Phương pháp điều trị bướu máu ở trẻ

Admin

Bệnh bướu máu được điều trị bằng thuốc bôi hoặc uống, phẫu thuật, laser, tránh biến chứng do viêm, loét, nhiễm trùng u máu.

Bướu máu hay u máu (Hemangioma) xảy ra khi các tế bào nội mạc mạch máu ở da tăng trưởng quá mức. Đây là bệnh lành tính thường gặp ở trẻ sinh non dưới 1,8 kg, có thể xuất hiện ở đầu, mặt, cổ, chân, tay...

Bướu máu gia tăng kích thước có thể ảnh hưởng đến cơ quan xung quanh, gây khó thở, giảm thị lực, thính giác. Khi trẻ có biểu hiện như lở loét, nhiễm trùng hoặc mất thẩm mỹ, phụ huynh cần đưa con đến bệnh viện.

BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng, chuyên khoa Ngoại Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết nguyên nhân gây bướu máu ở trẻ em vẫn chưa được xác định cụ thể, có thể do di truyền, rối loạn miễn dịch, hormone, bất thường về mạch máu, ảnh hưởng từ hóa chất. Tùy trường hợp, bác sĩ điều trị cho bệnh nhi bằng nhiều cách khác nhau.

Bướu máu xuất hiện trên người của một bệnh nhi. Ảnh: Gia đình bệnh nhân cung cấp

Bướu máu xuất hiện trên người của một bệnh nhi. Ảnh: Gia đình bệnh nhân cung cấp

Thuốc bôi: Ba nhóm chính là thuốc chẹn beta thoa tại chỗ, thuốc kháng sinh, corticosteroid. Thuốc chẹn beta thoa tại chỗ dùng cho các bướu máu có kích thước nhỏ, ngoài da. Thuốc kháng sinh điều trị cho bệnh nhi viêm loét, nhiễm trùng. Bác sĩ chỉ định nhóm thuốc corticosteroid nếu bệnh có khả năng gây biến chứng viêm, teo hay thay đổi màu da, thường dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi.

Thuốc uống: Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy trẻ có khả năng đáp ứng thuốc và bệnh xuất hiện biến chứng, bác sĩ cho bệnh nhi sử dụng thuốc uống. Bác sĩ Trọng lưu ý thuốc uống có thể dẫn đến tác dụng phụ. Phụ huynh cần cho trẻ uống đúng chỉ định của bác sĩ, theo dõi kỹ trong quá trình điều trị.

Phẫu thuật: Phương pháp này thường được chỉ định khi trẻ không đáp ứng cả thuốc bôi và uống, bướu máu đã ngừng phát triển song gây mất thẩm mỹ. Lúc này, phẫu thuật giúp loại bỏ những gì còn sót lại của bướu máu.

Laser: Phương pháp này điều trị các bướu máu nông, phẳng, bị viêm loét hoặc loại bỏ mạch máu hoặc sẹo còn sót lại. Bác sĩ Trọng đánh giá laser an toàn và không gây đau cho người bệnh.

Bác sĩ Trọng khuyến cáo phụ huynh cần chăm sóc trẻ đúng cách sau điều trị để giảm nguy cơ biến chứng. Bố mẹ cắt móng tay trẻ gọn gàng bởi vùng bướu máu có thể ngứa khiến bé gãi gây trầy xước. Không nên chà sát khi tắm trẻ hay vệ sinh khiến bướu máu vỡ. Nếu trẻ bị trầy xước, bố mẹ cần cầm máu theo hướng dẫn của bác sĩ và theo dõi kỹ, sau khoảng 5 phút bướu vẫn chảy máu cần đưa trẻ đến bệnh viện để được khám.

Đình Lâm

Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp