Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã công bố thông tin cấu trúc định dạng của kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cùng với đề thi minh hoạ. Đây được coi là một trong những nội dung được đông đảo nhà giáo cùng các em học sinh quan tâm, bởi đây sẽ là năm đầu tiên thi bắt đầu nội dung thi tốt nghiệp Chương trình GDPT 2018.
Đề Ngữ văn thêm nhiều "đất diễn" cho học sinh
Đánh giá về đề thi minh hoạ môn Ngữ văn, trao đổi với Người Đưa Tin, thầy Đoàn Mạnh Linh – Giáo viên Trường THPT FPT đánh giá Bộ GD&ĐT đã làm rõ phương châm hướng tới chất lượng đầu ra của học sinh là 2 năng lực đọc và viết rất rõ ràng.
“Phần năng lực đọc, đề ra cho một văn bản bất kỳ không nằm trong chương trình, ở đây là một văn bản thuộc thể loại sử thi. Học sinh khối 10 đã được tiếp xúc với thể loại này ngay từ bài đầu tiên. Như vậy thông qua việc học và đọc, học sinh cần có tri thức thể loại, có năng lực đọc hiểu văn bản thuộc thể loại sử thi”.
Theo thầy giáo, học sinh cần đọc để để nhận diện, hiểu không chỉ nội dung mà còn chỉ ra được đặc trưng của thể loại sử thi. Ngoài ra, với 5 câu hỏi, đã đáp ứng rất đúng với phần năng lực đọc.
Về phần viết, theo thầy giáo học sinh cần tạo lập được 2 kiểu văn bản, nghị luận văn học và nghị luận xã hội.
“Với nghị luận văn học, học sinh cần có tri thức ngữ văn về thể loại mới có thể làm được câu hỏi nghị luận văn học là làm rõ đặc điểm của nhân vật thần thoại. Như vậy, hướng ôn tập của học sinh là thông qua việc học các văn bản của một thể loại nhất định, hình thành con đường khám phá bài bản những thể loại bất kỳ”, thầy Đoàn Mạnh Linh bày tỏ.
Ở đây, với cách hỏi mới cũng không yêu cầu học sinh cần phải tác giả, tác phẩm, cần phải phân tích, cảm thụ sâu kỹ, quan trọng là các em nắm vững được đặc trưng thể loại, như chiếc chìa khoá để khám phá văn bản mới được cho trong đề.
Đối với nghị luận xã hội, thầy Đoàn Mạnh Linh đánh giá: “Thay vì học sinh đã quen viết đoạn văn 200 chữ trong các đề quen thuộc trước đây, nghị luận xã hội đã chuyển thành bài văn và yêu cầu khỏang 600 chữ, tăng nhiều "đất diễn" hơn cho học sinh.
Các em có thể luận bàn sâu hơn, về vấn đề mà không quá lo lắng vượt dung lượng, đây là điều mà tôi tin các giáo viên và người học sẽ thích thú hơn, bởi năng lực tư duy phản biện là năng lực rất cần của thời đại mới”.
Tuy nhiên, thầy Linh cũng có những băn khoăn về đề thi minh hoạ khi chỉ với 120 phút, nhưng đề cho ra tới hai văn bản để học sinh đọc hiểu, một văn bản trả lời đọc hiểu, một văn bản học sinh viết nghị luận văn học.
“Nếu vậy, riêng việc đọc, cũng là quá trình gây ra không ít khó khăn, nên chăng, chỉ nên cho một văn bản và hoàn toàn có thể đưa ra hai yêu cầu, từ đó học sinh sẽ đọc kỹ, tập trung sâu một văn bản, chất lượng sẽ tốt hơn”, thầy Đoàn Mạnh Linh đánh giá.
Nội dung sách giáo khoa được khai thác hiệu quả
Đối với đề thi môn Lịch sử, chia sẻ với Người Đưa Tin, thầy Hồ Như Hiển – Giáo viên Lịch sử Trường liên cấp Đông Bắc Ga, Thanh Hoá cho biết đối đề thi gồm 2 phần thể hiện các cấp độ nhận thức khác nhau (3 mức độ so với 4 mức độ trong đề theo chương trình cũ).
Phần thứ nhất: Câu trắc nghiệm có nhiều phương án lựa chọn, nhưng chỉ có 1 đáp án đúng duy nhất, thí sinh chỉ được chọn 1 đáp án tương ứng câu hỏi. “Phần này có 3 mức độ đánh giá năng lực (tìm hiểu; nhận thức, tư duy; vận dụng kiến thức, kỹ năng) và cấp độ tư duy (nhận biết; thông hiểu; vận dụng). Tỉ lệ giữa 3 cấp độ nhận thức, tư duy là 10/8/6”, thầy Hồ Như Hiển nhận xét.
Phần thứ hai: Câu trắc nghiệm đúng/sai. Đề cho dữ kiện và yêu cầu học sinh đọc, khai thác và đưa ra nhận định đúng sai. Có 4 câu hỏi với mỗi câu có 4 đáp án yêu cầu học sinh nhận định, như vậy có 16 nhận định đúng/sai, mỗi nhận định tương ứng 1 câu hỏi. Nội dung phần thứ hai có 3 mức độ đánh giá năng lực (tìm hiểu; nhận thức, tư duy và vận dụng kiến thức kỹ năng) tương ứng 3 cấp độ tư duy (nhận biết; thông hiểu; vận dụng) với tỉ lệ giữa 3 cấp độ nhận thức, tư duy là 4/4/8.
Đánh giá chung về đề thi, thầy Hồ Như Hiển cho biết: “Tuy cùng 40 lệnh trả lời nhưng mức độ đề thi nhẹ nhàng hơn do số lượng câu hỏi ít hơn, nội dung thi rất trọng tâm, chủ yếu khai thác dữ liệu trong sách giáo khoa.
Tuy nhiên, phần vận dụng có tính phân hoá khi sử dụng dữ liệu ngoài sách giáo khoa, yêu cầu học sinh phải tìm hiểu thêm. Đề thi phù hợp với dạng thức đánh giá năng lực và tư duy người học”
Đưa ra lời khuyên cho học sinh, thầy Hiển cho rằng học sinh nên học kỹ nội dung sách giáo khoa, với mỗi nội dung trong sách, nên kết hợp với việc mở rộng kiến thức qua việc đọc sách, báo, nghiên cứu tài liệu. Chú ý phát triển các năng lực tư duy, nhận thức vấn đề dựa trên dữ liệu được cho.
“So với đề thi trắc nghiệm chương trình cũ, đề minh họa chương trình mới có số lượng lệnh hỏi tương đương nhưng số câu hỏi ít hơn, kiến thức nhẹ nhàng hơn và ít hơn 1 cấp độ tư duy (không có vận dụng thấp).
Tuy nhiên số lượng câu hỏi ở mức độ vận dụng lại tăng lên. Điều này phù hợp với mục tiêu chương trình mới, phát triển năng lực người học. Tuy nhiên, đề minh họa cần ra đáp án nhiễu tốt hơn, để đủ khả năng phân hoá thí sinh”, thầy Hồ Như Hiển bày tỏ.
Theo Bộ GD&ĐT, cấu trúc định dạng đề thi theo định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với Chương trình GDPT 2018 và được thể hiện thông qua đề minh họa, bảng năng lực - cấp độ tư duy kèm theo.
Theo đó, người học sẽ được biết đề thi gồm mấy phần, có những dạng thức câu hỏi trắc nghiệm nào, những (thành phần) năng lực nào được đánh giá trong đề minh họa.
Các câu hỏi trong đề minh họa cố gắng gắn với các bối cảnh có ý nghĩa (bối cảnh có tác dụng/có giá trị nhất định đến đời sống, thực tiễn, khoa học).