Chị Vân sinh con đầu lòng cuối năm 2022, sau sinh cấy que tránh thai vào bắp tay trái. Khi que cấy gần hết hạn, chị đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám sức khỏe tổng quát và tháo que tránh thai nhưng bác sĩ không tìm thấy.
Kết quả siêu âm ghi nhận chiếc que đi sâu vào vùng da dưới khoảng 1/3 cánh tay trái. Ngày 29/3, BS.CKI Nguyễn Quang Nhật, Trung tâm Sản Phụ khoa, cho biết nguyên nhân có thể do kỹ thuật đặt que quá sâu khiến que cấy di chuyển hoặc chị Vân tăng hoặc giảm cân, thường xuyên bồng bế con tại vị trí cấy que. Y văn thế giới đã ghi nhận một số trường hợp que tránh thai đi lạc vào ngực, phổi, hố nách.
Bác sĩ đã gắp chiếc que tránh thai ra ngoài dưới sự hướng dẫn của máy siêu âm. Chiếc que màu trắng, là thanh nhựa mềm và nhỏ dài khoảng 4 cm rộng 2 mm, chứa nội tiết giúp ngừa thai. Hậu phẫu, chị Vân cử động cánh tay tốt, không chấn thương hay tổn thương nhiều, xuất viện trong 24 giờ.

Êkíp phẫu thuật gắp que tránh thai đi lạc cho chị Vân. Ảnh: Tuệ Diễm
Que tránh thai là phương pháp ngừa thai hiện đại, hiệu quả, tiện lợi. Bác sĩ thường cấy que dưới da cánh tay không thuận của phụ nữ, để que cấy không di chuyển. Thời hạn que cấy tránh thai khoảng 3-5 năm, tùy loại. Bác sĩ Nhật khuyên nên thường xuyên kiểm tra bằng cách sờ vào cánh tay ở vị trí cấy để cảm nhận que tồn tại. Khi que tránh thai hết hạn sử dụng nên tháo ngay, để lâu có thể di chuyển các nơi gây biến chứng như thuyên tắc động mạch phổi hoặc bệnh thần kinh mạn tính dẫn đến đau, tê, cảm giác bất thường, yếu liệt tay.
Hiện có nhiều phương pháp tránh thai dành cho phụ nữ như đặt vòng, cấy que, thuốc ngừa thai dạng tiêm, thuốc ngừa thai dạng uống, miếng dán tránh thai, thắt ống dẫn trứng... Mỗi phương pháp có ưu, nhược điểm khác nhau. Phụ nữ muốn ngừa thai nên được bác sĩ tư vấn biện pháp phù hợp.
Tuệ Diễm
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |