên lớp, trên trường, có những bài các cháu không hiểu, các cháu tìm đến công an xã hỏi thì đó cũng là một điều hạnh phúc”, anh cho biết thêm.

Bên cạnh dạy tiếng Anh, anh Chính còn lồng ghép giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng sống cho các em.

“Tôi hy vọng lớp học sẽ là nơi gieo mầm những khát vọng lớn lao cho các em nhỏ tại vùng biên giới này”, anh nói.

hoc tieng Anh mien phi anh 1

Thiếu tá Vũ Văn Chính thường xuyên vận động các nguồn lực xã hội để tặng quà cho các em nhỏ vùng cao. Ảnh: VietNamNet.

Quán trà sữa, quán bánh 0 đồng

Không chỉ dừng lại ở giáo dục, thiếu tá Vũ Văn Chính còn sáng lập “Quán trà sữa, quán bánh 0 đồng” dành riêng cho trẻ em nghèo.

“Quán 0 đồng” này được tổ chức lưu động mỗi tuần một buổi luân phiên về các bản trong xã. Thành viên là cán bộ công an xã và sự hỗ trợ của cô giáo cắm bản và học sinh.

Qua hình thức này, thiếu tá Vũ Văn Chính hướng dẫn các em cách làm trà sữa, bánh khoai, bánh chuối và sau đó cùng nhau thưởng thức những thành quả đã làm. Đây vừa là các hoạt động vui chơi vừa là các buổi học ngoại khóa để trang bị thêm các kỹ năng sống cho học sinh.

Với sự hỗ trợ của các mạnh thường quân và sự đóng góp của thiếu tá Chính, “Quán trà sữa, quán bánh 0 đồng” đã trở thành điểm đến yêu thích của các em nhỏ trong các bản. Đây không chỉ là nơi các em được thưởng thức món đồ uống yêu thích, mà còn là không gian vui chơi, học tập và sẻ chia niềm vui.

“Nhờ có thiếu tá Chính, các con chúng tôi không chỉ được học hành mà còn có những trải nghiệm trước đây chỉ có thể mơ ước”, một phụ huynh xúc động chia sẻ.

Với tấm lòng vì bà con, thiếu tá Chính tích cực vận động quyên góp sách, vở, quần áo, bánh kẹo và các nhu yếu phẩm cần thiết… để tặng cho trẻ em, học sinh và những hộ nghèo trên địa bàn.

“Thiếu tá Vũ Văn Chính không chỉ giúp giữ vững an ninh trật tự, mà còn là người truyền cảm hứng cho các học trò, người dân nơi đây”, Phó chủ tịch UBND xã Nậm Ban Nguyễn Văn Đài nhận xét.

Sách về nghề giáo

Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:

Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.

Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.