Suy gan, tổn thương thận do mắc xoắn khuẩn sau mưa lũ

Admin

Hà NộiNgười đàn ông 53 tuổi đau mỏi cơ, sốt rét run, khi vào viện đã suy thận nặng, thở máy, bác sĩ phát hiện nhiễm loại vi khuẩn trong nước lũ.

Ngày 2/10, đại diện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết người đàn ông ở Yên Bái, tiền sử gout mạn tính, men gan cao. Cách vào viện khoảng một tuần, bệnh nhân dọn dẹp nhà cửa sau bão lũ, sau đó xuất hiện sốt rét run, tiêu chảy. Khi nhập Bệnh viện Đa khoa Yên Bái, bệnh tiến triển nặng, sốt, tụt huyết áp, suy hô hấp, ý thức giảm.

Bệnh nhân được đặt nội khí quản và chuyển Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Các bác sĩ chẩn đoán ông nhiễm Leptospira (bệnh xoắn khuẩn vàng da), viêm phổi, viêm tụy cấp, suy thận... Sau 9 ngày điều trị, bệnh nhân tỉnh táo, bỏ thở máy, chức năng gan thận tiến triển.

Ngoài trường hợp trên, bệnh viện tiếp nhận 5 người trong một gia đình ở Thái Nguyên. Trong đó, người đàn ông 48 tuổi phải nhập Khoa Cấp cứu do diễn biến nặng, men gan tăng cao, suy thận cấp và giảm tiểu cầu. 4 người còn lại gồm vợ, con và hai cháu điều trị tại Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp.

Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân mắc bệnh xoắn khuẩn vàng da, gây suy thận cấp, men thận tăng cao gấp 6 lần bình thường và không có nước tiểu trong 12 giờ.

Bệnh nhân cho biết gia đình sinh sống trong căn nhà cấp 4 tại vùng ngập nặng của Đồng Bẩm, Thái Nguyên. Trận lũ khiến nước ngập sâu tới 1,8 mét, họ phải sinh hoạt trong điều kiện nước lũ ô nhiễm.

Minh họa xoắn khuẩn. Ảnh: The Native Antigen

Minh họa xoắn khuẩn. Ảnh: The Native Antigen

Bác sĩ Phạm Thanh Bằng, Khoa Cấp cứu, cho biết xoắn khuẩn vàng da là bệnh truyền nhiễm cấp tính do các xoắn khuẩn thuộc họ Leptospiraceae gây ra, thâm nhập vào cơ thể người qua những vết xước ở da, niêm mạc khi tiếp xúc với nước bị nhiễm khuẩn (đồng ruộng, ao, hồ, vũng nước đọng). Thậm chí, nếu tiếp xúc lâu với môi trường nhiễm khuẩn, vi khuẩn có thể xâm nhập trực tiếp qua da, niêm mạc lành.

Để phòng ngừa bệnh Leptospira, các chuồng trại chăn nuôi súc vật, lò mổ phải cao ráo, dễ thoát nước, thường xuyên được cọ rửa sạch sẽ và khử trùng tẩy uế. Tại các cơ sở chăn nuôi súc vật, các lò mổ, bể bơi... cần phải kiểm tra thường xuyên hoặc định kỳ các chất thải để xử lý kịp thời phòng chống chuột và vệ sinh môi trường.

Những người làm việc trong môi trường nước lũ hoặc chuồng trại cần trang bị đầy đủ quần áo bảo hộ, ủng, găng tay để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm

Thúy Quỳnh