Ngày càng nhiều nhà hàng sushi dỡ bỏ băng chuyền và để khách gọi món bằng một băng chuyền ảo trên màn hình cảm ứng. Động thái này nhằm giảm lãng phí thực phẩm và ngăn các hành vi quấy rối của khách hàng, theo Japan News.
Các nhà hàng sushi đang sử dụng màn hình kỹ thuật số và các phương pháp khác để quá trình gọi món của thực khách vẫn thú vị.
Chuỗi nhà hàng sushi nổi tiếng Akindo Sushiro đã giới thiệu hệ thống gọi đồ ăn kỹ thuật số tên là “Digital Sushiro Vision” hay Digiro. Họ đặt một màn hình cảm ứng lớn tại mỗi bàn ăn và hiển thị băng chuyền sushi ảo. Khách hàng có thể gọi món bằng cách chạm vào màn hình.
Chuỗi nhà hàng sushi nổi tiếng Akindo Sushiro đã tháo dỡ hầu hết băng chuyền. Ảnh: Sushiro. |
Đại diện nhà hàng cho biết hệ thống này đã được đón nhận nồng nhiệt từ khi triển khai vào tháng 9/2023. Chuỗi nhà hàng có kế hoạch tháo dỡ các băng chuyền còn lại và mở rộng số cửa hàng cho thực khách gọi món bằng màn hình vào cuối tháng này.
Trước đó, video ghi lại cảnh thực khách liếm miệng chai nước tương tại một nhà hàng Sushiro đã nổi tiếng trên Internet vào năm 2023.
Để ngăn các hành vi tương tự, Sushiro đã ngừng phục vụ sushi bằng băng chuyền và chuyển sang gọi món truyền thống. Tuy nhiên, ông Koichi Mizutome, chủ tịch Food & Life - công ty mẹ của Sushiro, nhận xét: “Sushi di chuyển trên băng chuyền sẽ làm trải nghiệm ẩm thực của khách hàng sống động hơn”. Vì vậy công ty đã giới thiệu cách gọi món bằng hệ thống băng chuyền ảo là Digiro.
“Chúng tôi muốn cân bằng hai yếu tố tiết kiệm thức ăn và đảm bảo vệ sinh thực phẩm để mang lại niềm vui khi ăn uống cho thực khách”, người phát ngôn của công ty cho biết.
Sushi băng chuyền từ lâu là nét văn hóa ở các nhà hàng sushi Nhật Bản. Song cách ăn này góp phần làm tăng chất thải thực phẩm vì nhà hàng sẽ bỏ sushi trên băng chuyền nếu đặt quá lâu mà không ai lấy.
Khách ăn sushi cũng không còn thoải mái khi ăn sushi băng chuyền như trước. Trong một cuộc khảo sát do công ty nghiên cứu Maruha Nichiro thực hiện vào năm 2024, 81,5% người được hỏi cho biết họ thích ăn sushi theo cách gọi món hơn là sushi băng chuyền.
Video nổi tiếng trên mạng xã hội cho thấy thực khách liếm chai nước tương rồi bỏ lại băng chuyền. Ảnh: Ju__pippippi / X. |
Một chuỗi nhà hàng sushi băng chuyền nổi tiếng khác là Hamazushi cũng ngừng sử dụng băng chuyền tại 90% cửa hàng của mình.
Nhà hàng này sử dụng đường ray mini để đưa sushi từ bếp ra bàn ăn cho thực khách để họ vẫn thấy thú vị khi ăn sushi. Hamazushi ước tính mô hình này giúp nhà hàng tránh lãng phí khoảng 1.000 tấn thực phẩm/năm.
Tương tự Sushiro, hệ thống cửa hàng của Hamazushi cũng bắt đầu lắp các băng chuyền ảo để khách hàng gọi món.
Dù vậy, sushi băng chuyền vẫn là cách thưởng thức ẩm thực đặc trưng ở Nhật Bản. Một nhân viên cấp cao ở nhà hàng Kura Sushi cho biết nhiều du khách nước ngoài đến Nhật Bản có nhu cầu trải nghiệm mô hình này.
Tháng 4, nhà hàng này đã lắp một băng chuyền dài 123 m tại cửa hàng mới tại quận Ginza (Tokyo, Nhật Bản) nhưng vẫn cho phép khách gọi món như bình thường. Điều khác biệt là nhà hàng sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích xu hướng chọn món của khách hàng và quyết định sẽ đưa món sushi nào lên băng chuyền. Mô hình này giúp nhà hàng giảm 3% thực phẩm bị lãng phí.
“Thú vui khi ăn sushi băng chuyền là được tự tay bắt lấy những đĩa sushi đang chạy”, nhà phê bình ẩm thực Nobuo Yonekawa nhận xét. “Các nhà hàng sushi không có băng chuyền vẫn có cái hay riêng nhưng họ sẽ khó giữ chân thực khách nếu không tìm ra cách thay thế niềm vui do băng chuyền mang lại”.
Sách chữa lành tại Việt Nam
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.