Sự trỗi dậy của 'teamakase' ở Hàn Quốc

Admin

Thay vì cà phê, nhiều người trẻ Hàn Quốc đang chuyển sang uống trà, thưởng trà như một sở thích tốt cho sức khỏe.

Gần đây, Park Soo-yeon (22 tuổi, sinh viên) đã chuyển sang uống trà thay vì cà phê.

"Với tôi, cà phê là thứ uống chỉ để vượt qua ngày dài. Tôi thấy trà nhẹ nhàng hơn, đem lại cảm giác thư giãn tự nhiên", Park nói với The Korea Times.

Kể từ khi khám phá ra sở thích dành cho trà, Park đã trải nghiệm "teamakase" 5-6 lần. Teamakase, ghép từ "tea" (trà) và "omakase" (kiểu ăn/uống theo sự sắp xếp của đầu bếp), cho phép khách hàng trải nghiệm nếm thử 2-3 loại trà trong 60-90 phút, nếu đi theo nhóm nhỏ sẽ được tặng kèm các món tráng miệng miễn phí.

Chi phí cho một buổi teamakase khoảng 30.000-50.000 won (25-40 USD)/người. Park cho biết: "Teamakase là một cách tuyệt vời để có thể nếm thử các hương vị và mùi trà khác nhau trước khi quyết định mua loại nào, trải nghiệm này rất đáng tiền".

Những người trẻ mê trà hơn cà phê

Khi văn hóa cà phê thay đổi, một xu hướng uống trà mới cũng đang xuất hiện ở Hàn Quốc, đặc biệt là ở những người độ tuổi 20 và 30. Nhiều người trẻ bắt đầu chọn uống trà nhiều hơn vì lợi ích đem lại cho sức khỏe cũng như sự mới lạ.

Không giống như cà phê, trà có màu sắc nhã nhặn dễ chịu và cách trình bày độc đáo với các bộ ấm chén đẹp mắt, nhấn mạnh vào tính thẩm mỹ và quá trình thưởng thức. Mạng xã hội cũng góp phần lan tỏa độ phổ biến của các điểm teamakase nổi tiếng - thường phải đặt trước cả tháng.

Chuyên gia về trà Yang Young-min, giám đốc Viện nghiên cứu văn hóa trà châu Á, công nhận ​​sự thay đổi này.

“Khi tôi bắt đầu dạy các lớp học về trà cách đây 10 năm, hầu hết học viên ở độ tuổi 50 và 60. Bây giờ, phần nhiều thuộc thế hệ 9X. Những người nổi tiếng trẻ tuổi như ca sĩ Lee Hyori, Taeyang cũng hay uống trà để tăng cường sức khỏe khi xuất hiện trên tivi. Màu sắc đa dạng cùng bộ ấm trà đầy tính thẩm mỹ cũng hợp để đăng lên mạng xã hội", ông nói.

gioi tre uong tra anh 1

Nhiều trà quán có dịch vụ teamakase ở Hàn Quốc đang thu hút khách hàng trẻ.

Sự thay đổi này, kết hợp với thị trường cà phê bão hòa, đã khiến thế hệ trẻ xứ củ sâm hướng tới thị trường trà.

"Ban đầu mọi người hay nghĩ rằng trà chỉ có những lựa chọn đơn giản như trà mận hay trà omija, nhưng teamakasa cho họ thấy sự đa dạng phong phú của trà", Kim Han-byul (28 tuổi, nhân viên pha chế) nói.

Kim cho biết thêm dù cà phê cũng có nhiều hương vị, loại khác nhau, như cà phê chua hay cà phê chồn, nhưng sự khác biệt không đáng kể. Với trà, mỗi loại có hương thơm và hương vị riêng biệt, và có nhiều lựa chọn.

Giáo sư Lee Kyu-min từ Khoa Quản lý Khách sạn và Du lịch của Đại học Kyung Hee cũng nhận định trà có thể trở thành một sở thích mới của mọi người, tương tự rượu vang.

Thú vui lành mạnh

Một yếu tố khác thúc đẩy sự phát triển của văn hóa trà là xu hướng thế hệ trẻ hiện nay theo đuổi "thú vui lành mạnh", duy trì sức khỏe một cách thú vị. Nhiều quán trà hiện còn có các dịch vụ "trị liệu bằng trà", giải thích về những lợi ích cụ thể của từng loại trà như giảm mệt mỏi, giúp tiêu hóa tốt hay quản lý tình trạng cơ thể giữ nước.

gioi tre uong tra anh 2

Một quán trà ở Seoul cung cấp dịch vụ trải nghiệm teamakase.

"Trong khi một tách cà phê có thể chứa 10-20 gam caffeine, trà thường chỉ có 1-2 gam. Cà phê giống như thức ăn nhanh, trà lại gần giống thức ăn chậm hơn", chuyên gia Yang nói, nhấn mạnh tác dụng làm dịu của trà so với đặc tính kích thích của cà phê.

Teamakase, nơi một chuyên gia pha trà phục vụ một nhóm nhỏ khách trong không gian trang nhã, cho phép khách trải nghiệm trọn vẹn văn hóa trà. Không giống như các bộ trà chiều thông thường được phục vụ tại khách sạn, tập trung nhiều hơn vào các món bánh tráng miệng, teamakase đặt trà làm trung tâm với rất ít đồ ăn kèm theo. Khách có thể xem quá trình pha trà và được các chuyên gia chia sẻ kiến thức sâu sắc về từng loại trà.

“Ngày nay, mọi người không chỉ xem trà xanh là trà xanh, họ muốn biết nguồn gốc và những đặc điểm riêng biệt của nó, cho thấy sự tinh tế của thị trường thực phẩm và đồ uống Hàn Quốc”, Choi Ji-hye, đồng tác giả của “Trend Korea” và là giảng viên về nghiên cứu người tiêu dùng tại Đại học Quốc gia Seoul, cho biết.

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.