Những lần Đại học Harvard lao đao vì vướng phải bê bối chấn động

Admin

Phân biệt sinh viên gốc Á, quấy rối tình dục sinh viên, hiệu trưởng đạo văn là những bê bối khiến Đại học Harvard bị chỉ trích và lên án dữ dội.

hieu truong harvard dao van anh 1

1. Hiệu trưởng đạo văn, phát ngôn gây tranh cãi: Bê bối lớn nhất gần đây của Đại học Harvard là vụ Hiệu trưởng Claudine Gay bị tố đạo văn hàng chục lần trong nhiều tác phẩm đã xuất bản, bao gồm luận án tiến sĩ năm 1997. Không chỉ đạo các đoạn ngắn về định nghĩa, bà Gay còn đưa những đoạn diễn giải của tác giả khác mà không để vào ngoặc kép trích dẫn hoặc ghi nguồn. Còn về phát ngôn gây tranh cãi, khi được hỏi làn sóng bài Do Thái diễn ra vào đầu tháng 10/2023 vừa qua có vi phạm quy tắc ứng xử của Harvard hay không, bà Gay nói rằng: "Điều đó phụ thuộc vào bối cảnh". Phát ngôn này của bà gây ra làn sóng phẫn nộ. Bà bị chỉ trích trên nhiều nền tảng, thậm chí có người đã thuê xe tải treo áp phích kèm câu: "Claudine Gay là nỗi ô nhục của quốc gia". Ảnh: Reuters.

hieu truong harvard dao van anh 2

2. Giáo sư quấy rối tình dục sinh viên vẫn được trở lại dạy học: Ông John L. Comaroff, giáo sư nghiên cứu về người châu Phi và người Mỹ gốc Phi, nhiều lần bị sinh viên Harvard tố cáo có hành vi quấy rối tình dục nữ sinh. Năm 2020, ông bị cho nghỉ có lương rồi sau đó là nghỉ không lương vào tháng 1/2022 sau 2 cuộc điều tra của trường. Dù bị xác định có những hành vi quấy rối tình dục, vị giáo sư này vẫn được trở lại dạy học vào học kỳ mùa thu năm 2022. Kết quả, khoảng 100 sinh viên đã bỏ khỏi lớp của giáo sư Comaroff rồi kéo đến nơi đặt văn phòng của ông để hô to các khẩu hiệu phản đối, theo Washington Times. Ảnh: Cory K. Gorczycki.

hieu truong harvard dao van anh 3

3. Tiết lộ hồ sơ tâm lý của sinh viên: Cũng liên quan vụ giáo sư John L. Comaroff quấy rối tình dục sinh viên, một nạn nhân của giáo sư này là sinh viên Lilia Kilburn đã nộp đơn khiếu nại lên trường, tố cáo giáo sư quấy rối mình. Trong quá trình điều tra vụ việc, Đại học Harvard đã tìm cách lấy hồ sơ và bản ghi âm từ các buổi trị liệu tâm lý của nữ sinh rồi đưa cho giáo sư Comaroff. Ông Comaroff đã cố tình sử dụng những tài liệu này để làm giảm uy tín của nữ sinh tố cáo mình. Khi bị sinh viên nộp đơn kiện vì để lộ thông tin cá nhân, phía Đại học Harvard vẫn chống chế rằng trước khi tìm kiếm và sử dụng tài liệu của sinh viên, họ đã thông báo trước và được sinh viên đồng ý. Tuy nhiên, Lilia Kilburn khẳng định rằng cô không hề nhận được bất kỳ thông báo nào từ trường. Ảnh: New York Times.

hieu truong harvard dao van anh 4

4. Giữ hài cốt và tóc của người Mỹ bản địa: Đại học Harvard có một bảo tàng tên là Bảo tàng Peabody - là nơi lưu trữ các bộ sưu tập nhân chủng học. Nơi đây trưng bày hàng loạt bộ sưu tập tóc, bao gồm mẫu tóc của 700 trẻ em thuộc 300 bộ lạc Mỹ. Những mẫu tóc này được nhà nhân học George Edward Woodbury thu thập được từ năm 1930-1933. Lý do bộ sưu tập tóc gây tranh cãi là ông Woodbury đã thu thập mẫu tóc từ các học sinh ở trường nội trú dành cho người Mỹ bản địa từ thế kỷ 19. Hồi đó, trẻ em Mỹ bản địa học ở những trường này thường bị ngược đãi, theo Harvard Crimson. Ngoài tóc, Đại học Harvard còn lưu giữ hài cốt của khoảng 7.000 người Mỹ bản địa. Đạo luật bảo vệ và hồi hương mồ mả người Mỹ bản địa yêu cầu nhà trường hoàn trả hài cốt từ những năm 1990, nhưng mãi đến năm 2022, trường mới đẩy nhanh công tác hoàn trả hài cốt cho con cháu của người Mỹ bản địa. Ảnh: WHDH.

hieu truong harvard dao van anh 5

5. Huấn luyện viên nhận hối lộ: Tháng 11/2020, huấn luyện viên đấu kiếm Peter Brand bị bắt vì nhận hối lộ từ Jack Zhao - Giám đốc điều hành Công ty truyền thông iTalk. Theo CNN, Jack Zhao đã hối lộ cho ông Peter Brand ít nhất 1,5 triệu USD để người này lo lót cho hai con trai tham gia vào đội đấu kiếm. Qua đó, hai nam sinh được nhận vào Đại học Harvard với tư cách là vận động viên đấu kiếm. Vụ bê bối được phơi bày khi tờ Boston Globe đưa tin về một giao dịch bất động sản đáng ngờ vì ông Peter Brand đã bán căn nhà ở Massachusetts cho Zhao Jie với giá gần 1 triệu USD, gần gấp đôi giá trị thực. Ngay sau đó, con trai út của Zhao được nhận vào Harvard và trở thành vận động viên của đội đấu kiếm. Sau khi vụ nhận hối lộ bị bóc trần, ông Peter Brand bị Đại học Harvard sa thải. Ảnh: Fox Carolina.

hieu truong harvard dao van anh 6

6. Phân biệt đối xử với sinh viên gốc Á: Năm 2018, Đại học Harvard từng phải hầu tòa vì phân biệt đối xử với sinh viên gốc Á trong quá trình tuyển sinh. Cụ thể, các ứng viên gốc Á luôn nhận được đánh giá thấp hơn trong hồ sơ cá nhân, đến mức nhiều thí sinh phải cố che giấu thân phận gốc Á của mình khi nộp hồ sơ vào Harvard. Khi hầu tòa, Đại học Harvard phủ nhận các cáo buộc, đồng thời nêu rằng từ năm 2010, tỷ lệ sinh viên gốc Á của trường đã tăng lên đáng kể và chiếm khoảng 23% trong số 2.000 sinh viên nhập học. Ảnh: AP.

hieu truong harvard dao van anh 7

7. Sinh viên gian lận, đạo văn: Năm 2012, CNBC đưa tin hàng loạt sinh viên Đại học Harvard bị trường điều tra vì gian lận thi cử và đạo văn. Cuộc điều tra bắt đầu sau khi một giáo viên phát hiện bài về nhà của sinh viên sau khóa học chính trị giống hệt nhau. Thống kê của trường cho thấy gần một nửa trong số 279 sinh viên gian lận. Sau cuộc điều tra, những bài làm vi phạm bị Harvard hủy bỏ, 125 sinh viên bị điều tra phải nhận hình phạt đình chỉ học tập hoặc bị khiển trách, cảnh cáo. Ảnh: AP.

Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?

Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.