Phát triển công nghiệp văn hoá, TP.HCM cần có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù

Admin

Sáng 12/12, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM phối hợp Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề "Phát triển Công nghiệp Văn hóa ở TPHCM - Hướng đến mục tiêu xây dựng Thành phố Sáng tạo".

Ngành công nghiệp điện ảnh

Tại buổi tọa đàm, các diễn giả, khách mời tập trung thảo luận những vấn đề then chốt liên quan đến sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp văn hóa tại TPHCM, nhằm đóng góp vào mục tiêu xây dựng Thành phố Sáng tạo, góp phần triển khai Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa TPHCM đến năm 2030 và thực hiện thành công Nghị quyết 98/2023/QH15.

GS.TS Phan Thị Thu Hiền - Giảng viên cao cấp Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) đã có những gợi ý thiết thực cho đề án dựa trên những học hỏi từ nền công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc, cụ thể "nền công nghiệp điện ảnh với thành phố sáng tạo Busan" và "công nghiệp âm nhạc với nhóm nhạc BTS".

GS.TS Phan Thị Thu Hiền trình bày tại tọa đàm. Ảnh: Thùy Linh.

GS Hiền cho biết, từ đầu những năm 1990, phim truyền hình Hàn Quốc đã thu hút được sự chú ý, đánh dấu sự khởi đầu của Hallyu ở Đông Á và mở rộng ra Châu Á. Liên hoan phim quốc tế Busan không chỉ trở thành cánh cửa mở ra thế giới của điện ảnh Hàn Quốc và điện ảnh châu Á mà còn trở thành một thị trường hợp tác, tăng trưởng điện ảnh khu vực.

"Về nhóm nhạc BTS, nhờ mô hình kinh doanh sáng tạo dựa trên hội tụ công nghệ truyền thông và hội tụ hợp tác, BTS đã đóng góp cho sự phát triển vượt bậc của công nghiệp âm nhạc, công nghiệp biểu diễn Hàn Quốc, đóng góp cho sự nâng cấp của Hallyu 3.0 trong hành trình chuyển sang Hallyu 4.0. Qua đó, góp phần khẳng định rõ ràng hơn vị thế Hàn Quốc với tư cách một cường quốc văn hóa đại chúng và công nghiệp văn hóa", GS Hiền đánh giá.

Hướng đến sáng tạo toàn cầu

Chia sẻ thêm về lĩnh vực điện ảnh, ThS Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM cho biết, TPHCM được xem là trung tâm điện ảnh của cả nước. Hiện nay, trên địa bàn Thành phố có trên 100 cơ sở đăng ký và sản xuất phát hành phim, trong đó có khoảng 30 cơ sở hoạt động thường xuyên.

Trong thời gian qua, ngành điện ảnh của TPHCM đã phát huy tốt nguồn lực xã hội hóa, nhiều hãng phim và cơ sở sản xuất phim tư nhân ra đời và hoạt động hiệu quả. Liên hoan Phim quốc tế TPHCM lần đầu tiên tổ chức với sức hút lớn từ các nhà làm phim quốc tế tên tuổi, với số lượng phim tham gia lên đến hơn 400 phim từ các quốc gia.

Hoạt động giao lưu và chiếu phim ngoài trời tại Liên hoan Phim quốc tế TPHCM lần I năm 2024. Ảnh: HIFF 2024.

Dù có nhiều tiềm năng, nhưng TPHCM vẫn gặp không ít khó khăn trong việc phát triển ngành điện ảnh. "Trước hết là các cơ sở hạ tầng chuyên biệt như trường quay, trung tâm hậu kỳ các thiết bị kỹ thuật cao cấp,... còn phụ thuộc phần lớn từ nguồn lực tư nhân. Các đoàn làm phim trong và ngoài nước chưa đủ điều kiện để sản xuất phim tại chỗ với những chính sách hỗ trợ về thuế, dẫn đến chi phí gia tăng và tính cạnh tranh giảm. TPHCM vẫn còn thiếu đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp và có kinh nghiệm quốc tế, từ biên đạo diễn, quay phim cho đến kỹ thuật viên hậu kỳ,...", ThS Thanh Thúy cho hay.

Theo GS Hiền, TPHCM nên đặt mục tiêu phát triển trở thành "đô thị sáng tạo của UNESCO". Điều này không chỉ đạt đến một danh hiệu, mà nâng cấp vượt bậc thành phố tới vị thế của một đô thị toàn cầu, tham gia vào mạng lưới các siêu đô thị của thế giới trong nền kinh tế sáng tạo, đóng góp cho phát triển bền vững của đất nước, của khu vực và của thế giới.

Liên hoan Phim Quốc tế TPHCM lần I diễn ra từ ngày 6 đến ngày 13/04/2024, do Ủy ban nhân dân TPHCM phối hợp cùng Cục Điện ảnh Việt Nam, Đài Truyền hình TPHCM, Hội Điện ảnh Thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức. Sự kiện nhằm tôn vinh nghệ thuật điện ảnh, tạo cơ hội giao lưu giữa các nhà làm phim trong và ngoài nước, đồng thời giới thiệu văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Theo Báo Mới