Pickleball là môn thể thao kết hợp giữa tennis, cầu lông và bóng bàn phù hợp với nhiều lứa tuổi, giúp tăng cường sức khỏe tim mạch, sự linh hoạt và khả năng phản xạ. ThS.BS Nguyễn Quang Tôn Quyền, Phó khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết pickleball cũng tiềm ẩn nguy cơ chấn thương như những môn thể thao khác. Pickleball đòi hỏi người chơi di chuyển linh hoạt trên sân, chạy nhanh, dừng đột ngột, xoay người, vươn người... Các động tác này nếu thực hiện sai kỹ thuật hoặc vượt quá khả năng vận động có thể dẫn đến tổn thương ở các vị trí sau:
Mắt cá chân
Mắt cá chân là một trong những vị trí dễ bị tổn thương nhất do đặc trưng di chuyển ngang và đổi hướng đột ngột của môn này. Lật cổ chân có thể xảy ra khi người chơi đặt chân sai vị trí hoặc mất thăng bằng khi lao về phía trước làm cho dây chằng bị kéo giãn quá mức hoặc rách, được gọi bong gân mắt cá chân. Hệ quả là sưng đau, giảm khả năng vận động, nếu không được điều trị đúng cách, bất động tốt, có thể dẫn đến mất vững khớp mạn tính, tăng nguy cơ tái phát. Trường hợp chấn thương cổ chân nặng có thể gây gãy xương, thời gian hồi phục kéo dài hơn.
Chấn thương vùng cổ chân thường gặp khác là các tổn thương gân Achilles như đứt bán phần hoặc hoàn toàn gân này. Chấn thương xảy ra do bước hụt chân, tăng tốc đột ngột, tiếp đất không đúng cách hoặc ngã người về phía sau làm cho bàn chân bị gập quá mức về phía mu chân. Chấn thương này thường mất nhiều tuần bất động để lành hoàn toàn hoặc đôi khi cần phẫu thuật khâu nối gân.

Người chơi pickleball nên học kỹ thuật bài bản, khởi động kỹ, để tránh chấn thương. Ảnh:Trịnh Hằng
Chấn thương đầu gối
Khớp gối là vị trí chịu nhiều áp lực khi người chơi thực hiện các động tác dừng đột ngột hoặc xoay người. Đau các gân quanh khớp gối do quá tải như gân tứ đầu đùi, gân bánh chè, gân kheo, hội chứng dải chậu chày, tổn thương các dây chằng gồm dây chằng chéo trước, dây chằng bên trong..., tổn thương sụn chêm là những chấn thương thường gặp.
Hội chứng bánh chè đùi (đau âm ỉ phía sau xương bánh chè) cũng là tổn thương phổ biến, xảy ra khi sụn dưới xương bánh chè bị chịu áp lực lặp lại dẫn đến quá tải. Người chơi thường cảm thấy đau âm ỉ ở mặt trước gối, nhất là khi ngồi lâu hoặc leo cầu thang. Ngoài ra, đứt dây chằng chéo trước (ACL) thường gặp khi đầu gối bị xoay đột ngột, gây mất vững khớp, bán trật khớp lặp đi lặp lại, ảnh hưởng lâu dài đến khả năng chơi thể thao.
Rách sụn chêm có thể đơn thuần hoặc kèm với tổn thương dây chằng, xảy ra khi gối chịu tải trọng lớn kết hợp với động tác xoay hoặc vặn người đột ngột, gây đau nhức, kẹt khớp và giảm khả năng vận động.
Vùng vai
Viêm gân chóp xoay là tổn thương thường gặp do đặc thù các cú đánh trên cao, nhất là smash và volley. Nếu không kiểm soát tốt, viêm gân có thể tiến triển thành rách gân, khiến người chơi mất khả năng sử dụng vai bình thường. Hội chứng chèn ép vai là nguy cơ tiềm ẩn khi không gian giữa xương bả vai và đầu xương cánh tay bị thu hẹp, làm tăng áp lực lên gân và mô mềm. Một số trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến thoái hóa khớp vai, gây cứng khớp và hạn chế biên độ vận động.
Cổ tay và khuỷu tay
Đây là hai bộ phận chịu tác động lớn từ những cú đánh có biên độ rộng và lực mạnh. Nguyên nhân đau cổ tay thường gặp có giãn các dây chằng cổ tay, rách phức hợp sụn tam giác, viêm gân quanh cổ tay do quá tải khi thực hiện động tác đánh bóng lập đi lập lại hoặc đôi khi là gãy xương (thường gặp là gãy xương thuyền) do ngã chống tay.
Viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài (tennis elbow) xảy ra khi gân duỗi cổ tay bị quá tải, biểu hiện bằng cơn đau ở mặt ngoài khuỷu tay, nhất là khi cầm nắm hoặc xoay cổ tay. Nếu không được điều trị, tình trạng viêm có thể trở thành mạn tính, ảnh hưởng đến chức năng vận động của cánh tay.
Lưng dưới và hông
Lưới dưới và hông dễ gặp chấn thương khi người chơi cúi thấp người để đỡ bóng hoặc thực hiện những cú vung vợt mạnh. Căng cơ lưng dưới, căng cơ mông, cơ gấp hông hoặc cơ gân kheo là chấn thương phổ biến, xảy ra khi cơ bị kéo giãn quá mức, dẫn đến đau cứng và giảm khả năng xoay người. Nghiêm trọng hơn thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra nếu lực nén dồn vào cột sống quá lớn, gây đau lan xuống chân và tê bì. Trường hợp nặng có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh tọa, khiến người chơi gặp khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày và vận động thể thao.
Gãy xương
Đây là chấn thương nặng, ít phổ biến hơn nhưng có thể xảy ra do va chạm hoặc tiếp đất sai tư thế ở cường độ cao trong thi đấu.
Để phòng tránh chấn thương trong pickleball, bác sĩ Quyền khuyến cáo người chơi cần khởi động kỹ trước khi đánh giúp tăng cường lưu thông máu, làm nóng cơ bắp, giảm nguy cơ căng cơ và bong gân. Sau khi chơi cần thực hiện các động tác giãn cơ nhẹ nhàng giúp cơ hồi phục, giảm cứng cơ. Tập luyện thể lực đều đặn, đặc biệt là tăng cường sức mạnh cơ chân, cơ lưng và cơ vai, giúp nâng cao sự ổn định khớp, hạn chế áp lực lên hệ cơ xương khớp.
Người chơi cần hạn chế các động tác xoay gối đột ngột, tiếp đất đúng cách để giảm áp lực lên mắt cá chân và đầu gối. Sử dụng giày thể thao có độ bám tốt và vợt có trọng lượng phù hợp để giảm tải lực lên cổ tay và khuỷu tay.
Khi bị đau, nên nghỉ ngơi, áp dụng biện pháp giảm đau và tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi tiếp tục tập luyện. Chấn thương nhẹ như bong gân hoặc căng cơ có thể chỉ cần nghỉ ngơi, chườm lạnh, dùng thuốc giảm đau. Với chấn thương nghiêm trọng hơn như rách gân, đứt dây chằng hoặc gãy xương, người bệnh có thể cần phẫu thuật, tập vật lý trị liệu, tiêm corticoid hoặc huyết tương giàu tiểu cầu để hỗ trợ phục hồi.

Bác sĩ Quyền và êkíp phẫu thuật cho người bệnh chấn thương thể thao. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Nếu đau kéo dài, người chơi nên đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa cơ xương khớp, chấn thương chỉnh hình để được khám và điều trị kịp thời, tránh để biến chứng.
Linh Đặng
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |