Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Xuân Anh Duy, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội (IVF Tâm Anh), cho biết hoạt động thể chất thường xuyên, cường độ vừa phải giúp cải thiện lưu lượng máu đến các cơ quan, phát triển cơ bắp, tăng nhạy cảm của thụ thể hormone, thúc đẩy quá trình phóng thích các hormone sinh dục. Điều này cũng giúp cân bằng môi trường hormone trong cơ thể, tăng tiết endorphin cải thiện sức khỏe tinh thần và các hormone hỗ trợ quá trình trao đổi chất như leptin kiểm soát cảm giác đói... Nhờ đó cơ thể giảm mỡ và hạn chế nguy cơ mắc một số bệnh lý liên quan đến béo phì có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở cả hai giới.
Bác sĩ Duy lưu ý tập thể dục không đúng cách có thể gây rối loạn khả năng sinh tinh, giảm số lượng, khả năng di động và khả năng sống của tinh trùng, giảm chức năng hoạt động của buồng trứng... ảnh hưởng sức khỏe sinh sản.
Tập luyện quá sức kéo dài có thể gây mệt mỏi mạn tính, suy nhược cơ thể, thậm chí rối loạn điều tiết hormone. Chẳng hạn khi tập luyện đều đặn với cường độ vừa phải giúp giảm mức cortisol (hormone gây căng thẳng được tiết bởi tuyến thượng thận) cơ bản và cải thiện khả năng chống chịu căng thẳng của cơ thể. Ngược lại, tập luyện cường độ cao kéo dài có thể làm tăng mức cortisol, gây hại sức khỏe tinh thần.
Nam giới tập luyện không đúng cách có thể bị giảm sản xuất hormone testosterone, dẫn đến các biểu hiện suy sinh dục như giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương, lượng tinh dịch thấp. Ở nữ giới, thói quen này có thể dẫn đến rối loạn kinh nguyệt, giảm khả năng sinh sản.
Bác sĩ Duy lý giải thiếu hụt năng lượng liên tục do tập luyện quá sức kéo dài có thể làm thay đổi quá trình sản xuất và hoạt động bình thường của các hormone sinh sản của trục dưới đồi - tuyến yên - buồng trứng. Lúc này, các hormone chịu trách nhiệm cho việc kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt đều đặn bình thường như GnRH, FSH, LH bị ức chế, từ đó dẫn đến nồng độ estrogen và progesterone giảm gây rối loạn chức năng phóng noãn, rối loạn kinh nguyệt. Giai đoạn hoàng thể bị rút ngắn, nồng độ progesterone thấp khiến cho chất lượng nội mạc tử cung kém cũng khó thụ thai hoặc sảy thai sớm.
Ngoài việc ảnh hưởng đến vấn đề sinh sản, rối loạn điều tiết hormone do vận động cường độ cao kéo dài khiến cơ thể luôn trong trạng thái thiếu hụt năng lượng, có thể tạo ra nhiều vòng xoắn bệnh lý phức tạp.
Chế độ ăn uống kiêng khem nghiêm ngặt khi tập luyện có thể khiến cơ thể thiếu hụt nhiều dưỡng chất thiết yếu như vitamin D, B12 và các nguyên tố vi lượng như sắt, canxi, kẽm... dẫn đến thiếu hụt năng lượng, ảnh hưởng xấu đến quá trình trao đổi chất. Điều này có thể khiến cơ thể nữ giới giảm hoặc thậm chí ngừng sản xuất estrogen.
Bác sĩ Duy cho biết lượng mỡ phụ nữ cần tối thiểu là 17% để có kinh nguyệt và 22% để duy trì phóng noãn đều đặn. Dưới mức này sẽ xảy ra rối loạn phóng noãn và kinh nguyệt không đều, gây khó thụ thai. Các nghiên cứu cho thấy chỉ số khối cơ thể (BMI) duy trì trong giới hạn bình thường giúp tăng khả năng sinh sản ở nữ giới. Tương tự, nam giới có chỉ số BMI thấp có thể gặp vấn đề về sinh sản do bất thường hormone và thiếu hụt dinh dưỡng. Chế độ ăn ít chất béo có khả năng dẫn đến giảm sản xuất testosterone ở tinh hoàn, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất tinh trùng, tăng mức hormone FSH nền và giảm mật độ tinh trùng.
Thiếu hướng dẫn chuyên môn có thể khiến người tập không hiểu rõ cách thức, tác động của bài tập đến cơ thể, dễ gặp sai lầm, có thể dẫn đến chấn thương vùng bụng hoặc cơ quan sinh dục, nhất là các môn thể thao va chạm mạnh, bài tập cường độ cao.
Với nam giới, chấn thương có thể ảnh hưởng hệ thần kinh, rối loạn sản xuất testosterone, tổn thương tinh hoàn hoặc biến dạng cơ quan sinh dục, gây vô sinh. Ở nữ giới, tư thế không đúng cách có thể tạo áp lực lên vùng chậu và cơ quan sinh dục. Những chấn thương vật lý vùng chậu, sẹo sau phẫu thuật có thể gây tổn thương lâu dài đến chức năng của cơ quan sinh sản.
Tập luyện không điều độ, không có kế hoạch cụ thể hoặc không đều đặn, những thay đổi thất thường trong lối sống và tập luyện ảnh hưởng đến sự cân bằng hormone.
Lười vận động làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì, tăng mức estrogen, giảm chức năng hoạt động sinh lý của buồng trứng, nguy cơ viêm nhiễm phụ khoa và một số bệnh lý ảnh hưởng đến khả năng sinh sản nữ như hội chứng buồng trứng đa nang, đái tháo đường, cao huyết áp... Thừa cân, béo phì cũng ảnh hưởng xấu đến chất lượng, giảm số lượng, khả năng di động, khả năng sống của tinh trùng, rối loạn cương dương.
Tập luyện trong môi trường nhiệt độ cao làm tăng nhiệt độ cơ thể. Ở nam giới, điều này ảnh hưởng xấu đến chất lượng tinh trùng như giảm nồng độ, khả năng di chuyển và số lượng tinh trùng. Nếu nhiệt độ ở tinh hoàn cao bằng hoặc hơn nhiệt độ cơ thể, tinh hoàn có thể ngừng sinh tinh. Đối với nữ giới, thói quen này kéo dài có thể giảm khả năng sinh sản thông qua đẩy nhanh quá trình lão hóa buồng trứng, theo bác sĩ Duy.
Không bổ sung đủ nước khi tập luyện dễ gây mất nước, cơ thể căng thẳng, ảnh hưởng quá trình trao đổi chất, rối loạn nội tiết. Với nữ giới, mất nước có thể làm tăng estrogen, ảnh hưởng chu kỳ kinh nguyệt, cơ thể mệt mỏi, đau đầu và dễ bị kích ứng. Đây cũng là yếu tố gây khô hạn, giảm ham muốn tình dục, giảm cơ hội thụ thai. Với nam giới, mất nước làm giảm lưu lượng máu đến cơ quan sinh sản, căng thẳng, góp phần gây ra chứng rối loạn cương dương, giảm ham muốn, giảm chất lượng tinh trùng.
Tập thể dục quá muộn vào buổi tối có thể tạo cảm giác hưng phấn tạm thời, từ đó làm rối loạn, giảm chất lượng giấc ngủ. Đây là một trong những nguyên nhân gây mất cân bằng hormone ở cả nam và nữ.
Thiếu ngủ trong thời gian dài có khả năng ảnh hưởng đến hormone kích hoạt rụng trứng LH, gây rối loạn chu kỳ kinh nguyệt. Tình trạng này còn gây căng thẳng, stress do cơ thể sản sinh nhiều cortisol, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý có ảnh hưởng đến khả năng thụ thai như đái tháo đường, bệnh tim mạch, béo phì. Ở nam giới, căng thẳng làm giảm testosterone, dẫn tới giảm số lượng cũng như chất lượng tinh trùng, giảm ham muốn và khả năng tình dục.
Bác sĩ Duy khuyến cáo các cặp vợ chồng nên duy trì thời gian ngủ khoảng 7-8 giờ mỗi đêm để duy trì chức năng sinh lý nội tiết, điều hòa chu kỳ kinh nguyệt, cải thiện chất lượng trứng và tinh trùng.
Sử dụng thuốc tăng cơ, chất kích thích như steroid hoặc các chất tăng cường hiệu suất thể thao mà không qua tư vấn y tế có thể dẫn đến mất cân bằng nội tiết, giảm sản xuất tinh trùng, rối loạn cương dương, thậm chí teo tinh hoàn.
Ở nữ giới, các chất này có thể gây rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, mất cân bằng hormone, tăng nguy cơ bị rối loạn buồng trứng và tử cung, ảnh hưởng khả năng sinh sản. Nhiều nghiên cứu cho thấy sử dụng steroid trong thời gian dài khiến khả năng sinh sản khó phục hồi ngay cả khi ngừng sử dụng.
Trịnh Mai