Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội với ngành hàng xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam. Hiện tỷ lệ phá rừng để sản xuất cà phê tại Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 0,1%. Việt Nam cũng đã cấm khai thác rừng tự nhiên từ năm 2016.
Với diện tích cà phê hơn 700.000 ha, cho sản lượng hơn 1,8 triệu tấn, nông dân không mở rộng diện tích, chỉ tái canh trên diện tích sẵn có nên luật cấm của EU không đáng ngại với cà phê Việt Nam.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khó khăn lớn nhất hiện nay là việc truy xuất nguồn gốc, yêu cầu của phía EU là 100% sản phẩm cà phê xuất khẩu vào thị trường này phải có thông tin định vị (GPS) đến từng vườn để xác nhận về nguy cơ gây mất rừng bằng các hệ thống giám sát viễn thám, đòi hỏi những giải pháp đồng bộ để hỗ trợ các doanh nghiệp.
Cà phê đặc sản được thu hoạch lựa chọn với tỷ lệ quả chín đạt từ 90 - 95%. (Ảnh: TTXVN)
Giải pháp sản xuất cà phê không gây phá rừng
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện cũng đang dự thảo kế hoạch hành động để thích ứng với đạo luật mới của EU, cùng với đó phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, cũng như phía EU thống nhất kế hoạch hành động đáp ứng với quy định mới của phía EU, để sản phẩm cà phê Việt ngày càng khẳng định sức cạnh tranh tại thị trường quan trọng này.
Một hội nghị bàn thảo về sản xuất và cung ứng cà phê không gây mất rừng theo quy định của EU vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Cùng với tiềm năng mở rộng quy mô thị trường, quy định mới của EU đòi hỏi ngành cà phê phải tuyệt đối tuân thủ tiêu chuẩn bền vững, đảm bảo khả năng truy xuất và minh bạch. Điều này đang gây khó cho các nhà sản xuất cà phê Việt Nam khi phải thiết lập các hệ thống dữ liệu ở nhiều cấp để truy xuất nguồn gốc hạt cà phê của mình.
"Hiệp hội sẽ kết hợp vận động các tổ chức phi Chính phủ cũng như các tổ chức quốc tế, các khách hàng lớn mua cà phê tại Việt Nam để chúng ta có một nguồn chi phí hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc truy xuất nguồn gốc tận vườn", ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, cho biết.
"Hiện nay chúng tôi đang tích cực làm việc với các cơ quan kỹ thuật của Liên minh châu Âu, các tổ chức tư vấn, cũng như tất cả các đơn vị kỹ thuật trong bộ, nhanh chóng phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp, hội nông dân để có thể xây dựng một bộ cơ sở dữ liệu dùng chung giúp giảm chi phí khi khai báo thông tin", ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay.
Tại hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lần đầu tiên đề xuất khung kế hoạch hành động cấp quốc gia cho ngành cà phê nhằm đáp ứng quy định mới của EU, trong đó nhấn mạnh đến việc thành lập nhóm đối tác công tư hỗ trợ cho các ngành hàng theo hướng minh bạch và bền vững, đáp ứng yêu cầu đa dạng của thị trường.
"Việc hợp tác công tư trong các vùng sản xuất này khiến khả năng phát triển bền vững mở rộng ra rất nhanh. Chúng tôi bắt đầu với 1.000 nông dân vào năm 2014, đến bây giờ chúng tôi đã mở rộng đến 100.000 nông dân chỉ trong 10 năm và sản xuất bền vững ở nhiều lĩnh vực khác nhau", bà Trần Quỳnh Chi, Giám đốc Vùng Cảnh quan châu Á, Tổ chức IDH, thông tin.
Chế biến cà phê tại một công ty. (Ảnh: TTXVN)
Đại diện EU cam kết sẽ đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trong quá trình thực hiện để giải quyết các thách thức về môi trường một cách hiệu quả hơn, không chỉ sản xuất các sản phẩm an toàn, giảm phát thải khí nhà kính, mà còn nâng cao sinh kế cho các nông hộ, đặc biệt là các nông hộ cà phê tại những khu vực rủi ro cao.
Mô hình cà phê cảnh quan thích ứng với quy định mới
Thực tế tại Tây Nguyên trong những năm vừa qua, mô hình cà phê cảnh quan - một trong những mô hình được cho là đáp ứng với những quy định của EU, đã được triển khai. Đây là mô hình trồng cà phê xen canh với các cây trồng khác để tạo cảnh quan sinh thái, giúp giảm 17% lượng nước tưới và 10% lượng CO2 phát thải ra môi trường. Đó cũng chính là hướng đi bền vững giúp nông dân trồng cà phê thích ứng với xu thế thị trường.
Mô hình cà phê cảnh quan của Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp hữu cơ Đắk Nông được ngăn cách với khu dân cư, đường sá và các vườn cà phê truyền thống khác bởi một vùng đệm bằng cây cối. Hơn 20 ha cà phê được canh tác theo chuẩn hữu cơ. Trong vườn, cà phê chung sống hài hòa với các loại cây tầng cao như hồ tiêu và cả những cây bụi, cỏ dại. Mỗi tầng sinh thái đều có tác dụng riêng và giúp chất lượng cà phê thăng hạng.
"Cây hồ tiêu là tầng cao để che nắng, che gió, sương để điều tiết nhiệt độ của vườn. Tầng trung là cà phê. Tầng thấp là nuôi thảm thực vật", ông Phạm Văn Thạch, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đắk Nông, chia sẻ.
"Các vấn đề về hóa chất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được kiểm soát chặt chẽ nên quả cà phê tích lũy tự nhiên, ổn định. Quả cà phê đáp ứng được tiêu chuẩn cà phê đặc sản", ông Phạm Công Trí, Viện Khoa học kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên, cho biết.
Sau 5 năm thực hiện, chi phí sản xuất cà phê cảnh quan đã giảm được 11% so với cách trồng truyền thống. Sản lượng cà phê cảnh quan lại cao hơn, lên tới 3,5 tấn/hecta. Giá cà phê cảnh quan cũng cao hơn nhiều so với cà phê sản xuất truyền thống. Không những thế, nông dân còn có thêm thu nhập từ các loại cây trồng đan xen.
"Bằng các hoạt động nâng cao năng suất, sản xuất cũng như hỗ trợ người dân thực hành nông nghiệp tốt để đảm bảo cà phê của chúng ta đáp ứng được yêu cầu của thị trường", ông Đỗ Ngọc Sỹ, Giám đốc bền vững châu Á Thái Bình Dương, Công ty JDE PEET'S, cho hay.
"Cùng với giải pháp kỹ thuật cũng như giải pháp về tổ chức, như tổ chức nông dân, tổ chức chuỗi thu mua, cùng với các công ty, chương trình này là nền tảng cơ bản và quan trọng để chúng ta chủ động ứng phó với những quy định của thị trường", bà Trần Thị Quỳnh Chi, Giám đốc khu vực Châu Á, Chương trình Cảnh quan IDH, nhận định.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2022, EU nhập khẩu hơn 3 triệu tấn cà phê, trị giá gần 13 tỷ Euro. Với khối lượng xuất khẩu đạt hơn 660.000 tấn, trị giá hơn 1,5 tỷ Euro, Việt Nam là nhà cung cấp cà phê ngoại khối lớn thứ 2 cho EU, chỉ đứng sau Brazil. Quy định mới của EU cũng chính là cơ hội để cà phê Việt Nam phát triển theo định hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh.