Ngày 25-5, Quốc hội (QH) thảo luận ở tổ, cho ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cùng nhiều nội dung quan trọng khác.
Nghị quyết riêng để phát triển doanh nghiệp
Tại tổ TP HCM, các đại biểu (ĐB) đánh giá cao những kết quả trong việc thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023. Dù vậy, bức tranh khó khăn của kinh tế trong nước với những tác động từ tình hình thế giới được các ĐB quan tâm, dành nhiều thời gian thảo luận để đưa ra các giải pháp cho thời gian tới.
ĐB Trần Anh Tuấn (đoàn TP HCM) cho rằng nguồn vốn đưa vào nền kinh tế còn chậm, đầu tư công vẫn là điểm nghẽn dù Chính phủ đã có nhiều giải pháp để cải thiện tiến độ giải ngân vốn. Ông Tuấn phân tích việc chuẩn bị đầu tư dự án kéo dài, làm chậm quá trình triển khai thực hiện dự án nhưng các cơ quan không làm rõ chậm ở khâu nào, do ai, để khắc phục, xử lý trách nhiệm. Tiến độ giải ngân chương trình phục hồi và phát triển kinh tế triển khai trong hai năm 2022 và 2023 chậm, theo ông Tuấn, đã làm mất đi ý nghĩa, mục tiêu cấp bách của chương trình này.
Đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn (đoàn TP HCM) phát biểu tại buổi thảo luận ở tổ. Ảnh: VĂN PHÚC
Khó khăn của người dân, doanh nghiệp (DN) đang đặt ra nhiều thách thức cho Chính phủ. Theo ĐB Lê Thanh Vân, có tiểu thương ở chợ Bến Thành (TP HCM) than với ông có thời điểm, 2 tuần không bán được mặt hàng nào. "Như vậy, cầu trong nước giảm, DN nợ lương, người dân phải thắt lưng buộc bụng. Trong khi đó, các dự án cổng chào, tượng đài vẫn triển khai" - ông Lê Thanh Vân đặt vấn đề. ĐB Tô Thị Bích Châu (đoàn TP HCM) cũng dẫn chứng ngay tại quận 1, quận sầm uất nhất của TP HCM nhưng đã có khoảng 30% cửa hiệu đóng cửa, DN không đủ nguồn lực để trang trải chi phí, nhất là thuê mặt bằng.
Theo ĐB Đinh Ngọc Minh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của QH, năm nay kinh tế tăng trưởng chậm lại thì phải có giải pháp để tháo gỡ khó khăn, các giải pháp Chính phủ đưa ra còn chung chung. Ông Minh đề xuất thời điểm này chọn 1-2 giải pháp cụ thể để phục hồi tốt nền kinh tế, như giảm chi phí logistics. Ông Minh cũng đề nghị QH có một nghị quyết riêng để phát triển DN. Theo ĐB Nguyễn Thị Thu Nguyệt (đoàn Đắk Lắk), việc Chính phủ thời gian qua quá chú trọng kiểm soát lạm phát đã dẫn tới tình trạng lãi suất cao trong khi DN gặp khó khăn. Bà Nguyệt cho rằng việc điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng được thực hiện chậm đã dẫn tới nhiều bất cập trong hỗ trợ phát triển sản xuất - kinh doanh. Vì vậy, bà đề nghị Chính phủ thời gian tới cần điều hành tỉ giá, lãi suất linh hoạt, phù hợp; chỉ đạo hệ thống ngân hàng tiết giảm chi phí, tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Chính phủ cần tiếp tục có các giải pháp đồng hành, hỗ trợ DN, người dân như giãn, giảm thuế; chính sách hỗ trợ vốn mua nhà ở xã hội cho người lao động cần dễ tiếp cận hơn.
ĐB Đoàn Thị Thanh Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, đề nghị Chính phủ tập trung giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH và 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Điều này sẽ giúp hỗ trợ nguồn lực rất lớn bảo đảm tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, có giải pháp về hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường. Rà soát, tháo gỡ ngay các rào cản liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh của DN. Nhiều ĐB cũng đề nghị giám sát chặt việc giải ngân vốn đầu tư công và có chế tài xử lý trách nhiệm các cá nhân, tổ chức khi không hoàn thành kế hoạch giải ngân.
Bỏ tâm lý sợ sai khi thực thi công vụ
Chỉ ra thực trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, nhiều ĐB nhấn mạnh đây là vấn đề "rất đáng lo ngại", làm ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH của đất nước.
ĐB Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH, cho rằng tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức sợ sai, né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng cũng có nguyên nhân xuất phát từ thể chế. Theo ông Đức, vướng mắc về cơ chế đang gây khó khăn cho nền kinh tế, và việc các dự án năng lượng tái tạo không thể đấu nối, bán điện do vướng mắc về giá là một dẫn chứng. "Rõ ràng các bộ, ngành không giải quyết được vướng mắc này thì đó là câu chuyện thể chế. Cùng với đó là tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm. Thủ tướng đã chỉ đạo giải quyết nhưng các bộ, ngành làm chưa quyết liệt. Những người đứng đầu phải trăn trở, thể hiện trách nhiệm để đưa ra các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, không để tình trạng sợ sai, né tránh cản trở quá trình này" - ĐB Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đề cập đến khó khăn rất lớn hiện tại là ách tắc thủ tục hành chính. Theo Bộ trưởng, nhiều DN bày tỏ sự lo lắng trước tình trạng các thủ tục ở nhiều địa phương giải quyết rất chậm, nhất là trong bối cảnh có tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy, làm chậm tiến độ công việc. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong các ĐB ở các đoàn sớm giám sát, góp ý về các công việc ở địa phương để cải thiện thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh.
Tham gia thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định không thể bênh vực, bao che với các biểu hiện sợ sai, không dám làm của một bộ phận cán bộ, công chức. Theo Bộ trưởng, đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức đã vi phạm các quy định theo nghị quyết của Đảng, quy định của Luật Chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Cán bộ, công chức. Để khắc phục, bên cạnh nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của cán bộ, công chức, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh cần hoàn thiện thể chế, khắc phục những chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật để xóa bỏ tâm lý sợ sai khi thực thi công vụ.
Lương hưu không đủ sống
ĐB Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP HCM) đề nghị Chính phủ sớm xây dựng lộ trình cải cách tiền lương. Theo ông Nhân, nhiều công nhân, người lao động làm việc 30 năm ở doanh nghiệp, đóng đủ bảo hiểm xã hội nhưng khi về hưu chỉ nhận mức lương 2,5 - 3 triệu đồng/tháng, không đủ sống. Do đó, không ít người sau khi về hưu phải tìm việc làm thêm để trang trải. ĐB Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Chính phủ khi xây dựng lộ trình cải cách tiền lương, cần xác định mục tiêu lương tối thiểu phải bảo đảm mức sống tối thiểu. Đồng thời, xác định nguyên tắc trả lương để người đi làm ngoài nuôi bản thân, còn nuôi được con nhỏ và cha mẹ già.