Rối loạn tiền đình ngoại biên

Admin

Rối loạn tiền đình ngoại biên xảy ra do cấu trúc tiền đình tai trong bị tổn thương, làm rối loạn hệ thống thăng bằng của cơ thể.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.

Rối loạn tiền đình được chia thành hai loại là rối loạn tiền đình trung ương và rối loạn tiền đình ngoại biên. Trong đó, rối loạn tiền đình ngoại biên chiếm đến 90% các trường hợp. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến ở người già.

Triệu chứng

Chóng mặt. Suy giảm thính lực. Ói mửa. Buồn nôn. Mất thăng bằng. Hoa mắt. Đau đầu.

Chẩn đoán

Để chẩn đoán người bệnh bị rối loạn tiền đình trung ương hay rối loạn tiền đình ngoại biên, bác sĩ khám lâm sàng bằng cách kiểm tra tai và xác định dấu hiệu nhiễm trùng, quan sát tư thế cũng như khả năng giữ thăng bằng của người bệnh. Nhược điểm của chẩn đoán lâm sàng là tỷ lệ bỏ sót bệnh cao, người bệnh tái khám nhiều lần, dùng thuốc tốn chi phí.

Người bệnh có thể được đo chức năng tiền đình, dựa trên triệu chứng và tình trạng, bác sĩ có thể chụp MRI não và cổ để loại trừ các nguyên nhân gây chóng mặt. Hoặc đo chức năng tiền đình bằng hệ thống đo chức năng tiền đình Interacoustics kết hợp công nghệ ảnh động nhãn đồ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Hệ thống này hỗ trợ chẩn đoán nguyên nhân gây rối loạn tiền đình ngoại biên với 18 phương pháp được lập trình sẵn, giúp bác sĩ phân loại, đánh giá kỹ mức độ bệnh.

Bác sĩ Hằng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng đo tiền đình cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Hằng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, đo tiền đình cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Điều trị

Điều trị rối loạn tiền đình ngoại biên tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, quan trọng nhất là xử lý các tình huống khi cơn chóng mặt xảy ra bất ngờ, dữ dội. Từ đó, người bệnh phòng ngừa được những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

Người bệnh cần nằm nghỉ ngơi, tránh ánh sáng mạnh, kết hợp dùng thuốc điều trị. Thông thường, bác sĩ chỉ định dùng thuốc ức chế tiền đình khi người bệnh bị chóng mặt nhiều. Tuy nhiên, những loại thuốc này chỉ mang tính chất tham khảo, người bệnh không được tự ý dùng thuốc, cần khám và điều trị để tránh biến chứng.

Người bệnh chóng mặt kịch phát tư thế lành tính (BPPV) có thể tập phục hồi chức năng tiền đình qua máy, điều trị 1-2 tuần có thể dứt điểm chóng mặt, phục hồi 90% sau 3-4 tuần. Các bài tập cũng được lập trình khác nhau, phù hợp cho từng người, chỉ mất 30-45 phút cho mỗi lần điều trị và người bệnh có thể ra về trong ngày.

Đức Trí

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp