Sau sáp nhập, một thành phố của Việt Nam sẽ có 2 đặc khu

Admin

Hai đặc khu này không chỉ góp phần phát triển kinh tế biển mà còn bảo vệ chủ quyền và thúc đẩy chiến lược biển đảo quốc gia.

Theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại Hải Phòng, thành phố này sẽ sắp xếp 167 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 50 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 24 phường, 24 xã và 2 đặc khu. Trong đó, 2 đặc khu là Cát Hải và Bạch Long Vĩ.

Cụ thể, đặc khu Cát Hải dự kiến được thành lập trên cơ sở chuyển nguyên trạng huyện Cát Hải (bao gồm 10 xã, 2 thị trấn), có diện tích tự nhiên là 286,98 km2, quy mô dân số 71.211 người. Nơi đặt trụ sở làm việc dự kiến sẽ đặt tại trụ sở huyện Cát Hải hiện nay.

Trên thực tế, Cát Hải có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo và an ninh quốc gia. Đặc biệt, quần đảo Long Châu cách đất liền khoảng 50 km, là tiền tiêu chiến lược, trong khi đó quần đảo Cát Bà là khu dự trữ sinh quyển thế giới (UNESCO công nhận vào năm 2004) và Di sản thiên nhiên thế giới (kết hợp với Vịnh Hạ Long, 2023), với hệ sinh thái đa dạng, bãi biển đẹp và tiềm năng du lịch lớn.

Sau sáp nhập, một thành phố của Việt Nam sẽ có 2 đặc khu- Ảnh 1.

Đặc khu Cát Hải tại TP Hải Phòng được đề xuất thành lập trên cơ sở giữ nguyên toàn bộ huyện Cát Hải hiện nay.

Đáng chú ý, đặc khu Cát Hải sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi, giúp đơn giản hóa bộ máy hành chính và tăng hiệu quả điều hành, đồng thời tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội. Việc chuyển huyện đảo Cát Hải thành đặc khu sẽ phát triển kinh tế biển du lịch, cải thiện đời sống dân cư, cũng như góp phần đưa Cát Hải trở thành điểm sáng kinh tế, quốc phòng của Hải Phòng và Việt Nam.

Trong năm 2024, khách du lịch đến Cát Bà (thuộc huyện đảo Cát Hải) ước đạt hơn 3,6 triệu lượt. Trong đó, khách quốc tế ước đạt hơn 1 triệu lượt, đạt 151%, tăng 90,5% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng doanh thu từ dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt hơn 3.300 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch và tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài Cát Hải, Hải Phòng dự kiến thành lập đặc khu Bạch Long Vĩ trên cơ sở chuyển nguyên trạng huyện đảo Bạch Long Vĩ có diện tích tự nhiên là 3,07 km2 và quy mô dân số là 686 người. Nơi đặt trụ sở làm việc của đặc khu này dự kiến tại trụ sở huyện Bạch Long Vĩ hiện nay.

Sau sáp nhập, một thành phố của Việt Nam sẽ có 2 đặc khu- Ảnh 2.

Bạch Long Vĩ là hòn đảo xa bờ biển nhất ở Vịnh Bắc Bộ. Ảnh: BP

Huyện đảo Bạch Long Vĩ được chuyển thành đặc khu là chiến lược định hướng của Việt Nam để phát huy tối đa tiềm năng và vị trí đặc biệt của hòn đảo này. Thực tế Bạch Long Vĩ là hòn đảo xa bờ biển nhất ở Vịnh Bắc Bộ, cách đất liền Hải Phòng khoảng 110 km. Đảo này đóng vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Huyện đảo Bạch Long Vĩ có dân số khoảng 686 người, nhưng điều kiện sống còn khó khăn vì thiếu nước ngọt, điện và giao thông cách trở. Do đó, việc nâng cấp trở thành đặc khu sẽ giúp tăng cường đầu tư vào những công trình dân sinh như hệ thống cấp nước, điện gió, điện mặt trời, y tế, trường học và giao thông. Việc này giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời còn thu hút thêm dân cư ra đảo và tăng cường sự hiện diện của Việt Nam trên biển.

Việc chuyển Bạch Long Vĩ trở hành đặc khu phù hợp với Nghị quyết 36 - NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chiến lược phát triển bền vững Kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, và Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đặc khu Bạch Long Vĩ được kỳ vọng sẽ góp phần thực hiện hóa mục tiêu xây dựng đảo tiền tiêu thành trung tâm kinh tế, quốc phòng vững chắc và khẳng định chủ quyền biển đảo.

Sau sáp nhập, một thành phố của Việt Nam sẽ có 2 đặc khu- Ảnh 3.

Trung tâm hành chính mới của Hải Phòng sẽ được đặt tại TP Thủy Nguyên hiện nay. Ảnh: HP

Theo thông tin từ Chi cục Thống kê TP Hải Phòng, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn trong tháng 4/2025 ước đạt 10.041,7 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa đạt 4.300,8 tỷ đồng và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 5.740,9 tỷ đồng.

Trong 4 tháng đầu năm 2025, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Hải Phòng đạt 57.925 tỷ đồng, bằng 49,06% dự toán HĐND TP giao và tăng 37,4% so với cùng kỳ năm 2024. Trong số đó, thu nội địa đạt 32.848,1 tỷ đồng, tăng 44,33% so với cùng kỳ năm 2024, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 24.483,8 tỷ đồng, tăng 32,64%.

Tính đến ngày 26/4/2025, trên địa bàn TP có 1.070 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư 38 tỷ USD. Trong số đó, tổng vốn FDI tính từ đầu năm đến ngày 26/4/2025 (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh tăng và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt 516,98 triệu USD. Ngoài ra, TP Hải Phòng đã cấp mới 46 dự án FDI với số vốn là 365,78 triệu USD.