Thi tốt nghiệp THPT: Giai đoạn "nước rút" ôn thi thế nào cho hiệu quả?

Admin

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ diễn ra trong hai ngày 28 và 29/6. Thời gian này, các sĩ tử đang bước vào giai đoạn ôn tập nước rút với mong muốn đạt kết quả cao.

Chỉ còn gần 2 tuần nữa kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ diễn ra. Theo các giáo viên có kinh nghiệm, học sinh nắm vững phương pháp ôn tập sẽ có nền tảng kiến thức cũng như kỹ năng làm bài thi các môn đạt điểm cao.

Với bài thi môn Toán, cô Đặng Thị Ngọc Huệ, Trường THPT Đông Anh (Hà Nội), một trong những giáo viên được Sở GD&ĐT lựa chọn dạy ôn tập trên truyền hình cho học sinh, cho biết, các em chia thời gian hợp lý để hệ thống lại lý thuyết, các công thức và các dạng bài tập.

Học sinh ở mức trung bình, đặt mục tiêu đạt từ 5-8 điểm phải làm tốt từ câu 1 đến câu 35 trong đề minh họa và các đề ôn tập. Đầu tiên, học sinh cần phải nắm vững lý thuyết và kiến thức ở mức vận dụng thấp. Sau đó, các em chăm chỉ luyện đề, làm các dạng bài tập. Trên chương trình ôn tập nước rút cho học sinh qua truyền hình hiện nay, với môn Toán, Hà Nội đang chia làm 8 chủ đề gói gọn kiến thức cơ bản. Nếu học sinh bị đuối, hổng kiến thức mà học kỹ các chủ đề này thì có thể đạt mức 7 điểm.

Với học sinh khá giỏi, mong muốn đạt mức điểm 8,5-10, thường phải làm tốt từ câu 35 trở lên. Đối tượng học sinh này trong quá trình học thường đã vững kiến thức cơ bản nên thời gian này cần tăng việc luyện đề. Tuy nhiên, khi luyện đề cũng nên lựa chọn các dạng đề chất lượng của giáo viên các trường. Khi làm nhiều đề, học sinh sẽ thấy có những chỗ mình còn thiếu, chưa quen để giải quyết một cách nhanh chóng. “Cuối cùng, điều quan trọng nhất, trước khi bước vào kỳ thi, học sinh vẫn phải nắm chắc kiến thức cơ bản. Đó là cốt lõi của vấn đề giải quyết các bài toán vận dụng cao”, cô Huệ nói.

Kỳ thi năm nay phương thức không thay đổi, Bộ GD&ĐT đã công bố đề minh họa để giáo viên, học sinh các trường THPT bám sát đề minh họa ôn luyện. Tuy nhiên, một số giáo viên vẫn cho rằng, chỉ nên nhìn vào cấu trúc của đề minh họa để biết các dạng đề, trên thực tế, đề thi thật có thể sẽ khó hơn.

Với bài thi Ngữ văn, cô giáo Hoàng Thị Tú Anh (Trường THPT Việt Nam – Ba Lan, Hà Nội) đưa ra lời khuyên đó là không nên học tủ. Các em cần lập đề cương môn Văn bám sát theo đề thi các năm trước vì theo thông báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cấu trúc đề thi sẽ giữ ổn định, không thay đổi. Việc lập đề cương ôn luyện rất quan trọng bởi kiến thức trong 3 năm cấp ba sẽ rất nhiều, không thể nào ôn chi tiết toàn bộ kiến thức được mà nên vạch ra những chuyên đề kiến thức cần phải học. Trong quá trình học, chú ý lập dàn ý các ý quan trọng cần phải có để không mất điểm khi thi bởi không phải viết hay, viết dài là được điểm cao mà trước hết là phải đúng, chẳng hạn những phần kiến thức liên quan đến tác giả, tác phẩm không chấp nhận sai. Bên cạnh đó, cần học cách đưa quan điểm cá nhân vào bài thi, học cách liên hệ gắn với các sự việc, hiện tượng trong đời sống để bài văn thêm phong phú, thuyết phục giám khảo. Cuối cùng là rèn cách trình bày sạch sẽ, rõ ràng.

Cô Nguyễn Thị Thanh Hà, giáo viên cốt cán bộ môn Ngữ văn Trường THPT Tử Đà (Phú Thọ) lưu ý thêm, trong giai đoạn nước rút này, học sinh nên tập làm các đề hoàn chỉnh để vừa ôn tập kiến thức cơ bản vừa rèn khả năng viết. “Điều quan trọng khi ôn thi là phân chia thời gian hợp lý, các em không cần thức quá khuya sẽ ảnh hưởng sức khỏe”, cô Hà nói.

TS Phạm Hữu Cường (Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa Cường Phát – Hà Nội) cho biết, thời gian này trung tâm đang ôn tập nước rút cho các sĩ tử lớp 12. Lời khuyên cho các em đó là tập trung vào các kiến thức trọng điểm, hệ thống lại kiến thức thông qua các sơ đồ tư duy, các kiến thức cốt lõi. Ngoài ra, cần tập trung luyện đề vì sẽ giúp rèn phản xạ làm đề trong phòng thi.

Còn thầy giáo Phạm Trọng Huy (cựu học sinh chuyên Hóa, Trường THPT Lê Quý Đôn - Đà Nẵng) chia sẻ, các thí sinh nên chú trọng vào các phần lý thuyết của từng chương, xem lại toàn bộ lý thuyết, hệ thống hóa bằng sơ đồ tư duy và rèn luyện các đề tốc độ lý thuyết để không sai các câu cơ bản. Cần chú ý ôn lại các dạng bài tập cơ bản bám sát đề minh họa, không giải và học các đề thi không chuẩn, tức kiến thức nằm ở phần giảm tải hoặc chương trình nâng cao hoặc không có trong sách giáo khoa gây hoang mang, ảnh hưởng tâm lý đến kỳ thi.

Liên quan đến việc ôn thi tốt nghiệp THPT, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT), từng khuyên học sinh, muốn đạt kết quả cao, các em cần chủ động xây dựng kế hoạch học tập từng môn, tránh bị rối. Đối với từng môn cụ thể, học sinh nên dựng đề cương dạng sơ đồ kiến thức từng chương, từng chủ đề. Cuối cùng, học sinh luyện tập hết các dạng bài tập từ mức độ thấp đến cao.

Bên cạnh đó, các chuyên gia lưu ý, học sinh cần giữ tâm lý vững vàng, chăm chú ôn tập nhưng cũng cần kết hợp nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý để đạt hiệu quả cao nhất. Đặc biệt, với những vấn đề vướng mắc, các em nên trao đổi với bạn bè, thầy cô để tìm được câu trả lời thỏa đáng thay vì loay hoay mất quá nhiều thời gian tự tìm kiếm, thậm chí hoài nghi năng lực của chính bản thân mình.

Minh Hoa (t/h theo Đại Đoàn Kết, Tiền Phong)