Sinh viên đi làm thêm, ngồi cửa hàng tiện lợi đủ 7 ngày để 'trốn' nóng

Admin

Nắng nóng gay gắt, nhiều sinh viên tại Hà Nội phải xoay xở cách đối phó. Lên thư viện, tăng ca làm thêm, ngồi cửa hàng tiện lợi là những cách được áp dụng.

Nắng nóng kéo dài khiến nhiều sinh viên phải tìm cách đối mặt. Ảnh: Quỳnh Danh.

Những ngày này, như thường lệ, khoảng 18h, trở về phòng trọ sau một ngày oi nóng, Nguyễn Duyên (sinh viên năm 4, Đại học Thủy Lợi) lập tức mở tung cửa sổ và bật quạt để thoáng phòng. Hơn một giờ trôi qua, Duyên mới thấy bớt ngột ngạt, khó chịu bởi khu trọ cô thuê ở trong ngõ, không có gió nên thường nóng bức hơn nơi khác.

“Phòng này ở trên tầng cao nhất. Trước đây, mình ở với 3 người, sau một bạn chuyển đi vì không chịu được nóng khi vào hè. Mình vẫn cố ở lại vì giá phòng rẻ, tiện đi học và đi làm thêm", Duyên cho biết.

Đi làm, lên thư viện để hưởng ké điều hòa

Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, Duyên cho biết từ tháng 6 đến nay, để giảm chi phí tiền điện, ban ngày, sau khi tan học, nữ sinh lập tức đến chỗ làm thêm thay vì về nhà nghỉ trưa rồi mới đi làm như mọi khi. Cô cũng ưu tiên chọn nơi làm việc trong nhà, có điều hòa nhiệt độ.

dieu hoa,  sinh vien lam them anh 1

Dù phòng được lắp nhôm nhựa để chống nóng, Duyên vẫn thấy nóng nực, khó ngủ khi hơi nóng từ mái tôn phả xuống. Ảnh: NVCC.

Theo nữ sinh, ở chỗ làm thêm có điều hòa, cô sẽ tiết kiệm được tiền điện phòng trọ. Quản lý cũng tạo điều kiện để sinh viên làm thêm như Duyên có chỗ nghỉ ngơi, tránh nóng trong mùa hè.

“Không những thế, sau khi tan ca, mình cũng nán lại nơi làm việc 1-2 giờ để hưởng ké điều hòa, cũng để nhiệt độ ngoài trời hạ xuống, tránh cái nóng hắt lên từ đường", Duyên kể.

Thế nhưng, trở về phòng trọ, cũng phải chờ đến tối, chuẩn bị đi ngủ, nữ sinh mới đóng cửa và bật điều hòa. Nhưng dù căn phòng được lắp nhôm nhựa để chống nóng, Duyên vẫn thấy nóng nực, khó ngủ bởi phòng cô ở tầng cao nhất, hơi nóng từ mái tôn phả xuống.

Bên cạnh đó, cô cũng chỉ dám bật điều hòa trong phòng 3 giờ, khi phòng đủ mát, nữ sinh lại tắt đi để tiết kiệm điện.

“Ở đây, tiền điện được tính 4.000 đồng/số. Nếu bật điều hòa nhiều, tiền điện đội lên cũng kha khá so với mức lương làm thêm ít ỏi của mình”, Duyên nói.

Không riêng Nguyễn Duyên, những ngày nắng nóng cao điểm, tối nào, Tuấn Anh, sinh viên tại một trường Đại học ở Hà Nội, cũng xuống sân ký túc xá để hưởng gió trời. Thế nhưng, nam sinh vẫn liên tục phải lau mồ hôi dù chỉ ngồi một chỗ.

Buổi tối là vậy, còn ban ngày, phòng ký túc xá nơi Tuấn Anh ở còn nóng nực, bức bí hơn. Nam sinh cho biết cậu ở một phòng tầng 4 cùng 7 người khác. Bên trên phòng lợp mái tôn, vì vậy, những ngày nắng nóng cao điểm, buổi trưa và chiều, nhiệt độ trong phòng có khi lên đến mức 36-37 độ C. Dù đã chuẩn bị tinh thần, nam sinh vẫn không chịu được sự nóng nực, ngột ngạt, nhất là khi phòng không được lắp điều hòa.

“Phòng mình đã thay toàn bộ chiếu nhựa bằng chiếu trúc, nhưng cứ 1-2 giờ lại phải lau một lần. Trước đó, cả phòng góp tiền mua một chiếc quạt hơi nước mini nhằm làm giảm nhiệt độ song vẫn không ăn thua”, Tuấn Anh kể.

dieu hoa,  sinh vien lam them anh 2

Tuấn Anh thay chiếu nhựa bằng chiếc trúc, cứ 1-2 giờ lại lau qua một lần. Ảnh: NVCC.

Nam sinh cho biết thời gian này, dù không phải lên lớp, hầu như mọi người đều không ở phòng trong khoảng thời gian từ 12h đến 18h. Tuấn Anh cùng một số bạn tranh thủ lên thư viện để vừa học, vừa hưởng ké điều hòa.

Những ngày ngại di chuyển, nam sinh sẽ ở lại phòng. Thế nhưng, cái nóng khiến cậu không thể ngồi học quá 20 phút. Mồ hôi ướt áo, nam sinh xuống sàn nhà ngồi học dù không cải thiện được là bao.

“Có ngày, mình phải tắm 4-5 lần. Ngoài ra, mình cũng dùng khăn ướt lau chiếu, sàn nhà cũng như lau chân tay thường xuyên”, Tuấn Anh kể.

Ngồi đủ 7 ngày ở cửa hàng tiện lợi để trốn nóng

Miền Bắc đang trong cao điểm của đợt nắng nóng diện rộng, có thể kéo dài đến giữa tháng. Cơ quan khí tượng nhận định đây là đợt nắng nóng dài nhất từ đầu năm. Dù mức nhiệt không cao kỷ lục như những đợt nắng trước và có xen kẽ mưa giông, không khí oi bức kéo dài vẫn khiến sinh hoạt của nhiều sinh viên gặp khó khăn.

Những ngày cuối tuần, khi thư viện, trường học đóng cửa, Tuấn Anh và các bạn cùng phòng lại tới quán cà phê bình dân, hoặc tá túc sang nhà người quen để đỡ nóng. Thế nhưng buổi tối, khi trở về phòng, cả đám lại trằn trọc, khó ngủ trong căn phòng ngột ngạt.

Trong khi đó, phòng trọ xa thư viện, lại không có người quen ở Hà Nội, Tuyết Trinh (sinh viên năm 2, Đại học Hà Nội) cho biết cô chống nóng, tiết kiệm điện bằng cách ngồi ké ở cửa hàng tiện lợi.

Thời gian này, Trinh đang trong giai đoạn nghỉ để ôn thi cuối kỳ. Nữ sinh kể phòng trọ cô thuê chỉ 16 m2, buổi sáng, phòng mát, cô có thể bật quạt. Tuy nhiên, do phòng trọ hướng tây, cứ khoảng 12h, phòng sẽ bắt đầu nóng lên, Trinh khó mà tập trung học.

dieu hoa,  sinh vien lam them anh 3
Tuyết Trinh chọn ngồi đủ 7 ngày ở cửa hàng tiện lợi để tránh nóng. Ảnh: Ngọc Bích.

Dù có điều hòa, nữ sinh cho biết em cũng không bật nhiều bởi từ đầu tháng 7, bạn cùng phòng đã về quê. Tháng này, Trinh sẽ phải chịu tiền điện, nước một mình. Nếu sử dụng nhiều, chi phí độn lên khá cao so với mức 2 triệu đồng hàng tháng.

Vì vậy, Trinh chọn cách cả 7 ngày, cứ khoảng 14h, cô lại ra cửa hàng tiện lợi gần nhà để ôn thi. Có ngày, nữ sinh ra từ sáng sớm và ở đó đến cuối buổi chiều.

Trinh cho hay cô không chọn các quán cà phê, trà sữa bởi mỗi ly nước cũng lên đến 40.000-50.000 đồng. Bên cạnh đó, ngồi thời gian dài ở quán cà phê cũng không tiện. Ở cửa hàng tiện lợi, Trinh chỉ mất một khoản tiền nhỏ là có thể ngồi cả ngày ở đó.

“Nhiều người nói tiền mua đồ để được ngồi ở cửa hàng tiện lợi còn nhiều hơn tiền điện, thế nhưng, mỗi lần, mình chỉ giới hạn chi 20.000-30.000 đồng", Trinh kể.

Khoảng 19h, khi nắng tắt hoàn toàn, nữ sinh mới trở về phòng trọ. Tuy nhiên, giống như Nguyễn Duyên, Tuyết Trinh chỉ dám mở điều hòa trong thời gian ngắn, khi phòng đủ mát, cô sẽ tắt đi để tiết kiệm điện. Nữ sinh kể đến giữa tháng, khi hoàn tất các môn thi, cô sẽ nhanh chóng về quê để không tốn thêm chi phí.

Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.

Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.