Tăng 60 kg trong hai năm do mắc chứng cuồng ăn

Admin

Hà NộiChị Hà, 27 tuổi, béo phì độ ba, mắc chứng rối loạn ăn uống, phải điều trị béo phì kết hợp kiểm soát tâm lý để giảm cân.

Khi đến Trung tâm Kiểm soát cân nặng và điều trị béo phì, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, chị Hà cao 1,7 m, nặng 131 kg, chỉ số BMI 45,2. Ngày 26/3, tiến sĩ, bác sĩ Lê Bá Ngọc, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát cân nặng và điều trị béo phì, ghi nhận chị Hà béo phì độ ba, mỡ nội tạng 248,1 cm2 (ngưỡng bình thường 100 cm2), gan nhiễm mỡ độ ba, tiền đái tháo đường, tăng huyết áp.

Hà tăng hơn 60 kg trong hai năm do rối loạn ăn uống, sau biến cố hôn nhân. Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Dương, lĩnh vực tâm lý - tâm thần, khoa Nội Tổng hợp, cho biết rối loạn ăn uống đặc trưng bởi các cơn ăn mất kiểm soát (ăn lượng lớn thức ăn trong thời gian ngắn) kèm cảm giác xấu hổ, tội lỗi, nhưng không có hành vi bù trừ (nôn ói, nhịn ăn, tập thể dục quá mức). Chị Hà còn có các biểu hiện điển hình như ăn nhanh, ăn đến mức đau bụng dù không đói với tần suất ba cơn một tuần (mức độ nặng), cảm giác mất kiểm soát trong khi ăn, ghét bản thân, trầm cảm sau cơn ăn. "Nguyên nhân có thể do sang chấn tâm lý sau ly hôn", bác sĩ Dương chẩn đoán.

Đôi tay của chị Hà khi cân nặng chạm mốc 131 kg. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Đôi tay của chị Hà khi cân nặng chạm mốc 131 kg. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Các bác sĩ chuyên khoa nội tiết, tâm lý - tâm thần, chuyên viên dinh dưỡng, vận động y học hội chẩn để điều trị chứng ăn uống vô độ và giảm cân, tránh nguy cơ biến chứng do béo phì cho người bệnh. Trước tiên, chị Hà được trị liệu tâm lý kèm sử dụng thuốc để ổn định hành vi ăn uống, giảm tần suất ăn vô độ và rối loạn lo âu.

Chuyên viên dinh dưỡng lên thực đơn giúp chị đảm bảo đủ protein, chất xơ, hạn chế lượng calo nạp vào nhưng không ăn kiêng khắc nghiệt. Ưu tiên hàng đầu trong thời gian này là hỗ trợ người bệnh thiết lập ăn uống lành mạnh, khoảng 1.800-2.000 calo một ngày, trước khi tập trung vào giảm cân. Dựa vào kết quả đo InBody, bác sĩ đánh giá lượng cơ của Hà khá phát triển (37,8 kg) nhưng lượng mỡ dư thừa rất lớn, nhất là diện tích mỡ nội tạng. Vì vậy, chị cần lựa chọn các thực phẩm giúp duy trì khối cơ và giảm lượng mỡ thừa.

Chuyên viên dinh dưỡng tư vấn chị Hà cách xây dựng thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Chuyên viên dinh dưỡng tư vấn chị Hà cách xây dựng thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Người bệnh được hướng dẫn ghi lại nhật ký ăn uống để bản thân và bác sĩ nhận diện cảm xúc hoặc tình huống kích hoạt cơn ăn vô độ, phát hiện hành vi lặp lại nhằm theo dõi sự tiến bộ và điều chỉnh kế hoạch điều trị kịp thời. Qua nhật ký, bác sĩ phát hiện chị có thói quen ăn đêm khi cảm xúc cô đơn trỗi dậy. Do đó, bác sĩ yêu cầu chị thay đổi thói quen này bằng cách đi bộ nhẹ nhàng vào buổi tối, xem phim, đọc sách trước khi ngủ. Khi thèm ăn, chị có thể dùng các loại hạt, sữa chua không đường.

Bác sĩ chỉ định dùng thuốc giảm cân cho người bệnh làm tăng cảm giác no hỗ trợ kiểm soát chứng rối loạn ăn uống. Tuần đầu tiên, chị đi bộ 20-30 phút mỗi ngày, sau khi quen với cường độ tập luyện này thì thực hiện các bài tập kháng lực tại nhà để tăng khả năng đốt cháy calo, kiểm soát cơn thèm ăn tốt hơn.

Sau hai tháng điều trị, chứng rối loạn ăn uống của chị Hà cơ bản đã được kiểm soát, tinh thần phấn chấn hơn. Người bệnh giảm 6 kg, các chỉ số khác như mỡ nội tạng, chức năng gan, tiền đái tháo đường cải thiện dần. Mục tiêu điều trị của các bác sĩ trong thời gian tới là giúp chị kiểm soát vấn đề tâm lý, tiếp tục giảm cân, giảm mỡ nội tạng, đưa các chỉ số huyết áp, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ về ngưỡng an toàn.

Minh Đức

*Tên người bệnh đã thay đổi

Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp