Thầy giáo dặn dò HS lớp 12 trước khi thi tốt nghiệp THPT môn Toán

Admin

Còn hơn 10 ngày nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra. Đến thời điểm này, các trường THPT đã hoàn thành công việc ôn thi.

Thí sinh sắp bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Duy Hiệu.

Hầu hết học sinh ở nhà củng cố lại kiến thức trước khi kỳ thi diễn ra. Ai cũng biết Toán là môn bắt buộc để công nhận tốt nghiệp và làm cơ sở để xét tuyển sinh đại học.

Mặc dù nắm được cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT có 45 câu thuộc chương trình lớp 12 và 5 câu thuộc chương trình lớp 11, để làm bài môn Toán đạt hiệu quả, thí sinh phải có kiến thức, có phương pháp giải toán và có tâm lý vững vàng. Muốn vậy, các em cần đảm bảo các điều kiện sau.

Về kiến thức

Giai đoạn này, các em đừng vùi đầu vào giải đề vì càng giải đề, các em lại thấy vấn đề mới xuất hiện dẫn đến hoang mang. Theo thầy, các em cần tĩnh tâm xem lại những kiến thức nội dung đã học, ghi nhớ những công thức toán học và khắc sâu phương pháp làm bài của mỗi dạng toán.

Các em nên nhớ đề thi luôn có hai phần. Phần câu hỏi nhận biết và thông hiểu chiếm khoảng 7 điểm, phần câu hỏi vận dụng và vận dụng cao chiếm khoảng 3 điểm.

Thí sinh nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa là làm được phần nhận biết và thông hiểu, phần vận dụng đòi hỏi phải có tuy duy sáng tạo và liên kết với sâu chuỗi kiến thức mới giải được. Theo đề minh họa của bộ năm 2023 và đề thi tốt nghiệp năm 2022, đề thi có số câu thuộc một số chuyên đề sau:

Chuyên đề 1: Hàm số: Chiếm khoảng 11 câu, trong đó có 9 câu nhận biết và thông hiểu, 2 câu vận dụng. Học sinh cần tập trung vào các dạng câu hỏi là: Tìm khoảng đồng biến, nghịch biến của hàm số; tìm cực trị của hàm số; tìm giá trị lớn nhất và nhỏ nhất của hàm số; tìm đường tiệm cận của đồ thị hàm số, nhận dạng đồ thị hàm số; tìm số nghiệm thông qua sự tương giao của hai đồ thị hàm số.

Chuyên đề 2: Hàm số lũy thừa, hàm số mũ và lôgarit: Chiếm khoảng 8 câu, trong đó có 7 câu nhận biết và thông hiểu, có 1 câu vận dụng. Các em cần tập trung vào các dạng câu hỏi là: Tìm tập xác định của hàm số; tìm khoảng đồng biến, nghịch biến của hàm; tính giá trị của biểu thức; so sánh các số lũy thừa; tìm nghiệm của phương trình và bất phương trình mũ và lôgarit.

Chuyên đề 3: Nguyên hàm, tích phân và ứng dụng: Chiếm khoảng 6 câu, trong đó có 5 câu nhận biết và thông hiểu, có một câu vận dụng. Học sinh hãy tập trung vào các dạng câu hỏi là: Tìm nguyên hàm của hàm số; tính tích phân; tính diện tích hình phẳng; tính thể tích khối tròn xoay.

Chuyên đề 4: Số phức: Chiếm khoảng 6 câu, trong đó có 5 câu nhận biết và thông hiểu, có 1 câu vận dụng. Điều quan trọng là tập trung vào các dạng câu hỏi là: Tìm phần thực, phần ảo và tính mô đun của số phức; tìm số phức liên hợp; tìm nghiệm của phương trình với hệ số thực; tìm số phức có mô đun lớn nhất hay nhỏ nhất thông qua tập hợp điểm biểu diễn của số phức.

Chuyên đề 5: Khối đa diện và thể tích của chúng: Chiếm khoảng 4 câu, trong đó có 3 câu nhận biết và thông hiểu, có một câu vận dụng và nên tập trung vào các dạng câu hỏi là: Tìm số mặt đối xứng của khối đa diện; tìm thể tích của khối đa diện (chủ yếu khối chóp và khối lăng trụ); tìm tỷ số thể tích của khối đa diện.

Chuyên đề 6: Khối tròn xoay: Chiếm khoảng 2 câu, trong đó, có 1 câu nhận biết và thông hiểu, có một câu vận dụng nên hãy tập trung vào các dạng câu hỏi là: Tìm thể tích khối nón, khối cầu, khối trụ; tìm diện tích thiết diện của mặt phẳng cắt khối tròn xoay.

Chuyên đề 7: Phương pháp tọa độ trong không gian: Chiếm khoảng 8 câu, trong đó có 7 câu nhận biết và thông hiểu, có một câu vận dụng. Tập trung vào các dạng câu hỏi là: Tìm tọa độ của điểm thỏa điều kiện nào đó; tìm vectơ pháp tuyến của mặt phẳng; tìm vectơ chỉ phương của đường thẳng; tìm tọa độ tâm và tính bán kính mặt cầu; viết phương trình mặt phẳng, mặt cầu và đường thẳng; tìm tâm và tính bán kính đường tròn giao tuyến khi biết mặt phẳng cắt mặt cầu.

Chuyên đề 8: Cấp số cộng, cấp số nhân, tổ hợp, xác suất và tính khoảng cách: Đây là chương trình lớp 11 và chiếm khoảng 5 câu, trong đó có 4 câu nhận biết và thông hiểu, có một câu vận dụng. Tập trung vào các dạng câu hỏi là: Đối với cấp số cộng và cấp số nhân thì tìm số hạng đầu, tính tổng, tính công sai hay công bội; đối với tổ hợp và xác suất thì tìm số tự nhiên, tìm số cách chọn các đồ vật rồi tính xác suất; đối với hình học không gian thì tính khoảng cách từ một điểm đến một mặt phẳng, khoảng cách giữa hai đường thẳng chéo nhau và tính góc giữa hai đường thẳng, giữa đường thẳng và mặt phẳng.

Về phương pháp giải toán

Do học nhiều môn, các em cần biết sắp xếp các môn cho phù hợp. Buổi sáng, buổi chiều và buổi tối; mỗi buổi, thí sinh dành 2 giờ để coi lại kiến thức của các môn.

Các em nhớ rằng với 3 môn dùng để xét tuyển đại học, các em đầu tư nhiều hơn về cả lý thuyết và bài tập; còn 3 môn chỉ thi tốt nghiệp mà không dùng để xét tuyển thì đầu tư phần kiến thức cơ bản nhằm tránh bị điểm liệt. Các em có điểm tổng kết lớp 12 sẽ gánh phần điểm của ba môn này nên không phải lo lắng.

Đối với môn Toán, các em chú ý đến các dạng toán và mỗi dạng có cách giải như thế nào thì cần đọc lại, đọc đến đâu ngẫm nghĩ đến đó cho nó thấm.

Chúng ta đều biết để làm được các câu hỏi trong đề thi tốt nghiệp THPT, học sinh cần nắm chắc những kiến thức nói trên, ghi nhớ những công thức toán học và khắc sâu phương pháp giải mỗi dạng toán. Nhiều câu chỉ làm một vài giây, có câu làm một vài phút, câu vận dụng cao có khi làm cả 10-15 phút.

Như vậy, những học sinh có học lực yếu, trung bình làm phần câu hỏi nhận biết và thông hiểu; học sinh khá, giỏi và xuất sắc làm thêm phần câu hỏi vận dụng. Khi làm bài, học sinh cần chọn câu dễ làm trước, những câu khó, thí sinh đọc đề thật kỹ rồi vạch những hướng làm ra nháp, sau đó chọn cách làm thích hợp.

Thường với những câu khó, thí sinh phải tư duy để chọn cách giải tối ưu. Không được choáng ngợp khi thấy những bạn xung quanh xin nhiều giấy nháp mà phải tin tưởng vào bản thân mình. Nếu làm xong, các em đọc lại bài để kiểm tra sai sót lần cuối.

Về mặt tâm lý

Chúng ta biết rằng tâm trạng bước vào kỳ thi của mỗi học sinh là khác nhau. Nếu những học sinh đã trúng tuyển vào các trường đại học bằng kỳ thi năng lực hoặc bằng cách xét học bạ và những em không có nguyện vọng xét tuyển đại học thì tâm lý thoải mái vì chẳng có áp lực gì.

Còn những em lấy kết quả thi tốt nghiệp để xét vào các trường đại học, đặc biệt với trường tốp đầu rất áp lực rất lớn với mong muốn có điểm cao mới yên tâm.

Do đó, trước khi bước vào kỳ thi, quý bậc phụ huynh và giáo viên mong muốn các em có tinh thần thoải mái và sức khỏe tốt thì kết quả sẽ cao. Muốn có kết quả cao, yếu tố tâm lý rất quan trọng đối với mỗi học sinh. Kinh nghiệm cho thấy nếu học sinh học tốt nhưng hay hồi hộp, lo lắng và căng thẳng thì kết quả không đạt như mong muốn.

Muốn có tâm lý vững vàng trong quá trình ôn luyện, học sinh thường xuyên lên bảng làm bài để giáo viên rèn luyện phương pháp giải đồng thời chỉ ra những thiếu sót từ đó ta rút được kinh nghiệm cho bản thân.

Ngoài ra, các em cần tham gia một vài lần thi thử để làm quen dạng đề. Khi đi thi cần chuẩn bị dụng cụ đầy đủ và đến phòng thi sớm trước 15 phút để tinh thần thoải mái. Khi nhận đề thi, các em đọc đề thật kỹ nhiều lần để tìm ra hướng giải cho từng câu. Nếu hồi hộp và hoang mang, các em hãy hít từng hơi thật sâu rồi thở ra từ từ hay nắm chặt hai tay vào nhau để trấn tĩnh trở lại.

Kết thúc bài viết thầy gửi tặng các em học sinh lớp 12 một bài thơ:

CÁC SĨ TỬ THÂN YÊU !

Trống điểm trường thi đã đến rồi

Thầy có đôi lời dặn các em

Đi thi, đến sớm, mặt vui tươi

Hít sâu thở nhẹ hết hồi hộp

Đánh tan căng thẳng và lo âu

Bố mẹ đưa đón từng buổi thi

Đồng hồ báo thức kẻo quên giờ

Ăn uống đầy đủ cho có sức

Dụng cụ mang theo thật đúng đủ

Đọc đề, suy nghĩ tính đừng sai

Nhớ rằng, tô hết không bỏ sót

Điểm cao, ta chọn trường danh tiếng

Tương lai rộng mở đang chào đón

Hãy cố gắng lên sĩ tử ơi.

Sách về nghề giáo

Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:

Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.

Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên

Điểm thi THPT 2022

Hoc sinh hoang mang vi cu len TikTok lai thay ‘phot’ truong dai hoc hinh anh

Học sinh hoang mang vì cứ lên TikTok lại thấy ‘phốt’ trường đại học

0

Trong thời điểm chọn trường, nhiều học sinh bối rối vì TikTok xuất hiện hàng loạt bài đăng review trường đại học theo hướng tiêu cực hoặc “bóc trần góc khuất” của trường.

Nu sinh theo duoi khoi nganh ky thuat duoc giam 25-50% hoc phi hinh anh

Nữ sinh theo đuổi khối ngành kỹ thuật được giảm 25-50% học phí

0

Đại học Lạc Hồng, Đại học Cần Thơ là một trong những trường áp dụng giảm học phí cho nữ sinh trúng tuyển các ngành kỹ thuật.

Gan 10.000 hoc sinh TP.HCM duoc mien bai thi Ngoai ngu tot nghiep THPT hinh anh

Gần 10.000 học sinh TP.HCM được miễn bài thi Ngoại ngữ tốt nghiệp THPT

0

Toàn TP.HCM có 9.985 học sinh được miễn làm bài thi môn Ngoại ngữ và 85 em được miễn thi tất cả bài thi trong xét tốt nghiệp THPT 2023.

A khoa khoi C chi cach lam bai thi Lich su, Dia ly dat diem cao hinh anh

Á khoa khối C chỉ cách làm bài thi Lịch sử, Địa lý đạt điểm cao

0

Phạm Thị Trà Mi, á khoa toàn quốc khối C năm 2022, lưu ý một số phương pháp ôn tập và làm bài để đạt điểm cao ở môn Lịch sử và Địa lý.

De nghi cung cap dien on dinh trong ky thi tot nghiep THPT 2023 hinh anh

Đề nghị cung cấp điện ổn định trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023

0

Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương cung cấp điện, nước ổn định tại tất cả điểm thi trong thời gian diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023.