Sư tử đá thành Đồ Bàn: Câu chuyện về một bảo vật quốc gia độc đáo

Admin

Sư tử là một trong mười kiếp hóa thân của thần Vishnu (một trong ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo). Ngoài ý nghĩa tôn giáo, đối với người Chăm, hình tượng sư tử còn là biểu tượng của dòng dõi quý tộc, tượng trưng cho quyền uy, sức mạnh của các vương triều Champa.

Cặp tượng sư tử đá thành Đồ Bàn - Bảo vật quốc gia tỉnh Bình Định

Sư tử… hóa thân của thần Vishnu

Theo thuyết minh viên Bảo tàng Bình Định, ông Trần Ngọc Cúc Cặp sư tử đá được phát hiện năm 1992, tại khu vực Bả Canh, phường Đập Đá, thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định), gần tháp Cánh Tiên, thuộc phạm vi thành Đồ Bàn.

Ông Trần Ngọc Cúc - Thuyết minh viên Bảo tàng Bình Định giới thiệu về tượng sư tử đá thành Đồ Bàn vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2024. Ảnh: Thu Dịu

Ông Trần Ngọc Cúc - Thuyết minh viên Bảo tàng Bình Định giới thiệu về tượng sư tử đá thành Đồ Bàn vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2024. Ảnh: Thu Dịu

Tại địa điểm phát hiện một hố chôn có 3 tượng, trong đó có 2 tượng sư tử cùng tượng Gajashimha (con vật đầu voi, mình sư tử). Cả 3 tượng được đưa về Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao thị xã An Nhơn quản lý.

Năm 1999, những pho tượng này được đưa về trưng bày trong không gian văn hóa Champa tại Bảo tàng tỉnh Bình Định cho tới nay.

Thành Chà Bàn - kinh đô của Vương triều Vijaya, đến thế kỷ XIX dưới thời Nguyễn được gọi là thành Đồ Bàn (ngày nay thuộc xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định). Nguồn minh họa T264/ Sách Lịch sử Lâm Ấp -Champa theo dấu các vương triều của tác giả Lê Đình Phụng.

Thành Chà Bàn - kinh đô của Vương triều Vijaya, đến thế kỷ XIX dưới thời Nguyễn được gọi là thành Đồ Bàn (ngày nay thuộc xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định). Nguồn minh họa T264/ Sách Lịch sử Lâm Ấp -Champa theo dấu các vương triều của tác giả Lê Đình Phụng.

Theo ông Cúc, sư tử là một trong mười kiếp hóa thân của thần Vishnu (một trong ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo). Ngoài ý nghĩa tôn giáo, đối với người Chăm, hình tượng sư tử còn là biểu tượng của dòng dõi quý tộc, tượng trưng cho quyền uy, sức mạnh của các vương triều Champa.

Tượng sư tử đá thàn Đồ Bàn được trưng bày, quản lý tại Bảo tàng tỉnh Bình Định. Ảnh: Thu Dịu

Tượng sư tử đá thàn Đồ Bàn được trưng bày, quản lý tại Bảo tàng tỉnh Bình Định. Ảnh: Thu Dịu

Trong quá trình lập hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia, tỉnh Bình Định thống nhất tên gọi tượng sư tử đá thành Đồ Bàn. Tên gọi này gắn với địa danh nơi phát hiện để tạo thuận lợi cho việc phân tích, so sánh các yếu tố nghệ thuật các tượng sư tử được phát hiện ở các địa phương, như: sư tử Trà Kiệu, sư tử Chánh Lộ, sư tử tháp Mẫm...

Dưới triều Tây Sơn, thành Đồ Bàn được biết đến với tên gọi là thành Hoàng Đế. Ảnh:Vân Phi

Dưới triều Tây Sơn, thành Đồ Bàn được biết đến với tên gọi là thành Hoàng Đế. Ảnh:Vân Phi

Vương triều Vijaya – một thời kỳ văn hóa Champa rực rỡ

Trong cuốn sách "Lịch sử Lâm Ấp – Champa" – Theo dấu các vương triều (Tập 2: Từ vương triều Vijaya đến vương triều Panduranga) của TS. Lê Đình Phụng (NXB Đồng Nai/2024), vương triều Vijaya kéo dài 5 thế kỷ (XI đến nửa sau thế kỷ XV) giữ vị trí quan trọng trong lịch sử Champa.

Suốt 500 năm, mặc dù có nhiều biến động lịch sử thăng trầm, nhưng đây là thời kỳ văn hóa Champa có sự phát triển vượt bậc trên mọi lĩnh vực và để lại những thành tựu to lớn, có giá trị trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt là kiến trúc tháp và nghệ thuật điêu khắc.

Vương triều Vijaya chia làm 3 thời kỳ, mỗi giai đoạn mang đặc trưng khác bởi có thời gian dài ngắn, sự phát triển kinh tế, sự tác động lịch sử khác nhau đã để lại nững dấu ấn văn hóa đặc trưng của mỗi thời kỳ. Song hành với nghệ thuật kiến trúc tháp là những tác phẩm điêu khắc.

Theo đó, thời kỳ đầu của vương triều này, điêu khắc đá mang nét nghệ thuật truyền thống của phong cách Trà Kiệu (thế kỷ X). Thời ký thứ 2 của nghệ thuật điêu khắc dưới vương triều Vijaya là ảnh hưởng của nghệ thuật điêu khắc Khmer mang đặc trưng là khối tượng to khỏe, hoa văn thô nhưng uốn mềm mại. Thời kỳ thứ 3 của nghệ thuật điêu khắc của vương triều là một phong cách nghệ thuật riêng. Tác phẩm điêu khắc giai đoạn này về khối thường to lớn, dày đặc, nhiều chi tiết, được chạm trổ rất chi li.

Tạo hình độc đáo nhất trong lịch sử điêu khắc tượng sư tử của Champa

Theo Bảo tàng Bình Định, cặp tượng sư tử đá thành Đồ Bàn là tác phẩm nghệ thuật điêu khắc Champa thể hiện đối xứng, thường đặt đứng hai bên cửa ra vào đền, tháp Chăm.

Thuyết minh viên của Bảo tàng tỉnh giới thiệu về cặp tượng sư tử đá thành Đồ Bàn. Ảnh: Thu Dịu

Thuyết minh viên của Bảo tàng tỉnh giới thiệu về cặp tượng sư tử đá thành Đồ Bàn. Ảnh: Thu Dịu

Cặp tượng sư tử đá này được tạc bằng chất liệu đá sa thạch rất giống nhau, thể hiện là giống đực, có dạng tượng tròn. Mỗi tượng sư tử cao 1,05m, dài 1,2m, lung rộng nhất 0,6m; mỗi tượng nặng khoảng 700kg, trong đó, một tượng phần bệ bị vỡ phần trước, bên phải tượng cũng bị vỡ.

Cặp tượng sư tử đá thàn Đồ Bàn được điêu khắc tương tự nhau về kích thước, hình dáng, tư thế và phong cách thể hiện. Ảnh: Thu Dịu

Cặp tượng sư tử đá thành Đồ Bàn được điêu khắc tương tự nhau về kích thước, hình dáng, tư thế và phong cách thể hiện. Ảnh: Thu Dịu

Cặp tượng sư tử thành Đồ Bàn được thể hiện hai chân trước tạc rất ngắn, trong tư thế thẳng; hai chân sau đầu gối gập lại như đang thể hiện tư thế ngồi, phô bộ ngực nở nang, phần bụng nằm sát xuống dưới bệ, tạo sự mất cân đối của cơ thể nhưng vì tỉ lệ chân trước quá ngắn nên sẽ có cảm giác là sư tử đang nằm - đây cũng chính là nét đặc trưng riêng, thể hiện sự khác biệt so với các tượng sư tử Champa được phát hiện từ trước tới nay.

Sư tử đá thành Đồ Bàn: Câu chuyện về một bảo vật quốc gia độc đáo- Ảnh 7.

Tượng được điêu khắc và đặt trên bệ mỏng, tỉ lệ chân trước quá ngắn nên sẽ có cảm giác là sư tử đang nằm. Ảnh:Thu Dịu

Theo ông Bùi Tĩnh – Giám đốc Bảo tàng Bình Định, đây là hai tượng sư tử được diễn tả khá độc đáo về hình khối trong phong cách thể hiện. Về phong cách nghệ thuật, hai tượng sư tử thành Đồ Bàn thể hiện tính chất hiện thực, trang trí đơn giản, phần môi trên có những đường gờ nổi chạy dọc song song tương đồng với sư tử phong cách Trà Kiệu.

Cặp tượng sư tử đá thành Đồ Bàn vẫn mang những nét cơ bản của phong cách Trà Kiệu nhưng cũng bắt đầu có những đặc điểm của phong cách Tháp Mẫm - phong cách Bình Định.

Theo các nhà nghiên cứu, nếu so sánh với các tượng sư tử khác trong nghệ thuật điêu khắc Champa thì cho đến hiện nay, hai tượng sư tử thành Đồ Bàn được xem là những tượng sớm nhất thuộc phong cách Tháp Mẫm và có tạo hình tư thế độc đáo nhất trong lịch sử điêu khắc tượng sư tử của Champa.

Hiện nay, Bảo tàng Bình Định có một phòng trưng bày không gian văn hóa Champa phục vụ du khách tới đây tìm hiểu về lịch sử của vương triều Vijaya. Ảnh: Thu Dịu

Hiện nay, Bảo tàng Bình Định có một phòng trưng bày không gian văn hóa Champa phục vụ du khách tới đây tìm hiểu về lịch sử của vương triều Vijaya. Ảnh: Thu Dịu

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang (Bình Định), chia sẻ, 13 bảo vật quốc gia tại Bình Định, trong đó có cặp tượng sư tử đá thành Đồ Bàn đều mang phong cách tháp Mẫm. Đặc trưng phong cách tháp Mẫm là thể hình khối căng, to khỏe làm chủ đạo. Điêu khắc giai đoạn này về khối thường to lớn, sự nhấn mạnh về khối trang trí kết hợp với sự thiếu hợp lý trong thể hiện chi tiết đã khiến các tác phẩm thời kỳ này đẹp khỏe mạnh, nhưng trong dữ tợn, kém mềm mại, mang nặng tính biểu tượng nghệ thuật thể hiện.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang, điêu khắc đá phong cách tháp Mẫm khá phong phú và độc đáo, là phong cách cuối cùng lớn nhất của nền điều khắc Champa.

Bảo tàng Bình Định, nơi đang lưu giữ, trưng bày 8/13 bảo vật quốc gia. Ảnh: Thu Dịu

Bảo tàng Bình Định, nơi đang lưu giữ, trưng bày 8/13 bảo vật quốc gia. Ảnh: Thu Dịu

Trong khi đó, nhà điêu khắc Lê Trọng Nghĩa – Giảng viên Khoa Văn hóa – Nghệ thuật (Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn) chia sẻ, sự độc đáo của cặp tượng sư tử đá thành Đồ Bàn – bảo vật quốc gia vừa được công nhận năm 2024, đầu tiên phải kể đến đó là bảo vật độc bản, đẹp. Đây là hai tượng sư tử được diễn tả khá độc đáo về hình khối trong phong cách thể hiện. Cặp tượng sư tử thành Đồ Bàn thể hiện tính chất hiện thực.

Sư tử đá thành Đồ Bàn: Câu chuyện về một bảo vật quốc gia độc đáo- Ảnh 10.

Nhà điêu khắc Lê Trọng Nghĩa.

"Bình Định là nơi hội tụ của những tinh hoa văn hóa cổ xưa. Trong gần 5 thế kỷ từ thế kỷ XI đến nửa sau thế kỷ XV, Bình Định - bấy giờ gọi là Vijaya, giữ vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của vương quốc Champa.

Nơi đây đã để lại nhiều dấu ấn kiến trúc tôn giáo với 8 cụm tháp và 14 ngôi tháp uy nghi hùng vĩ, không kém phần duyên dáng, đến nay vẫn trường tồn qua năm tháng như ngạo nghễ thách thức thời gian và hàng ngàn tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, mỗi hiện vật ẩn chứa một vẻ đẹp riêng, độc đáo, hấp dẫn kỳ lạ.

Trải qua hàng thế kỷ, các tác phẩm điêu khắc Champa không chỉ là biểu tượng của văn hóa Champa, mà còn chứa đựng những giá trị nghệ thuật, lịch sử, tín ngưỡng, tôn giáo, triết lý…

Đây không chỉ là niềm tự hào của Bình Định mà còn là tài sản quý giá của dân tộc Việt Nam, góp phần vào kho tàng di sản văn hóa dân tộc đa sắc màu rực rỡ, giàu sức sống trong dòng chảy văn hóa Việt Nam", ông Tạ Xuân Chánh - Giám đốc Sở VH&TT tỉnh Bình Định.