Sản phụ ở cữ thế nào mùa nóng

Admin

Sản phụ sinh nở vào mùa nóng dễ ảnh hưởng sức khỏe, nên tắm rửa sạch, chăm sóc vết thương đúng cách, ăn uống đủ chất phòng suy nhược.

Hiện thời tiết miền Nam nắng nóng, các sản phụ sau sinh thường khó ngủ, ăn kém ngon. BS.CKII Hà Thị Hồng Cúc, Đơn vị Sản Phụ khoa, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, hướng dẫn sản phụ các biện pháp bảo vệ sức khỏe, giúp cơ thể mau hồi phục.

Chăm sóc vết thương sau sinh

Phụ nữ sau sinh cần vệ sinh vết thương vùng kín bằng nước muối loãng hoặc nước đun sôi để nguội, sau đó dùng khăn mềm lau khô. Thay băng vệ sinh 2-3 tiếng một lần, tránh để lâu hơn vì tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công, gây viêm, nhiễm trùng. Vết khâu ở tầng sinh môn sau sinh cần giữ sạch sẽ. Nếu sản phụ có dấu hiệu sưng tấy, rỉ dịch mủ cần đi khám ngay.

Phụ nữ sinh mổ được khâu bằng chỉ thông thường cần giữ vết mổ sạch sẽ, khô thoáng. Khi vết thương chưa liền da, sản phụ chỉ nên lau người bằng khăn bông mềm nhúng nước ấm để tránh chạm đến vết mổ. Tắm dưới vòi hoa sen, tuyệt đối tránh ngâm người vào bồn tắm khiến vết thương bị ướt, tăng nguy cơ nhiễm trùng. Sau tắm, sản phụ có thể sử dụng dung dịch betadin hay povidine 10% để thoa, thúc đẩy quá trình phục hồi sẹo và tránh nhiễm trùng vết mổ.

Trang phục

Theo quan niệm truyền thống, phụ nữ sau sinh cần mặc kín và ấm để phòng bệnh. Tuy nhiên, điều này chỉ phù hợp với người sinh sống vùng lạnh, nơi gió lùa. Khi thời tiết nóng, sản phụ nên ưu tiên mặc đồ rộng, thoáng mát, quần áo dài tay, vải mỏng, thấm hút tốt. Mỗi ngày người mẹ nên thay 2-3 bộ quần áo, đảm bảo vệ sinh, dùng kèm miếng lót thấm sữa, giữ vệ sinh. Quần áo cần giặt sạch, phơi nắng, hạn chế vi khuẩn.

Vệ sinh cá nhân

Một số phụ nữ vẫn giữ quan niệm kiêng đánh răng, kiêng tắm gội, nằm than sau sinh. Bác sĩ Cúc cho biết điều này không phù hợp, khuyên sản phụ nên tắm gội thường xuyên trong thời gian ở cữ để giữ cơ thể sạch sẽ, hạn chế mồ hôi, gây nấm, ngứa. Nếu không giữ vệ sinh tốt, nấm tấn công, nguy cơ viêm da, viêm nhiễm vùng kín. Phụ nữ cần giữ vệ sinh răng miệng, súc miệng sau mỗi bữa ăn, đánh răng hai lần một ngày, bằng bàn chải mềm, tăm nước.

Chế độ dinh dưỡng

Một số gia đình vẫn giữ thói quen chế biến cơm ở cữ nấu mặn, không rau, nhiều thịt. Bác sĩ Cúc khuyến cáo sản phụ không nên ăn mặn, tránh ăn thực phẩm quá nhiều chất đạm mà cần cân bằng nhóm chất khác như chất béo, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Thực đơn đa dạng và cân bằng dưỡng chất giúp cơ thể nhanh chóng hồi phục, có sữa cho con bú. Mùa hè nóng bức khiến cơ thể dễ bị mệt mỏi, chán ăn. Do đó, gia đình nên ưu tiên cho người mẹ sau sinh sử dụng món ăn dạng súp, nước; tránh nhiều dầu mỡ, đồ cay nóng, thức ăn lạnh.

Thực đơn cho sản phụ cầy đầy đủ dưỡng chất. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Thực đơn cho sản phụ cầy đầy đủ dưỡng chất. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Vệ sinh phòng ngủ

Theo quan niệm xưa, sản phụ ở cữ cần ở phòng kín, đóng cửa suốt 3 tháng 10 ngày, chủ yếu sinh hoạt trong phòng ngủ. Tuy nhiên, điều này không còn phù hợp. Phòng nghỉ của sản phụ cần không khí lưu thông, đủ ánh sáng, tránh gió lùa trực tiếp, vệ sinh, dọn dẹp hàng ngày tránh nấm mốc, vi khuẩn. Ngày hè nóng bức, phụ nữ nên sử dụng điều hòa, nhiệt độ thích hợp 25 độ, ngủ sâu giấc. Vào chiều tối, nhiệt độ dịu hơn, gia đình nên tắt điều hòa, mở cửa để thoáng, có gió trời, lưu thông khí.

Tuệ Diễm

Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp