Phát hiện mới về vụ phun trào núi lửa kinh hoàng năm 1831

Admin

Nhiều người cho rằng ngọn núi lửa ở Philippines là thủ phạm gây ra hiện tượng Trái Đất bị giảm nhiệt độ, nhưng nghiên cứu mới lại đưa ra kết quả hoàn toàn khác.

Vụ phun trào năm 1831 xảy ra trên đảo Simushir. Vụ việc cũng tạo ra một miệng núi lửa rộng khoảng 3 km, để lộ các lớp trầm tích đủ màu đen, đỏ, trắng. Ảnh: Oleg Dirksen.

Một ngọn núi lửa vô danh đã phun trào dữ dội vào năm 1831 khiến nhiệt độ Trái Đất giảm đáng kể. Giờ đây, 200 năm sau vụ việc xảy ra, các nhà khoa học đã xác định được danh tính của "thủ phạm" gây ra chuyện này.

Theo CNN, vụ phun trào năm 1831 là một trong những vụ phun trào mạnh nhất thế kỷ 19. Ngọn núi lửa bí ẩn phun tra rất nhiều lưu huỳnh dioxide (SO2) vào tầng bình lưu, khiến nhiệt độ trung bình ở Bắc bán cầu giảm khoảng một độ C. Sự kiện này diễn ra trong thời kỳ cuối của Kỷ Băng Hà Nhỏ - một trong những thời kỳ lạnh nhất Trái Đất trong 10.000 năm qua.

Núi lửa ở Philippines bị "đổ oan"

Vụ phun trào lịch sử này được biết đến, nhưng vị trí của ngọn núi lửa thì không.

Gần đây, các nhà nghiên cứu mới giải được câu đố này thông qua việc lấy mẫu lõi băng ở Greenland nhằm kiểm tra các đồng vị của lưu huỳnh, hạt tro và mảnh thủy tinh tí hon nằm lại trong băng từ năm 1831 đến năm 1834.

Bằng phương pháp địa hóa học, các nhà khoa học đã tìm ra mối liên quan giữa vụ phun trào núi lửa năm 1831 với một ngọn núi lửa ở tây bắc Thái Bình Dương. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences vào ngày 30/12 vừa qua.

Theo phân tích, ngọn núi lửa bí ẩn đó là Zavaritskii (còn được viết là Zavaritsky) trên đảo Simushir thuộc quần đảo Kuril.

Tiến sĩ William Hutchison tại Đại học St. Andrews (Vương quốc Anh), tác giả chính của nghiên cứu, nói với CNN rằng núi lửa Zavaritskii nằm trên một hòn đảo rất xa xôi giữa lãnh thổ Nhật Bản và Nga. Không ai sống trên đảo nên các ghi chép lịch sử bị giới hạn trong một số ít nhật ký của những người lái tàu qua đảo, tần suất chỉ vài năm một lần.

Do ít thông tin, trước đây, không ai nghĩ Zavaritskii lại là thủ phạm của vụ phun trào núi lửa năm 1831. Thay vào đó, các nhà nghiên cứu lại tìm hiểu những ngọn núi lửa nằm gần đường xích đạo, ví dụ như núi lửa Babuyan Claro ở Philippines.

"Vụ phun trào này có tác động đến khí hậu toàn cầu, nhưng chúng ta đã đổ oan cho một ngọn núi lửa nhiệt đới. Nghiên cứu mới cho thấy vụ phun trào xảy ra ở Kuril, không phải vùng nhiệt đới", tiến sĩ Stefan Brönnimann, trưởng nhóm khí hậu học tại Đại học Bern (Thụy Sĩ), nhận định.

nui lua phun trao anh 1

Việc kiểm tra các lõi băng ở Greenland đã cung cấp manh mối về "núi lửa bí ẩn" phun trào vào năm 1831. Ảnh: Michael Sigl.

Cần tìm hiểu thêm

Thông qua việc nghiên cứu lõi băng Greenland, nhóm nghiên cứu phát hiện vào năm 1831, lượng bụi lưu huỳnh - dấu hiệu của hoạt động núi lửa - ở Greenland lớn hơn khoảng 6,5 lần so với Nam cực. Thông qua đó, họ biết được nguồn gốc của vụ phun trào thuộc về một ngọn núi lửa nằm ở Bắc bán cầu.

Cũng thông qua phân tích mẫu tro và mảnh thủy tinh trong lõi băng, sau đó so sánh kết quả với tập dữ liệu địa hóa từ các vùng núi lửa, nhóm nghiên cứu tìm ra sự trùng khớp với dữ liệu ở Nhật Bản và quần đảo Kuril.

Các vụ phun trào núi lửa ở Nhật Bản vào thế kỷ 19 đã được ghi chép lại đầy đủ, và không hồ sơ nào đề cập đến một vụ phun trào lớn vào năm 1831. Những nhà nghiên cứu từng đến thăm các núi lửa ở quần đảo Kuril trước đó đã cung cấp mẫu vật, giúp các nhà nghiên cứu tìm ra sự trùng khớp về mặt địa hóa với miệng núi lửa Zavaritskii.

Tiến sĩ William Hutchison nói rằng đối với nhóm nghiên cứu của ông, đây là một khoảnh khắc eureka. Đến khi công bố kết quả, ông vẫn rất ngạc nhiên vì vụ phun trào quy mô lớn như vậy nhưng không có báo cáo nào ghi lại.

"Có lẽ có những báo cáo về hiện tượng tro bụi rơi hoặc những hiện tượng khí quyển xảy ra vào năm 1831 đã bị 'kẹt lại' trong một góc bụi bặm của một thư viện nào đó ở Nga hoặc Nhật Bản. Nhiệm vụ tiếp theo của chúng tôi là đào sâu tìm kiếm những tài liệu này, tôi rất phấn khích", tiến sĩ Hutchison chia sẻ.

Cùng với Zavaritskii, ba ngọn núi lửa khác đã phun trào từ năm 1808 đến năm 1835. Những vụ phun trào này đánh dấu sự suy tàn của Kỷ Băng Hà Nhỏ. Trong thời gian này, nhiệt độ hàng năm ở Bắc bán cầu giảm trung bình 0,6 độ C. Ở một số nơi, nhiệt độ mát hơn bình thường 2 độ C và tình trạng này kéo dài trong nhiều thập kỷ.

Sau vụ phun trào năm 1831, tình trạng giảm nhiệt độ và khô hạn xuất hiện ở Bắc bán cầu. Hiện tượng này cũng khiến nạn đói lan rộng khắp Ấn Độ, Nhật Bản và châu Âu, ảnh hưởng đến hàng triệu người.

"Có vẻ vụ phun trào đã gây ra hiện tượng giảm nhiệt độ, dẫn đến mất mùa và nạn đói. Do đó, trọng tâm của nghiên cứu là tìm hiểu mức độ mất mùa, đói kém mà vụ núi lửa đã gây ra", trưởng nhóm nghiên cứu thông tin.

Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.

Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.