Phi công vụ máy bay rơi ở Bình Định được định vị thế nào

Admin

Nhà mạng cho biết đã tăng công suất phát sóng lên bốn lần ở khu vực được dự đoán phi công nhảy dù, từ đó định vị và cung cấp cho lực lượng tìm kiếm.

Tối 6/11, bà Nguyễn Vũ Trà My, Giám đốc trung tâm kỹ thuật KV2-TCT Viettel Network, cho biết sau khi nhận được thông tin từ Chủ tịch tỉnh Bình Định, đơn vị tiến hành kiểm tra lịch sử thuê bao của hai phi công, phát hiện khu vực họ có thể đã nhảy dù.

"Tuy nhiên, địa hình vùng đồi núi gây khó khăn cho công tác xác định vị trí trạm phát sóng phục vụ", bà My kể. Sau khi các phi công nhảy dù, đơn vị không liên lạc được với hai người này.

Theo bà My, nhà mạng đã khoanh vùng những trạm phát sóng nơi phi công có thể đáp xuống. Sau đó, đơn vị tiến hành giải pháp kỹ thuật như xoay chỉnh hướng và góc anten, tăng công suất phát tối đa của các trạm, đồng thời tận dụng giải pháp phát sóng băng tần thấp nhằm ưu tiên tập trung tăng cường hướng phủ sóng.

Với việc tăng công suất phát sóng lên bốn lần, đồng thời hiệu chỉnh góc ngẩng của anten, bà My cho biết vùng phủ mở rộng lên 5-7 lần so với trước, đồng thời phủ 4G lên những khu vực đồi núi cao xung quanh.

Sau các nỗ lực này, cùng với việc di chuyển của phi công, đến 16h30, thượng tá Nguyễn Hồng Quân, một trong hai phi công, đã bắt được sóng và thực hiện cuộc gọi đầu tiên, đồng thời nhà mạng cũng xác định tọa độ và tổ chức tìm kiếm. Đến 20h, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thượng tá Quân.

Định vị từ nhà mạng giúp xác định vị trí của hai phi công. Ảnh: Lực lượng tìm kiếm

Định vị từ nhà mạng giúp xác định vị trí của hai phi công. Ảnh: Lực lượng tìm kiếm

Khoảng 18h45, lực lượng tìm kiếm cứu nạn tiếp tục nhận được điện thoại từ đại tá Nguyễn Văn Sơn - người thứ hai trong máy bay gặp nạn. Từ thông tin này, các đơn vị có thể xác định vị trí và tiếp cận cứu hộ. Đến khoảng 22h20, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy đại tá Sơn.

Trước đó, sáng 6/11, thượng tá Quân, Chủ nhiệm bay Trung đoàn không quân 940, cùng đại tá Sơn, Trung đoàn trưởng, lái chiếc Yak-130 (số hiệu 210D) tập luyện bay đường dài, không vực, xuyên mây trong điều kiện khí tượng phức tạp.

Sau gần 40 phút trên không trung, khi kết thúc bài tập chuẩn bị hạ cánh, phi công phát hiện máy bay không thể thả càng, đồng thời thực hiện biện pháp xử lý tình huống khẩn cấp, song không thành công. Phi công đã báo chỉ huy bay và được phép nhảy dù tại khu vực Trường bắn TB2, huyện Tây Sơn.

Quân chủng Phòng không Không quân phối hợp các đơn vị, địa phương lập sở chỉ huy lâm thời, huy động nhiều lực lượng tìm kiếm máy bay rơi và phi công. Khu vực xảy ra sự cố mưa to, trời mù nên việc truy tìm gặp khó khăn.

Lưu Quý