Phụ huynh, học sinh TP.HCM chia phe trước tin cấm dạy thêm sau 20h

Admin

Đề xuất cấm dạy thêm sau 20h ở TP.HCM gây tranh luận những ngày qua, phụ huynh lo con không đủ thời gian học, người lại mừng vì con có thời gian nghỉ ngơi, cân bằng cuộc sống.

TP.HCM dự kiến cấm dạy thêm, học sinh sau 20h để học sinh bớt áp lực và được nghỉ ngơi. Ảnh: Thành Đông.

Giang Anh (học sinh lớp 11 tại TP.HCM) bối rối sau nghe thông tin TP.HCM dự kiến cấm dạy thêm sau 20h.

“Em nghĩ là không cần thiết có quy định này”, Giang Anh chia sẻ với Tri Thức - Znews.

Tuần trước, tại buổi tập huấn phần mềm quản lý dạy thêm, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết Sở đang lấy ý kiến để xây dựng dự thảo tổ chức dạy thêm, học thêm, trong đó có nội dung cấm dạy thêm sau 20h.

Giảm áp lực hay thêm chồng chéo, dồn dập?

Giang Anh cho biết lịch học chính khóa ở trường kéo dài từ sáng đến khoảng 16h30. Tuy nhiên, để củng cố kiến thức và chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng xét tuyển vào đại học, em vẫn phải tìm đến các lớp học thêm vào buổi tối.

“Em học thêm Toán và Tiếng Anh, mỗi môn 2 buổi/tuần. Trong đó, môn Toán em học từ 19h30 đến 21h”, nữ sinh nói.

Khoảng 3 năm trở lại đây, Giang Anh duy trì lịch học thêm vào thời gian này. Vào học muộn, nữ sinh có thời gian nghỉ ngơi, phụ giúp bố mẹ sau khi đi học về, thoải mái ăn tối rồi mới đến lớp học thêm.

Cường độ học như vậy, Giang Anh thấy phù hợp. Bố mẹ em cũng ủng hộ điều này, không muốn lịch học của con gái bị dồn dập. Nếu giờ học bị đẩy lên sớm hơn và kết thúc trước 20h, nữ sinh nói chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thời gian ăn uống, nghỉ ngơi ít ỏi của em.

Trong khi đó, nếu giảm thời lượng, em lo không đủ để bổ sung kiến thức nhằm theo kịp chương trình hoặc học nâng cao để tham gia các kỳ thi lấy điểm xét vào đại học.

Lo lắng cũng là tâm trạng của chị Thu Hương, phụ huynh có con đang học lớp 11 tại một trường THPT tại TP.HCM. Chia sẻ với Tri Thức - Znews, chị Hương cho biết để chuẩn bị cho việc thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, từ lớp 10, con chị đã bắt đầu đi học thêm vào các buổi tối và ngày cuối tuần.

Với các lớp học thêm buổi tối, con chị thường tới lớp vào 19h-19h30 và sẽ học đến 21h-21h30, tùy thời lượng học tập của mỗi lớp. Trước khi tới lớp, con thường tranh thủ về nhà ăn nhẹ. Tan học, con mới ăn bữa tối rồi tiếp tục tự học tại nhà.

Với lịch học hiện tại, chị Hương đánh giá con khá dư giả thời gian để di chuyển từ trường về nhà, ăn uống, sau đó lại di chuyển từ nhà đến lớp học thêm. Nhưng nếu thực sự cấm học thêm, dạy thêm sau 20h, người mẹ lo thời gian của con sẽ bị hạn chế, không kịp ăn uống để đi học thêm.

“Hiện tại, con kết thúc ca học chiều vào 17h. Nếu Sở Giáo dục yêu cầu kết thúc lớp dạy thêm trước 20h, nghĩa là con sẽ phải bắt đầu đi học thêm vào khoảng 18h-18h30 mới đảm bảo đủ thời lượng của một buổi học. Như vậy, con sẽ phải di chuyển rất vội mới kịp tới lớp học thêm, trong khi giao thông TP.HCM vào giờ cao điểm rất phức tạp”, chị Hương nói.

Chị M.L., phụ huynh có con đang học THCS tại TP.HCM, đưa ra quan điểm gay gắt hơn. Người mẹ nói rằng Sở GD&ĐT đưa ra sáng kiến kết thúc học thêm trước 20h để giảm áp lực cho học sinh, nhưng chưa chắc đã hiệu quả.

Theo đó, việc cấm các lớp dạy thêm sau 20h có thể khiến các lớp, trung tâm dạy thêm dồn lịch học lên sớm hơn, khiến trẻ càng bị chồng chéo việc học và căng thẳng hơn.

Người mẹ lấy ví dụ hiện tại, vào thứ ba và thứ năm hàng tuần, con chị đi học thêm 2 ca liền nhau, một ca học đàn từ 17h30-18h30, một ca học tiếng Anh từ 19h30-21h.

Nếu đẩy lịch lên trước 20h, có thể con chị sẽ phải thay đổi lịch học, hoặc chấp nhận bỏ bớt một lớp.

Ủng hộ để trẻ được nghỉ ngơi

Trong khi đó, không ít người ủng hộ quy định các cơ sở dạy thêm không được hoạt động sau 20h.

Lý giải việc đưa ra đề xuất này, ông Hồ Tấn Minh cho biết tổ chức dạy thêm cần tính đến đặc điểm giao thông của TP.HCM. Là thành phố lớn, TP.HCM rất dễ xảy ra kẹt xe vào giờ tan tầm, nhất là sau 17h.

Sau khi học chính khóa ở trường, học sinh mất khá nhiều thời gian để di chuyển đến nơi học thêm. Nếu lớp học thêm bắt đầu quá sớm, các em không kịp ăn uống, nghỉ ngơi trước khi vào học. Còn nếu lớp kết thúc quá muộn, sức khỏe của các em có thể bị ảnh hưởng, hơn nữa không có thời gian sinh hoạt với gia đình.

Do đó, sở đề xuất kết thúc lớp dạy thêm, học thêm trước 20h để trẻ có thời gian nghỉ ngơi, về nhà ăn cơm, trò chuyện cùng gia đình thay vì phải học đến tối muộn.

day them sau 20h anh 1

Nhật Lâm ủng hộ đề xuất của sở, song cho rằng thời gian học thêm nên để học sinh tự lựa chọn theo nhu cầu. Ảnh: NVCC.

Nhật Lâm (học sinh lớp 12 tại TP.HCM) đồng ý với quan điểm này. Nam sinh cũng đang tham gia một số lớp học thêm và có lớp Hóa học 2 buổi/tuần, kéo dài từ 19h đến 21h.

So sánh với các lớp vào học sớm và kết thúc trước 20h, Lâm nói ca học muộn có thể khiến em mất tập trung vì đuối sức sau một ngày dài. Bên cạnh đó, việc di chuyển khá vất vả và cũng hơi nguy hiểm.

Những hôm có ca học muộn, về nhà, tinh thần uể oải, Lâm có thể không muốn và cũng không có nhiều thời gian học thêm bài trên lớp. Vì vậy, nam sinh thường thích những ca học bắt đầu sớm hơn, có thể từ 17h đến 19h.

Tuy nhiên, đồng quan điểm với Giang Anh, Nhật Lâm cho rằng không nhất thiết phải cứng nhắc cấm dạy thêm sau 20h. Nam sinh nói điều này khiến các em hạn chế lựa chọn trong việc học thêm, bởi có những bạn chỉ sắp xếp được khung giờ học này.

“Em nghĩ thời gian học thêm nên để các bạn lựa chọn theo nhu cầu”, Lâm nói.

Chung quan điểm, Minh Thư (29 tuổi) ủng hộ TP.HCM đặt ra “giờ giới nghiêm” cho việc dạy thêm, học thêm. Chưa có gia đình, nhưng Thư có một cháu trai lớp 9 đang tham gia một số lớp học thêm. Nhiều hôm, khi cả nhà đã ăn xong bữa tối, cháu trai mới tan học về nhà, phải tự ăn cơm một mình.

Đối với những đứa trẻ ở tuổi đi học và sắp thi chuyển cấp như cháu của Thư, bữa tối với gia đình trở nên hiếm hoi vì vướng lịch học thêm buổi tối. Do đó, khi nghe tin Sở GD&ĐT TP.HCM đề xuất cấm dạy thêm sau 20h, cô ủng hộ và mong rằng phương án này sẽ giúp trẻ được nghỉ ngơi, ăn tối cùng gia đình.

“Tôi thấy cấm dạy thêm sau 20h không có gì xấu. Nhưng nếu muốn ‘chốt’ phương án này, Sở cũng cần có phương án để áp dụng hiệu quả, tránh tình trạng lách luật, dạy chui sau khung giờ quy định”, Thư nêu quan điểm.

Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?

Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.