Tăng tốc ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025

Admin

Năm học 2024-2025 là năm học đầu tiên học sinh khối lớp 12 hoàn thành Chương trình GDPT 2018 với những thay đổi căn bản từ chương trình định hướng nội dung sang chương trình định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương tổ chức cho học sinh lớp 12 làm quen với cách thức thi mới.

Chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa, học sinh lớp 12, lứa đầu tiên theo Chương trình GDPT 2018 sẽ thi tốt nghiệp THPT. Các địa phương, nhà trường đang tổ chức thi thử, tăng tốc ôn tập để học sinh làm quen với dạng đề thi mới.

Năm 2025 là năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cũng là năm đầu tiên áp dụng quy chế thi sửa đổi, bổ sung với nhiều điểm mới so với năm 2024.

Nhằm giúp học sinh lớp 12 chuẩn bị tốt cho kỳ thi đầu tiên theo chương trình mới, Bộ GD&ĐT đề nghị các sở GD&ĐT tổ chức cho học sinh tập dượt, làm quen với cách thức tổ chức kỳ thi, trước khi kỳ thi chính thức diễn ra.

Tăng tốc ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Theo Hà Nội Mới, các địa phương cần tổ chức cho học sinh lớp 12 làm quen với dạng thức thi của Bộ GD&ĐT đã công bố và cách thức tổ chức thi; tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh lớp 12 nghiên cứu, học tập quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông bảo đảm chất lượng, hiệu quả nhằm giúp các thành viên tham gia kỳ thi nghiêm túc, an toàn. Việc tổ chức thi thử các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông cấp trường, cấp tỉnh cần phù hợp với điều kiện thực tế, trên tinh thần tự nguyện của học sinh, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 diễn ra ngày 26 và 27/6. Thí sinh đăng ký dự thi từ ngày 21/4 đến ngày 28/4 theo hình thức trực tuyến trên hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia. Dự kiến có khoảng hơn 1,1 triệu thí sinh đăng ký dự thi.

Trước thời điểm thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi chính thức, Bộ GD&ĐT sẽ mở hệ thống để thí sinh tập dượt đăng ký dự thi. Việc này giúp thí sinh làm quen với giao diện cũng như các bước cần thực hiện trên hệ thống, qua đó giảm sai sót, nhầm lẫn trong quá trình đăng ký dự thi.

Theo VOV với việc định hướng xây dựng đề thi tốt nghiệp có tính phân hóa, Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường đại học dùng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển, bởi trên nhiều phương diện, kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn là căn cứ tốt, tin cậy, bớt tốn kém, đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục.

Với lứa thí sinh đầu tiên theo chương trình 2018, việc trải qua kì thi thử do các nhà trường hay Sở GD&ĐT địa phương tổ chức ít nhiều giúp các em đánh giá được kiến thức cũng như có phương án luyện tập, làm quen với cấu trúc, định dạng đề thi, định hình được phương pháp làm bài cũng như giảm bớt áp lực tâm lý khi bước vào kỳ thi chính thức. Các kỳ thi thử cũng giúp giáo viên và học sinh đánh giá được mức độ tiếp thu kiến thức, từ đó có kế hoạch ôn tập phù hợp hơn.

"Điều quan trọng là kỳ thi thử cần được thiết kế một cách hợp lý, phản ánh đúng mức độ của đề thi thật để tránh gây hoang mang hoặc đánh giá sai năng lực của học sinh. Một số địa phương có thể đã tổ chức thi thử với độ khó cao hơn nhằm thúc đẩy học sinh cố gắng, nhưng nếu quá khó sẽ gây tác dụng phụ không mong muốn, chẳng hạn tạo ra tâm lý lo lắng chán nản. Tuy nhiên, tôi chắc rằng sẽ không có tình trạng này bởi vừa qua Bộ GD&ĐT đã tổ chức 2 đợt tập huấn cho giáo viên tất cả các môn trên cả nước về công tác ra đề thi tốt nghiệp THPT", GS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT phân tích.

Trúc Chi (t/h )