Những kẽ hở tạo ‘thiên đường lợi nhuận’ cho hàng giả, hàng nhái

Admin

Theo cơ quan chức năng, việc xử lý hàng giả hàng nhái bị thu giữ còn khó khăn hơn cả công tác bắt giữ. Các thủ tục pháp lý rườm rà, giám định tốn kém và kéo dài, trong khi chế tài lại quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Chính điều này tạo ra một “thiên đường lợi nhuận” cho hàng giả.

Ngày 10/7, tại tọa đàm “Ngăn chặn hàng giả , hàng nhái và thông tin giả gây hại cho doanh nghiệp”, nhiều chuyên gia nhận định, mặt trận hàng giả không chỉ làm suy yếu doanh nghiệp, mà còn âm thầm phá hoại sức khỏe người dân.

Những kẽ hở tạo ‘thiên đường lợi nhuận’ cho hàng giả, hàng nhái- Ảnh 1.

Quang cảnh hội thảo

Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM cho biết, các bệnh không lây nhiễm chiếm tới 74% gánh nặng bệnh tật và là nguyên nhân của 80% số ca tử vong, trong đó thực phẩm không đảm bảo chất lượng, thậm chí bị làm giả là một nguyên nhân nghiêm trọng.

Thực phẩm giả, thuốc giả có thể gây ngộ độc cấp tính, tích tụ độc tố lâu dài, dẫn đến ung thư, tim mạch, tiểu đường… Cái giá phải trả không chỉ là sức khỏe mà còn là chi phí y tế, gánh nặng xã hội. Trong khi đó, người tiêu dùng nhất là ở khu vực dân cư thu nhập thấp lại dễ tiếp cận và sử dụng các sản phẩm giá rẻ, trôi nổi, càng khiến hệ lụy lan rộng.

Ở một khía cạnh khác, luật sư Phạm Công Hùng, nguyên thẩm phán TAND Tối cao chỉ ra một “vùng xám” pháp lý: hiện chưa có định nghĩa và chế tài riêng cho hàng nhái. Trong khi hàng giả đã có khung hình phạt rõ ràng theo Bộ luật Hình sự và Nghị định 98 thì hàng nhái là những sản phẩm bắt chước kiểu dáng, thiết kế, hoặc sử dụng nhãn hiệu trái phép nhưng không đến mức lừa dối hoàn toàn lại khó xử lý.

Những kẽ hở tạo ‘thiên đường lợi nhuận’ cho hàng giả, hàng nhái- Ảnh 2.

Những kẽ hở tạo ‘thiên đường lợi nhuận’ cho hàng giả, hàng nhái- Ảnh 3.

Cơ quan chức năng kiểm tra, thu giữ hàng ngàn sản phẩm giả, nhái tại nhiều "thiên đường mua sắm" của TPHCM

“Chúng ta đang vận dụng quy định về giả mạo nhãn hiệu để xử lý hàng nhái , nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế” - Luật sư Hùng nói và kiến nghị cần xây dựng khung pháp lý riêng để kiểm soát chặt chẽ hơn.

Không chỉ xử phạt , theo ông Hùng, pháp luật cũng nên tạo điều kiện để các đơn vị từng vi phạm có cơ hội cải chính và làm ăn đúng quy chuẩn, ví dụ bằng cơ chế đăng ký chất lượng sản phẩm rõ ràng, minh bạch hơn.

Cuộc đuổi bắt gian nan

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cuộc chiến chống hàng giả chẳng khác nào trò “đuổi bắt” mệt mỏi, tốn kém. Đặc biệt, khi công nghệ phát triển nhanh, các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, ẩn danh trên mạng xã hội... thì pháp luật lại chưa theo kịp.

Những kẽ hở tạo ‘thiên đường lợi nhuận’ cho hàng giả, hàng nhái- Ảnh 4.

Hầu như chợ nào cũng bán đầy các loại "hàng hiệu giá rẻ"

Thậm chí, việc xử lý hàng hóa bị thu giữ còn khó khăn hơn cả công tác bắt giữ. Các thủ tục pháp lý rườm rà, giám định tốn kém và kéo dài, trong khi chế tài lại quá nhẹ, không đủ sức răn đe . Chính điều này tạo ra một “ thiên đường lợi nhuận ” cho hàng giả.

Để đối phó, thành phố đã triển khai chương trình “Tick xanh trách nhiệm” nhằm cấp chứng nhận chất lượng cho những sản phẩm đạt chuẩn. Dù mục tiêu là nâng cao chuẩn mực thị trường, số lượng doanh nghiệp đăng ký tham gia vẫn còn rất hạn chế. Sau hơn một năm, chỉ vài trăm hồ sơ được nộp đã minh chứng cho sự e dè trước các ràng buộc nghiêm ngặt.

Ông Trần Xuân Nam, Giám đốc hệ thống nhà thuốc Long Châu cho biết, để xây dựng hệ sinh thái y tế văn minh, không thể thiếu sự đồng hành giữa doanh nghiệp và cơ quan chức năng. Long Châu đã chủ động phối hợp xử lý các nội dung giả mạo, sai lệch gây hiểu lầm cho khách hàng, đồng thời cảnh báo người dân qua các kênh chính thống.

Những kẽ hở tạo ‘thiên đường lợi nhuận’ cho hàng giả, hàng nhái- Ảnh 5.

"Núi" thực phẩm chức năng nghi giả, kém chất lượng bị đổ bỏ ở vùng ven TPHCM

Tuy nhiên, một “ lỗ hổng ” lớn khác lại nằm ở khâu sản xuất. Theo ông Võ Quang Phúc, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Thương mại Mekong, doanh nghiệp phân phối chỉ có thể đặt hàng và kiểm tra chứng nhận. Nguyên liệu đầu vào có bị tráo, hay công thức sản xuất có bị thay đổi hay không thì họ không thể kiểm soát hoàn toàn. Một khi sản phẩm xảy ra vấn đề, thương hiệu sẽ là bên hứng chịu hậu quả, dù lỗi nằm ở đơn vị sản xuất. Điều này càng khiến những doanh nghiệp chân chính thêm phần bị động trong cuộc chiến giữ gìn thương hiệu.

Ở góc độ quản lý nhà nước, TS Nguyễn Thanh Hà, Phó Viện trưởng Viện kiểm nghiệm thuốc TPHCM cho biết, đơn vị vẫn đang tăng cường năng lực kiểm nghiệm, thanh kiểm tra các sản phẩm dược và thực phẩm chức năng, góp phần ngăn chặn sớm các sản phẩm kém chất lượng trước khi đến tay người tiêu dùng.

Ông Lê Ngọc Danh, Trưởng phòng nghiệp vụ dược Sở Y tế TPHCM cảnh báo một thực trạng đáng lo. Hiện nay, thuốc giả , thực phẩm chức năng giả khi có chủ đích ra thị trường thường sẽ không xuất hiện trên quầy kệ, nhất là tại các cơ sở kinh doanh không được cấp phép.

"Người dân thường có thói quen ghé các tiệm thuốc bên đường, nêu yêu cầu với người bán và chờ nhận thuốc chứ không chú trọng xem xét bao bì sản phẩm, xuất xứ ra sao, sử dụng thế nào..."- ông Danh nói.