![]() |
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong lễ tốt nghiệp. Ảnh: HNUE. |
Nghị định 116 (hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm) có hiệu lực năm 2021 đã thu hút được đông đảo học sinh địa phương và nhiều tỉnh đến theo học. Tại ĐH Tân Trào (Tuyên Quang), đến hết năm 2023, 1.859 sinh viên học các ngành sư phạm đăng ký hưởng chế độ nhưng chưa được nhận.
Sinh viên gặp khó
Theo quy chế tuyển sinh hiện hành, nhóm ngành sư phạm do Bộ GD&ĐT giao chỉ tiêu dựa trên năng lực đào tạo, các ngành khác, trường đại học tự xác định chỉ tiêu. ĐH Tân Trào được Bộ GD&ĐT giao chỉ tiêu đào tạo ngành sư phạm năm 2021 là 1.003; năm 2022 là 2.303; năm 2023 là 920 và năm 2024 là 860.
Nghị định 116 quy định 3 nhóm đối tượng sinh viên sư phạm được hưởng chế độ hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí là: đặt hàng, đấu thầu hoặc theo nhu cầu xã hội.
Sinh viên sư phạm của ĐH Tân Trào thuộc đối tượng đào tạo theo nhu cầu xã hội. Hàng năm, trường đều có tờ trình đề nghị cấp bổ sung kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm theo Nghị định 116 nhưng vẫn chưa được thực hiện.
Sinh viên N.T.T. cho biết dù đã bước vào năm cuối, cô chưa nhận được hỗ trợ học phí hay sinh hoạt phí lần nào. Là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, T. lựa chọn học sư phạm vì có chính sách hỗ trợ và cũng là nguyện vọng, sở thích muốn trở thành cô giáo.
“Khó khăn nhưng em cũng sắp hoàn thành khóa học. Nếu được hỗ trợ như nghị định, cuộc sống của em và gia đình sẽ đỡ vất vả hơn”, cô chia sẻ.
Hàng năm, ĐH Hùng Vương được tỉnh Phú Thọ đặt hàng hơn 200 chỉ tiêu. Tuy nhiên, trường còn gặp một số khó khăn trong quá trình triển khai Nghị định 116.
Theo thống kê, trường đang có 124 sinh viên sư phạm tuyển sinh từ năm 2021, 2022 chưa được hưởng các chính sách theo Nghị định 116 do không thuộc đối tượng giao nhiệm vụ đặt hàng của tỉnh Phú Thọ.
Khó cho địa phương
Trước những vướng mắc trong việc thực hiện Nghị định 116, ĐH Tân Trào đã báo cáo Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh Tuyên Quang. Tuyên Quang đã có văn bản gửi Bộ Tài chính để báo cáo, xin ý kiến hướng dẫn thực hiện Nghị định 116; đề nghị Bộ Tài chính xem xét hướng dẫn nguồn kinh phí và việc lập dự toán đối với việc hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội, tuy nhiên vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.
Việc chậm muộn, chưa cấp kinh phí hỗ trợ sinh viên theo học các ngành khối sư phạm theo quy định của Nghị định 116 ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của các em.
Nghị định này quy định đối với kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm trong chỉ tiêu Bộ GD&ĐT thông báo thuộc đối tượng nhu cầu xã hội, được bố trí trong dự toán hàng năm của cơ sở đào tạo giáo viên được cấp có thẩm quyền giao theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Rõ ràng Nghị định 116 có quy định hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí đối với đối tượng sinh viên sư phạm thuộc nhóm đào tạo theo nhu cầu xã hội. Nhưng đến nay, không phải địa phương nào cũng giải quyết được.
Năm 2024, ĐH Sài Gòn mới chi trả cho 300 sinh viên sư phạm khóa 2021, 2022 nhóm đào tạo theo nhu cầu xã hội. ĐH Hùng Vương sau hai năm đầu triển khai (2021, 2022) nhận thấy khó khăn nên quyết định dừng và chỉ đào tạo cho nhóm đặt hàng của tỉnh Phú Thọ.
Bộ GD&ĐT đang tổng hợp báo cáo của các trường để phối hợp với địa phương, bộ ngành liên quan để đảm bảo quyền lợi cho sinh viên; đang trình Chính phủ phê duyệt Nghị định 116 sửa đổi.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.