Quán karaoke ở khắp châu Á hết thời

Admin

Sự bùng nổ của Internet đã mang đến nhiều phương thức giải trí đa dạng hơn, người tiêu dùng có vô số lựa chọn và ca hát không còn là hoạt động giải trí, thư giãn duy nhất.

Xuất hiện lần đầu ở Nhật Bản vào thập niên 70 của thế kỷ trước, karaoke được ví như là món giải trí dành cho những người yêu âm nhạc, bất chấp giới tính, độ tuổi, thu hút không chỉ đối tượng tham gia mà còn những khán giả thích nghe hát.

Theo thời gian, karaoke (còn được gọi là KTV) ngày càng nổi tiếng, phổ biến rộng rãi không chỉ ở châu Á mà còn lan nhanh khắp châu Âu, châu Mỹ và trở thành thú vui tiêu khiển trên khắp thế giới, đi kèm với đó là sự bùng nổ của ngành dịch vụ karaoke.

Tuy nhiên, thời hoàng kim của hình thức này đang ngày càng lùi về xa và những quán từng ăn nên làm ra đang bước vào thời kỳ xuống dốc trong 5 năm trở lại đây.

Ngay tại những quốc gia yêu thích karaoke nhất như Nhật Bản, Hàn Quốc, các quán hát cũng không tránh khỏi tình cảnh phải đóng cửa vì nhiều nguyên nhân, từ dịch bệnh cho đến văn hóa, xu hướng giải trí thay đổi.

Người trẻ Hàn không còn mặn mà

Người Hàn Quốc ưa chuộng hát karaoke trong các phòng riêng biệt dành cho nhóm đi chung, thường được gọi là noraebang. Các noraebang này là một phần không thể thiếu của cuộc sống Seoul về đêm.

Thành phố lên đèn cũng là lúc nhiều cơ sở trên khắp các quận bước vào thời gian hoạt động nhộn nhịp. Năm 2011, mô hình kinh doanh này chứng kiến sự phát triển nhất khi cả nước có đến 35.000 cơ sở kinh doanh.

Một phần giúp noraebang phổ biến là do văn hóa đi nhậu sau giờ làm. Nhân viên thường bị bắt buộc đi uống rượu, đi hát karaoke cùng sếp dù không thích và hiếm ai được ra về trước đêm khuya.

Phải tới khi chính phủ nước này nỗ lực ngăn chặn tình trạng “làm việc tới chết”, trao cho người lao động nhiều tiếng nói tại môi trường công sở hơn, các cuộc vui khiến người Hàn “mệt mỏi vì bị ép buộc tham gia” cũng vơi dần. Điều này cũng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các noraebang.

quan karaoke dong cua anh 1

Noraebang đã trở thành một phần không thể thiếu của đời sống tinh thần người dân Hàn Quốc kể từ khi karaoke du nhập vào nước này những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Ảnh: Hospital Playlist.

Năm 2019, một số lượng kỷ lục các noraebang phải ngừng hoạt động và việc mở các cơ sở mới cũng ở ghi nhận mức thấp nhất từng thấy, theo báo cáo của Tập đoàn Tài chính KB.

Sau đó, tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc bình luận rằng các phòng karaoke đang “lỗi thời”. Theo số liệu của báo cáo, 295 phòng karaoke mới được mở ở nước này từ tháng 1 đến tháng 5 nhưng 695 phòng đã đóng cửa.

Lần lượt đóng cửa ở Trung Quốc

Tương tự, hát karaoke cũng ngày càng trở nên kém hấp dẫn trong mắt giới trẻ ở quốc gia đông dân nhất thế giới.

"Chỉ có 1, 2 người hát trong khi phần lớn cắm mặt vào điện thoại", "Áp lực khi phải hát trước mặt người khác", "Đi hát thường sẽ có những người hát hay và người thích uống rượu, trong khi những người còn lại đơn giản là khán giả ngồi nghe và chia tiền. Như thế là không công bằng" là một vài lý do chính.

Còn trên phương diện kinh doanh, sự suy giảm của ngành này là kết quả của sự kết hợp các yếu tố như tiền thuê mặt bằng, nhân lực, môi trường công nghiệp, và thói quen tiêu dùng của người dân.

quan karaoke dong cua anh 2

Dần bước vào giai đoạn bị thay thế, ngành dịch vụ karaoke càng lao đao sau 2 năm dịch bệnh. Ảnh: Insight Korea.

Một lý do khác khiến ngành karaoke sụt giảm là năm 2018, chính phủ nước này phát động chiến dịch trấn áp vi phạm bản quyền, khiến 6.000 bài hát biến mất.

Theo ước tính của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc, lượng khách đến các địa điểm KTV giảm liên tục trong những năm qua và lên tới con số 80% khi đại dịch bùng phát.

Theo dữ liệu từ Tianyan Check, tính đến tháng 3/2021, tại Trung Quốc chỉ còn 64.000 công ty KTV đang hoạt động, 40.000 công ty đã phá sản hoặc bị thu hồi.

Đối với những công ty chưa phá sản, để tồn tại cũng là điều rất khó khăn, chưa tính đến việc có lãi. Lượng khách trẻ tuổi sụt giảm mạnh, các cơ sở, chuỗi hát karaoke buộc phải dựa vào nhóm khách trung niên và cao tuổi.

Thế hệ này vẫn đặc biệt ưa thích karaoke và có nhiều thời gian rảnh rỗi để tụ tập bạn bè đi hát. Tuy nhiên, đây không phải là nhóm khách sẵn sàng chịu chi. Những người lớn tuổi thường tự mang theo nước uống và đồ ăn, không mua thêm sản phẩm ở quán nên lợi nhuận thu về rất thấp.

quan karaoke dong cua anh 3

Một quầy karaoke mini nằm trong một trung tâm mua sắm ở Trung Quốc. Ảnh: SCMP.

Karaoke một mình lên ngôi

Tình yêu của giới trẻ dành cho karaoke nhạt dần là điều thấy rõ, song bức tranh ngành dịch vụ này tại châu Á càng ảm đạm và khó cứu vãn vì Covid-19.

Các quán hát đóng băng hoạt động trong thời gian dài, nhiều cơ sở bị coi là ổ dịch, số khác đóng cửa vĩnh viễn vì thua lỗ nặng. Ở cả Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản, chính quyền đều từng ghi nhận các ca nhiễm bệnh sau khi đi hát karaoke và lây lan virus sang người khác.

Khi cuộc sống bình thường trở lại, các quán karaoke, quán bar và câu lạc bộ đêm ở khắp nơi cũng được phép hoạt động. Tuy nhiên, bên cạnh một nhóm sẵn sàng đi hát xả hơi để bù lại giai đoạn phải ngồi nhà, những người khác vẫn lo sợ khả năng nhiễm bệnh khi đến không gian kín, sử dụng chung mic. Cảm giác thiếu an toàn khiến họ do dự.

Sau một thời gian dài “đóng băng”, sự nhiệt tình dành cho hát karaoke vốn đã vơi bớt, tiếp tục giảm xuống ở mức thấp hơn. Các tín hiệu phục hồi không tươi sáng, cũng như không có biện pháp nào nổi bật để vực dậy ngành dịch vụ này.

Cùng với PC bang (quán cà phê Internet), các noraebang vẫn có doanh thu thấp thời hậu Covid-19 ở Hàn Quốc.

“Tôi đã nghĩ mọi thứ sẽ tốt hơn khi dịch bệnh kết thúc và các biện pháp giãn cách xã hội được dỡ bỏ, nhưng thực tế không phải như vậy”, chủ sở hữu của một quán ở quận Seocho chia sẻ ý định đóng cửa và cân nhắc chuyển sang lĩnh vực kinh doanh khác với Korea JoongAng Daily vào mùa thu năm 2022.

Giờ đây, thay vì đến các phòng thiết kế dành riêng cho nhóm đông người, những buồng hát karaoke dành cho 1-2 người lại là lựa chọn được yêu thích hơn.

Dưới góc độ kinh tế, thế hệ những người trẻ tuổi và sống một mình tại các thành thị lớn đã mở ra cơ hội kiếm tiền cho vô số dịch vụ, ngành hàng theo hình thức mới.

Nói cách khác, nền kinh tế độc thân đã khiến hoạt động giải trí trước giờ vốn dành cho nhóm đông người như karaoke cũng được chuyển hóa thành cho một người, tính riêng tư được đặt lên trước sự đông vui tập thể.

Ở các thành phố của Trung Quốc, trong 5 năm qua, các quầy hát karaoke mini, nằm ẩn sâu trong các trung tâm mua sắm, rạp chiếu phim, sân bay và thậm chí là cả ga tàu điện, đang mọc lên như nấm.

Các quầy này, thường được trang bị máy điều hòa, 1-2 chiếc ghế và tai nghe, cũng tương tự những phòng karaoke thông thường nhưng nhỏ và thân thiện hơn.

Ở Nhật Bản hay Hàn Quốc, những buồng hát karaoke tự động có hình dạng giống bốt điện thoại, thay thế cho những phòng hát đông người cũng được ưa chuộng.

“Nếu hát không hay trước mặt bạn bè, tôi sẽ rất xấu hổ. Khi đi hát một mình thì tôi hát thế nào cũng được, chả phải đợi đến lượt, rất thoải mái”, Go Yamaguchi, một thanh niên ở Tokyo, cho biết.

Nhân sự thời Gen Z

Theo tác giả, TS Hồng Duyên trong cuốn "Quản trị nhân sự thời Gen Z - câu chuyện cũ kể theo cách mới", Gen Z quan tâm nhất đến sự cân bằng giữa công việc, cuộc sống và hạnh phúc cá nhân. Họ cũng muốn biết những gì được mong đợi trong công việc; muốn được đầu tư sâu vào công việc, biết được thời gian và nỗ lực của họ có ý nghĩa. Thế hệ này cũng quan tâm đến sự nghiệp trong kinh doanh, chăm sóc sức khỏe và công nghệ. Những thay đổi này sẽ tạo ra thách thức mới trong bài toán quản trị của các doanh nghiệp.