Tạo hình phế quản cho bệnh nhân ung thư phổi

Admin

Hà NộiHo kéo dài suốt hai tháng uống thuốc không bớt, người phụ nữ 63 tuổi đi khám, bác sĩ phát hiện khối u ung thư phổi nằm ở vị trí khó đòi hỏi phải cắt phế quản.

Ngày 24/9, TS.BS Nguyễn Khắc Kiểm, Trưởng Khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện K, cho biết bệnh nhân ung thư phổi trái giai đoạn sớm, kết quả giải phẫu bệnh ung thư biểu mô tuyến.

"Khối u nằm ở vị trí phế quản gốc trái nên không thể phẫu thuật cắt u theo phương pháp thông thường, đòi hỏi phải cắt, nối và tạo hình phế quản bảo tồn thùy phổi", bác sĩ Kiểm nói, thêm rằng đây là kỹ thuật khó trong ngoại khoa điều trị ung thư.

Sau hội chẩn, các bác sĩ phẫu thuật cắt đoạn phế quản gốc dài 1,5 cm và nối hai đầu phế quản được cắt rời. Kỹ thuật tạo hình này nhằm khôi phục chức năng phế quản cho bệnh nhân. Ca mổ kéo dài 3 giờ, bệnh nhân ổn định sau mổ.

Hình ảnh chụp khối u phổi của bệnh nhân. Ảnh: Hà Trần

Hình ảnh chụp khối u phổi của bệnh nhân. Ảnh: Hà Trần

Ung thư phổi là bệnh lý ác tính hình thành do sự biến đổi bất thường của các tế bào biểu mô phế nang, phế quản. Theo Globocan 2022, đây là bệnh ác tính có tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong cao trong top 3, cùng với ung thư gan và vú.

Hiện, Việt Nam có những bước tiến lớn về phương pháp điều trị như phẫu thuật, xạ, hóa trị, liệu pháp thuốc đích, miễn dịch. Song, việc tầm soát phát hiện sớm ung thư phổi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nếu được phát hiện sớm, tỷ lệ chữa khỏi cũng như chi phí, thời gian, chất lượng cuộc sống của người mắc thuận lợi hơn rất nhiều.

Dấu hiệu của ung thư phổi là ho dai dẳng, đau tức ngực, khàn tiếng không hồi phục, ho ra máu, thở khò khè, khó thở, giảm cân không rõ nguyên nhân, đau đầu, đau mỏi cơ... Tầm soát là cách để phát hiện sự hiện diện ung thư phổi ở người khỏe mạnh có nguy cơ cao mắc bệnh. Phương pháp là chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp (Low-dose CT scan) để tìm khối u.

Lê Nga