Phân biệt ban sởi và ban sốt mò

Admin

Ban sởi sờ mịn, tập trung thành nhiều đám nhỏ loang lổ trên da, còn ban sốt mò là các dát sẩn rải rác và có vết loét ở vị trí mò đốt.

ThS.BS.CKI Trần Nguyễn Anh Thư, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết sởi và sốt mò là hai bệnh truyền nhiễm cùng có triệu chứng đặc trưng là phát ban trên da nên dễ gây nhầm lẫn. Phân biệt đúng ban sởi và ban do sốt mò từ sớm giúp điều trị đúng cách, giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm tính mạng.

Theo bác sĩ Thư, sởi là bệnh lây qua đường hô hấp do virus sởi gây nên. Đặc trưng của ban sởi là chỉ xuất hiện sau khi người bệnh đã sốt cao 3-4 ngày và mọc theo thứ tự lần lượt từ đầu xuống chân. Ban sởi dạng đốm đỏ nhỏ, bằng phẳng hoặc hơi nổi lên bề mặt da nhưng không gây đau hay ngứa. Các đốm ban thường tập trung thành từng cụm kích thước 3-6 mm, màu đỏ tía nằm xen kẽ với các mảng da lành khiến da có màu loang lổ, ban xuất hiện cả ở lòng bàn tay và gan bàn chân. Ban hồng dát sẩn, khi căng da thì ban biến mất.

Ban sởi tập trung thành cụm, nằm xen kẽ với các mảng da lành tạo thành các vệt loang lổ như vằn da hổ. Ảnh: Anh Thư

Ban sởi tập trung thành cụm, nằm xen kẽ với các mảng da lành tạo thành các vệt loang lổ như vằn da hổ. Ảnh: Anh Thư

Nếu không bị biến chứng, bệnh sởi vào giai đoạn hồi phục khi ban đã nổi khắp toàn thân (khoảng 4-6 ngày). Lúc này người bệnh giảm sốt dần, các triệu chứng khác và ban biến mất tuần tự giống khi mọc, bệnh tự khỏi. Nốt ban nhạt dần từ đỏ, chuyển sang thâm, bong vảy. Những đám da ban đỏ đổi thành thâm sạm, khiến màu da loang lổ gọi là dấu hiệu vằn da hổ - dấu hiệu nổi bật để chẩn đoán bệnh sởi.

Trong khi đó, bệnh sốt mò do người bệnh bị ấu trùng mò (vi khuẩn ký sinh trong chuột, chim, gia súc, gia cầm) đốt. Lúc đầu, tại nơi ấu trùng mò đốt có một nốt phỏng nước bằng hạt đỗ, không đau, dễ bị bỏ qua. Sau khoảng 6-21 ngày ủ bệnh, người bệnh có thể sốt cao 38-40 độ C liên tục trong 15-20 ngày, thậm chí 27 ngày nếu không điều trị. Người bệnh có khi rét run 1-2 ngày đầu kèm nhức đầu nặng, đau mỏi cơ, bác sĩ Thư cho biết.

Ban của bệnh sốt mò là nốt dát sẩn, gồ hẳn lên bề mặt da, màu đỏ nhạt, không đau, không ngứa và khi lặn không để lại vết tích. Ban xuất hiện đầu tiên ở ngực, bụng, sau lan khắp mình và tay chân, ít khi gặp ở lòng bàn tay, bàn chân. Đôi khi có ban xuất huyết hoặc xuất huyết kết mạc mắt. Ban này tồn tại trong vài giờ tới 7 ngày.

Vết loét do mò đốt bên hông một người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Vết loét do mò đốt bên hông một người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Đặc trưng ở bệnh sốt mò là vết loét ở vị trí bị mò đốt, thường chỉ một nốt, tiến triển từ vết phỏng nước ban đầu. Nốt loét mò đốt hình tròn hoặc bầu dục, đường kính 1 mm đến 2 cm, không đau, không ngứa, có viền đỏ và nổi gờ trên da. Lúc đầu vết loét có màu vàng xám, sau đó đóng vảy màu nâu hoặc đen. Khoảng tuần thứ hai kể từ khi mò đốt, sang thương sẽ bong vảy để lại vết loét đáy sạch khô, màu đỏ tươi có viền cứng. Vết loét do mò đốt thường ở các nếp gấp như khoeo tay, cổ, gáy, thân mình, đùi, bẹn, rốn... Khi khỏi bệnh, vết loét này không để lại thâm hay sẹo.

Ngoài sốt mò, triệu chứng phát ban của sởi còn dễ nhầm lẫn với tay chân miệng, sốt xuất huyết, rubella, sốt siêu vi... Bác sĩ Thư khuyến cáo nếu có các triệu chứng bất thường trên cơ thể, gồm phát ban, có phỏng nước, vết loét trên da, người bệnh nên sớm tới cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm tới tính mạng.

Anh Thư

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp